Gần 7 năm thi công, tuyến đường 4km ở Phú Yên vẫn còn dang dở
Do vướng vấp giải phóng mặt bằng một số nơi còn lại nên một dự án giao thông ở Phú Yên với chiều dài 4km nhưng sau 7 năm khởi công xây dựng, đến nay vẫn còn dang dở.
Gần 7 năm kể từ khi khởi công xây dựng tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngã trên quốc lộ 29 qua địa phận xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa (Phú Yên), một đoạn đường dẫn hai bên cầu Vĩnh Cửu vẫn chưa hoàn thành. Người đi bộ và các phương tiện ô tô, xe máy qua vị trí này đều phải chuyển hướng sang con đường tạm bên trái chân cầu, đến mùa mưa vấp phải lầy lội, “ổ gà”.
Tuyến đường nêu trên kết nối cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc với các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Nam Phú Yên. Dự án do UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đầu tư ngày 31/12/2014 với chiều dài tuyến đường 4km, tổng mức đầu tư hơn 489 tỉ đồng. Trong đó có 440 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Tuyến đường này có cầu Vĩnh Cửu kết cấu bê tông cốt thép, dài 84m, rộng 57m.
Dự án chính thức khởi công từ tháng 11/2015, đến năm 2019 đã xây dựng hoàn thành chậm gần 2 năm so với dự kiến kế hoạch, nhưng đường dẫn ở hai đầu cầu Vĩnh Cửu và nút giao trên tuyến vẫn chưa thi công được.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 28/10, ông Võ Văn Ngôi – Trưởng Ban Quản lý đầu tư hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết dự án đã thi công xây dựng khoảng 83% giá trị hợp đồng, phần còn lại vướng vấp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên từ cuối năm 2021 đến nay không thể tiếp tục thi công. Nguồn vốn Trung ương cấp cần phải giải ngân dứt điểm trong năm nay còn 42 tỷ đồng, nếu địa phương giải phóng xong mặt bằng thì chỉ cần 3 tháng thi công thì dự án sẽ hoàn thành.
Theo UBND thị xã Đông Hòa, khi giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngã, có 167 hộ gia đình bị ảnh hưởng do phải thu hồi đất, giải tỏa, di dời vật kiến trúc, hoa màu… Đến thời điểm này vẫn còn 19 hộ gia đình chưa có phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; một số trường hợp khác đã được phê duyệt phương án nhưng người dân không chịu nhận tiền bồi thường với nhiều lý do khác nhau, mà hầu hết là yêu cầu tăng mức giá, bồi thường bằng đất, vị trí đất, loại đất… nên công tác giải phóng mặt bằng trở ngại, chiếm dụng thời gian, gây ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa – ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Giang cho biết, chính quyền thị xã cùng các cơ quan chức năng nhiều lền tiếp xúc, vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng để thi công phần còn lại của dự án. Một số nội dung vướng mắc do thay đổi cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND thị xã Đông Hòa đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên. Đối với những yêu cầu của người dân không đúng quy định pháp luật nhưng cố tình không giao mặt bằng, sắp tới sẽ phải áp dụng biê pháp cưỡng chế.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, bà Cao Thị Hòa An – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, những dự án đầu tư công, nếu không sử dụng hết nguồn vốn đã được phân bổ và gia hạn, để mất vốn mà không phải do yếu tố khách quan thì UBND tỉnh Phú Yên phải xử lý trách nhiệm.