Đau đầu tìm lối ra cho dự án nghìn tỷ… cù cưa

Gần 3 thập kỷ, chưa xong… giai đoạn 1[Kỳ 2]

Thứ Ba, 09/07/2024, 07:21

Với dự kiến phục vụ quy mô đào tạo hàng chục nghìn sinh viên hệ chính quy mỗi năm, Dự án Làng đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 9/12/1997, với tổng diện tích 300ha, nằm ở khu vực giáp ranh của tỉnh Quảng Nam (190ha) và TP Đà Nẵng (110ha).

Ngày 1/7 vừa qua, phía TP Đà Nẵng đã bàn giao mặt bằng sạch 41ha cho chủ đầu tư khởi công các hạng mục thuộc giai đoạn 1 (nâng tổng diện tích đã bàn giao khoảng 78,6ha). Phía tỉnh Quảng Nam đến nay mới chỉ triển khai 1,02 ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao dự án. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án này vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Đi không được, ở… bất an

Mùa khô, nhiều khu vực thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng là những khoảnh đồng trống nắng nóng ngột ngạt và khi bước vào mùa mưa, lại ngập, tù đọng nước… Thế nhưng, căn nhà đầy rêu mốc, với vách tường nứt toác, có chỗ đổ sụp cùng với chái tôn dựng tạm thủng chi chít lỗ chỗ, chỉ cần một cơn gió mạnh cũng có thể bứng cả tôn, cả cột ra giữa đồng cát gần đó của vợ chồng ông Trần Quang Tuấn (SN 1956, ở tổ 24, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) - cựu Thanh niên xung phong vẫn nằm trơ trọi tại khu vực cơ sở 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng - thuộc dự án Làng đại học…

Gần 3 thập kỷ, chưa xong… giai đoại 1[Kỳ 2] -0
Sau 27 năm kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án Làng đại học Đà Nẵng mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản.

"Gia đình tôi nhận được thông tin dự án Làng đại học Đà Nẵng triển khai, chuẩn bị giải tỏa, di dời từ hồi con cái còn nhỏ lắm. Đến chừ, cả 4 đứa con tôi đều đã có gia đình, sinh con dời đi nơi khác. Chỉ còn hai vợ chồng già vẫn mỏi mòn bám lại để chờ giải tỏa, đền bù tính đến ni cũng đã 27 năm. Mà đâu phải chỉ có vợ chồng tôi, rất nhiều bà con ở đây cũng đều ngao ngán. Ở như rứa cũng rất khổ nhưng thôi, đến lúc mô giải tỏa, di dời rồi hay", ông Tuấn than.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, chỉ tại một khu vực thuộc phường Hòa Quý, có hàng trăm ngôi nhà cấp 4 đã bỏ hoang. Những ngôi nhà này xây liền kề hoặc cách nhau chỉ vài chục mét. Một người dân cho biết, đa số những ngôi nhà này do người dân bỏ tiền xây tạm bợ, khi xây xong thì vướng những quy định liên quan về đất quy hoạch dự án nên không thể ở và họ phải di chuyển đi nơi khác sinh sống.

Lần theo một đoạn đường nhỏ cách đó không xa, chúng tôi tìm đến nhà của hộ ông Võ Văn Ngọc (thuộc khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án Làng đại học Đà Nẵng. Ông Ngọc ngao ngán cho biết, hơn 20 năm rồi nhà ông nằm ngay trong khu dự án chờ giải tỏa nên rơi vào tình cảnh đi không được, ở lại… bất an. "Bà con vùng dự án cảm thấy không được an ninh vì vùng đất hoang trống, thời gian dài các đối tượng vô gia cư, dân nghiện kéo về… ở ké. Còn nhà cửa ọp ẹp, xuống cấp không biết sụp đổ lúc nào; muốn sửa sang lại nhưng đâu có được", hướng dẫn chúng tôi xem phần đất thuộc gia đình bị thu hồi, ông Ngọc chia sẻ.

Tại Quảng Nam, theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, do quy hoạch "treo" nhiều năm nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực nằm trong vùng dự án (phường Điện Ngọc) không được đầu tư, nâng cấp. Cụ thể, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có một tuyến đường bê tông rộng 3m dài khoảng 1,7km; còn lại là đường đất. Còn hệ thống điện, hiện trạng đường dây, trụ điện khu vực khối phố Câu Hà dù xuống cấp nghiêm trọng, các trụ điện chữ H, đường dây điện bị nghiêng ngả, thường xuyên xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão  nhưng cũng không thể đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý nhân khẩu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1997 đến nay, người dân ở khu vực này không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa. Chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Gần 3 thập kỷ, chưa xong… giai đoại 1[Kỳ 2] -0
Căn nhà cũ nát, xuống cấp của vợ chồng ông Trần Quang Tuấn (tổ 24, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) - cựu Thanh niên xung phong trong dự án Làng đại học Đà Nẵng.

Hình thành "điểm nóng" do dự án kéo dài

Tại cuộc họp ngày đầu tháng 7/2024 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng - đơn vị được Bộ GD&ĐT giao làm chủ đầu tư dự án Làng đại học Đà Nẵng chia sẻ, dự án được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ tháng 12/1997 và đã kéo dài 27 năm do nhiều yếu tố đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, đến nay phía Quảng Nam mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao dự án; việc triển khai cũng mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, còn các hộ bị ảnh hưởng bởi đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết từ năm 2017, cấp thẩm quyền đã bàn giao chủ đầu tư 38,6ha; diện tích còn lại là 71,4ha, đã giải phóng được khoảng 40ha và ngày 1/7 vừa qua đã tiến hành bàn giao để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Làng đại học.

Chính quyền địa phương tại Đà Nẵng cho biết, bên cạnh một số thuận lợi, một trong những khó khăn hàng đầu khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là áp lực về thời gian cam kết hoàn thành dự án đối với Ngân hàng Thế giới (WB), tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng gấp rút, trong khoảng thời gian ngắn; nhu cầu cấp bách trong việc giải ngân vốn theo yêu cầu của Chính phủ.

Trong phần đất hơn 40ha vừa bàn giao, có 1.425 hồ sơ được lập; trong đó 300 hồ sơ nhà ở, đất ở; 448 hồ sơ đất nông nghiệp; còn lại là hồ sơ thuộc loại đất, công trình tín ngưỡng; công trình thiết chế văn hóa;… Số lượng mộ lại rất lớn với 1.654 ngôi mộ, đáng chú ý trong đó có 419 mộ vắng chủ, không có thân nhân đến kê khai, thiết lập hồ sơ mộ. Do đó, địa phương khá mất thời gian để đảm bảo làm thận trọng, kỹ lưỡng, chu đáo từng hồ sơ, tránh những sơ suất dẫn đến khiếu nại về sau.

Một khó khăn khác đó là dự án đã kéo dài nhiều năm, những hộ có đông nhân khẩu không thể tách khẩu, sửa chữa nhà cửa do xuống cấp, người dân kiến nghị đề nghị bố trí thêm đất tái định cư chia cho các con để ổn định cuộc sống. Trong khi đó, khu tái định cư phục vụ giải tỏa cho dự án Làng đại học chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nên người dân chưa đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng.

Còn một sự bất cập nữa đó là trước đây, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay của WB, Đại học Đà Nẵng, UBND quận đã tổ chức vận động nhân dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Theo đó, một số hộ dân đã chấp hành tháo dỡ bàn giao mặt bằng trước 7/7/2023 - ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 của UBND TP Đà Nẵng. Theo Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND, những trường hợp đã bàn giao mặt bằng trước ngày có hiệu lực thi hành quyết định trên không được hưởng chính sách này. "Chính thực tế vừa kể đã gây bức xúc cho các hộ chấp hành tốt và thực hiện theo lời kêu gọi vận động của quận. Cụ thể đã xảy ra không công bằng giữa hộ bàn giao mặt bằng trước và sau trong cùng một dự án", lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết.

Tại Quảng Nam, theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa chính quyền và Công an tỉnh, từ 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất gần 5ha. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý nhưng tình hình ANTT tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp; việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Chính quyền lo ngại nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo "điểm nóng", gây mất ANTT địa phương.

Việc cư trú, lưu trú, tạm trú tại khu vực dự án Làng đại học Đà Nẵng rất phức tạp nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn. Hiện số lượng nhân khẩu không đăng ký lưu trú tại khu vực ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tại nơi có 2 trường (Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Đại học Việt - Hàn) với số lượng học sinh, sinh viên đông, số lượng sinh viên này thường thuê trọ tại các khu vực lân cận, trong đó có các công trình xây dựng trái phép, gây rất nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng. 

Theo quy hoạch, dự án Làng đại học Đà Nẵng bao gồm các khu trung tâm điều hành, khu học tập và các cơ sở nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng (dự kiến bố trí cho 11 trường), khu thể dục - thể thao và giáo dục quốc phòng, khu nghiên cứu - phát triển - ươm tạo, khu ký túc xá sinh viên. Tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người, gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ. Đến nay, dự án mới có một số đơn vị hoạt động, như: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn; Khoa Giáo dục QP - AN, nhà làm việc của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật và công trình Nhà học tập và thực hành, thí nghiệm Khoa Y - Dược…

         

Hoài Thu
.
.
.