Nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý trong phát triển phương tiện giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Giải pháp nào cho việc quản lý phương tiện giao thông đô thị? (bài cuối)

Thứ Năm, 27/06/2024, 08:17

Sau nhiều năm phát triển hệ thống bến, bãi đậu xe theo Quy hoạch 568 của Thủ tướng Chính phủ, thông tin về vấn đề này vào năm 2017, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết khu vực trung tâm được quy hoạch dành 8,9 ha cho bãi đỗ xe, trong đó địa bàn quận 1 là 6,9ha và quận 3 là 2ha.

Qua rà soát, diện tích bãi đậu xe ở khu vực trung tâm đã đáp ứng Quy hoạch 568 khi ở quận 1 đã có 4 bãi đậu xe ngầm tại các công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng và sân bóng đá thuộc công viên Tao Đàn và bãi đậu xe ngầm dưới sân vận động Hoa Lư. Nhưng ngay sau đó có 3 dự án bãi đậu xe ngầm trong số này đã dừng đầu tư, 1 bãi đậu xe ngầm còn lại chưa biết đến khi nào sẽ được triển khai. Trong khi đó 2 ha bãi đậu xe tại quận 3 vẫn chưa thể xác định vị trí cụ thể, chỉ được định hướng khi nào duyệt dự án…

Loạn bãi đỗ xe tự phát

Theo Quy hoạch 568, trong vùng lõi 930 ha ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh còn có 3 bãi đậu xe ôtô ngầm phía dưới công viên 23/9 - chợ Bến Thành - công viên Quách Thị Trang; khu vực bờ sông Sài Gòn, đường Nguyễn Huệ và công viên Chi Lăng, nhưng đến nay các vị trí đậu xe ngầm này vẫn hầu như chưa xuất hiện. Các quận, huyện còn lại diện tích bãi đậu xe theo Quy hoạch 568 là hơn 508ha, kết quả rà soát giữa Sở GTVT với các quận, huyện cũng chỉ xác định được 67 vị trí với diện tích 335ha, còn lại 175ha chưa xác định vị trí cụ thể, chỉ được định hướng lồng ghép trong quá trình thực hiện quy hoạch của các địa phương.

Trong khi đó, chưa tính lượng xe container, xe tải lớn ra vào các KCN, chỉ riêng tại cảng chuyên làm hàng container là Cát Lái, dịp cao điểm mỗi ngày đã có đến 20.000 - 22.000 lượt phương tiện ra vào. Ngoài ra, chưa tính số lượng xe vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành chạy qua lại trên các tuyến đường xuyên tâm TP Hồ Chí Minh như quốc lộ 1A, đại lộ Mai Chí Thọ, đại lộ Nguyễn Văn Linh.... và lượng xe vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ các địa phương đến thành phố mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có đến 84.696 ôtô đăng ký kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó xe container chiếm 18.156 xe.

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, riêng Hiệp hội đã có 130 doanh nghiệp thành viên với hơn 10 nghìn đầu xe. Với số lượng xe tải, xe container lớn như vậy, vận tải đường bộ lúc cao điểm đã chiếm tỉ trọng 69,5% thị phần vận tải hàng hóa. Những năm qua, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của TP Hồ Chí Minh đã ở mức trên 160 triệu tấn/năm và phần lớn lượng hàng hóa này được vận chuyển đến và đi các cảng biển bằng ôtô trên đường bộ. Vì vậy, nhu cầu về bến bãi đậu xe, trung chuyển hàng hóa cho lĩnh vực vận tải đường bộ là rất lớn.

Để kéo giảm tai nạn giao thông, Sở GTVT đã phải thực hiện biện pháp cấm xe ôtô tải có sức chở trên 2,5 tấn lưu thông theo giờ trên phần đường hỗn hợp của 3 tuyến đường là quốc lộ 1, quốc lộ 22 và đường Trường Chinh. Việc này đã khiến làn đường dành cho xe vận tải hàng hóa trên các tuyến trên càng thêm quá tải, chỉ cần một vụ va quẹt xe hay một ôtô hư hỏng, chết máy, ù ứ phương tiện kéo dài sẽ lập tức xảy ra.

Khi diện tích bến bãi đậu xe tập trung theo Quy hoạch 568 không được quan tâm thực hiện, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe phải tự lo chỗ đậu nên bất cứ khu đất trống, đoạn đường ít xe qua lại nào đều có thể trở thành nơi dừng đậu của xe tải, xe container. Nhiều ngày có mặt trên các tuyến trọng điểm về xe container và xe tải nặng như đường Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển… thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi ghi nhận tình trạng xe container, xe tải nặng lưu thông với số lượng rất lớn để ra, vào các khu vực kho, bãi trên địa bàn phường này. Các đoạn có ngã ba, ngã tư giao nhau với các tuyến đường trên thường xuyên xảy ra tình trạng dồn ứ phương tiện mỗi khi xe container quay đầu vào kho, bãi.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1988, ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức) bức xúc: “Mỗi lần phải đi làm qua đường Hoàng Hữu Nam là nỗi ám ảnh đối với tôi và nhiều người dân khác. Xe container, xe tải lớn thường xuyên quay đầu hay cua gấp ở nhiều đoạn ngã ba, ngã tư giao nhau với đường Hoàng Hữu Nam gây cản trở giao thông, tài xế còn thường xuyên bấm còi khiến nhiều người hoảng loạn. Đặc biệt, đoạn ngã ba giao nhau đường Hoàng Hữu Nam với đường số 7, hay trước địa chỉ 458 Hoàng Hữu Nam, xe container, xe tải nặng thường xuyên quay đầu khiến các phương tiện qua đây đều phải dừng lại hoặc di chuyển rất chậm”.  

Không chỉ các tuyến đường trên, nhiều tuyến đường khác ở TP Thủ Đức như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Tư, đoạn qua địa bàn các phường Phú Hữu, Trường Thạnh, tình trạng xe container chạy ầm ầm cũng khiến nhiều người đi đường bất an. Thậm chí trên đường Nguyễn Thị Tư, nhiều xe container “vô tư” đậu trên lòng đường mà không hề bật đèn tín hiệu cảnh báo. Trên tuyến đường này có một loạt kho, bãi đậu xe container, nhiều khu đất trống ven đường cũng được chủ xe tận dụng. Một số kho bãi còn để biển hiệu, ghi rõ số điện thoại, người liên lạc để nhận cho thuê kho bãi.

Anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1985, ngụ TP Thủ Đức), bất an: “Đường Nguyễn Duy Trinh hẹp khiến tôi và nhiều người dân khác vô cùng bất an mỗi xe gặp xe container. Mỗi lần đưa chở vợ con đi chơi hay đi làm, gia đình tôi thường phải ra khỏi nhà trước 6 giờ sáng để không gặp “hung thần” container và cảnh kẹt xe”.

Trong khi số lượng xe khách từ 16 chỗ trở lên đăng ký hoạt động tại 5 bến xe liên tỉnh của TP Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 5.000 xe, tổng số xe khách từ 10 chỗ trở lên đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại Sở GTVT thành phố đã lên đến trên 19.427 xe. Nhưng số đầu xe thực sự kinh doanh vận tải khách du lịch, lữ hành chỉ có khoảng 272 xe của 54 doanh nghiệp. Lượng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định ngoài bến hùng hậu như vậy hằng ngày chạy vào nội thành đã gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông của thành phố, nhất là nhu cầu về bến bãi đậu xe.

Những ngày chạy theo các nhà xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định hoạt động trên địa bàn, chúng tôi ghi nhận có ít nhất 65 địa điểm cố định các nhà xe, doanh nghiệp vận tải thường xuyên dừng đậu, đón trả khách. Trong đó nhức nhối nhất là địa bàn phường 26, quận Bình Thạnh. Ngoài bến “cóc” có sức chứa gần trăm xe trá hình hoạt động là bãi đậu xe ôtô ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh, thì ven tuyến đường Nguyễn Xí, thời gian qua đã xuất hiện thêm 2 bãi đậu xe khách tự phát ở các địa chỉ số 13 và 38. Ngoài ra địa bàn phường này còn có bãi đậu xe khách ở số 152 Chu Văn An và bãi đậu xe là đường rẽ từ quốc lộ 13 vào đường Đinh Bộ Lĩnh...

lb-1.jpg -0
Một vụ kẹt xe trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Cần có biện pháp mạnh để lập lại trật tự an toàn giao thông

Với mong muốn tìm hiểu thông tin về giấy phép kinh doanh hoạt động kho bãi, PCCC cũng như nguồn gốc đất của các bãi đậu xe container, xe tải nặng tự phát ở khu vực này, chúng tôi đã liên hệ với UBND các phường như Long Thạnh Mỹ, Phú Hữu, Bình Trưng Tây (TP Thủ Đức), nhưng các địa phương này đã im lặng. Trong khi đó, trả lời về tình trạng xe container, xe tải nặng lưu thông với lưu lượng lớn ra vào các kho bãi trên địa bàn phường, ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh cho biết, ngoài các công trình trọng điểm, trên địa bàn phường có 10 cơ sở kinh doanh bến bãi, kho bãi.

Các cơ sở này đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và việc cấp các loại giấy phép không thuộc thẩm quyền của phường. Song, UBND phường thường xuyên lên kế hoạch kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng đất kinh doanh bến bãi để báo cáo UBND TP Thủ Đức cùng các phòng chức năng xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông, PCCC, phường thường xuyên chỉ đạo, phân công các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm về trật tự đô thị. Như vậy, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, các lực lượng chức năng của phường, trong đó có cả lực lượng Công an cơ sở vốn đã mỏng nhưng đang phải “gánh” thêm những nhiệm vụ phát sinh do hàng loạt bến bãi đậu xe tự phát này gây ra.     

Ông Đỗ Khánh Du, Phó Chủ tịch UBND phường 26 cho biết, bến “cóc” ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép cho Công ty TNHH Bến bãi vận tải Minh Trang Sài Gòn. Khi UBND phường xuống kiểm tra không phát hiện việc đón trả khách, đại diện bãi xe này cho rằng chỉ kinh doanh giữ xe và giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, những vấn đề như mục đích sử dụng của khu đất hàng nghìn mét vuông này là gì; việc lập bãi giữ xe ngay khu dân cư, ngay dốc cầu Bình Triệu như vậy có phù hợp hay không… thì nhiều năm qua đã không được địa phương nhắc đến.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhưng thực chất là chạy theo tuyến cố định vì không có hợp đồng vận tải như quy định hiện hành mà bên vận tải và hành khách kết nối với nhau qua điện thoại hoặc các nền tảng kết nối để đến đón và đưa khách đến nơi cần đến. Do không được quản lý theo quy định nên lái xe thường chủ quan phóng nhanh dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao, trong thời gian vừa qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe hợp đồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình mất trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông ở các đô thị.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật còn nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu quản lý như: điều kiện kinh doanh và quản lý với kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quá đơn giản. Đồng thời một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật triển khai không đồng bộ như việc yêu cầu gắn thiết bị giám sát hành trình; gắn camera trên các xe kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện nhưng các cơ quan quản lý chưa khai thác sử dụng dữ liệu một cách đúng mức vào việc quản lý hoạt động vận tải.

Mặt khác, quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc sử dụng dữ liệu để phục vụ hậu kiểm, xử lý vi phạm chưa tương ứng yêu cầu. Cụ thể là việc cấp phép hoạt động cho xe hợp đồng nhưng sau đó không có lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm; chưa khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để phát hiện và xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng…

Đề nghị với Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng hướng dẫn về vấn đề xử phạt nguội qua hình ảnh, dữ liệu từ hộp đen vào tháng 5 vừa qua, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh nêu bức xúc: Từ lúc xảy ra vi phạm cho đến khi nhận được thông báo xử lý vi phạm kéo dài đến 3 tháng nên có nhiều trường hợp tài xế đã nghỉ việc, không liên lạc được. Các doanh nghiệp chủ xe liên hệ với lực lượng CSGT để nộp phạt thay cũng không xong bởi lý do ngoài xử phạt hành chính, còn chế tài kèm theo là tước Giấy phép lái xe của người vi phạm. Tình trạng trên khiến nhiều xe của doanh nghiệp đối mặt với chuyện không được đăng kiểm khi đến hạn do chưa chấp hành xong việc xử phạt hành vi vi phạm.

Với thực trạng trên, một loạt các vấn đề bức xúc, bất ổn trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông tĩnh và quản lý phương tiện đang cần những giải pháp căn cơ, bền vững với một đại đô thị như TP Hồ Chí Minh. 

“Cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp phường, xã trong việc quản lý, không để hình thành các bến “cóc”, các điểm đón trả khách, bãi xe bất hợp pháp và một số nội dung khác đang gây khó khăn cho hoạt động vận tải và gây mất trật tự an toàn giao thông.

Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục Đường bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ đối với hoạt động vận tải, nhất là đối với xe hợp đồng. Đồng thời đánh giá lại hiệu quả của việc gắn thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe khách nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý các vi phạm.

Mặt khác, Bộ GTVT cần trao đổi Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở GTVT để tăng cường kiểm soát về hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử…” - ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Bảo Sơn - Đức Mừng
.
.
.