Dự án hơn 4.800 tỷ, thi công giai đoạn 2 khi chưa có giấy phép xây dựng

Thứ Tư, 04/09/2024, 07:58

Dự án Nhà máy Kanglongda Huế đóng tại KCN Phong Điền (Thừa Thiên Huế) do Công ty TNHH Công nghệ bảo hộ Kanglongda Việt Nam làm chủ đầu tư. Giai đoạn 2 của dự án dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng một số công trình, nhà xưởng... khiến dư luận và nhiều người dân địa phương bức xúc.

Chưa được phép vẫn xây…

Dự án Nhà máy Kanglongda Huế được Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 26/9/2019, chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 9/8/2022. Dự án sản xuất găng tay các loại công suất 10,08 tỷ chiếc/năm, sợi polyethylen (sợi UHMWPE) công suất 800 tấn/năm. Diện tích đất thuê lại khoảng 35,6ha (thuê lại đất đã đầu tư hạ tầng của Tổng Công ty Viglacera - CTCP). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.812 tỷ đồng, được thực hiện trong 3 giai đoạn.

Ban quản lý KKT-CN tỉnh cho biết, đến cuối tháng 8/2024, dự án nhà máy Kanglongda Huế đã triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng, đang vận hành thử, dự kiến chính thức hoạt động trong tháng 8/2024. Các hạng mục còn lại của giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 chưa triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC)... để cấp phép xây dựng theo quy định. Đến nay, giai đoạn 1 chậm hoàn thành đưa vào hoạt động 17 tháng, giai đoạn 2 chậm hoạt động 6 tháng; giai đoạn 3 chậm khởi công hơn 6 tháng.

Dự án hơn 4.800 tỷ, thi công giai đoạn 2 khi chưa có giấy phép xây dựng -0
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi kiểm tra dự án Nhà máy Kanglongda vào ngày 27/8.

Qua tìm hiểu, giai đoạn 2 của dự án xây dựng Nhà máy Kanglongda Huế dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã cho tiến hành thi công, xây dựng và hoàn thiện một số công trình, nhà xưởng… Tại biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng do UBND xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) từng phát hiện và lập biên bản, cho thấy, công ty tổ chức thi công xây dựng 15 công trình gồm: các nhà kho; các nhà xưởng; hệ thống xử lý nước thải; trạm nén khí, phòng điện kho than và nhà xưởng xử lý nước… không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng tại Lô CN05 KCN Phong Điền – Viglacera tọa lạc tại thôn Đức Phú, xã Phong Hòa.

 Với các hành vi này, UBND huyện Phong Điền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với công ty với số tiền 130 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Phong Điền yêu cầu công ty dừng thi công xây dựng công trình đối với những công trình xây dựng không phép…

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho biết, để dự án Nhà máy Kanglongda Huế xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, trách nhiệm thuộc Ban Quản lý KKT-CN tỉnh. Ban này đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm xử lý, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Theo Ban Quản lý KKT-CN tỉnh, nguyên nhân nhà máy Kanglongda Huế giai đoạn 2 chậm cấp giấy phép xây dựng do đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đang gặp một số vướng mắc, đặc biệt về hệ thống PCCC giai đoạn 1 đã nghiệm thu nhưng chưa đạt khiến các thủ tục khác phải chậm lại. Trước tình hình đó, Ban Quản lý KKT-CN tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư sớm thực hiện các thủ tục để đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Được biết, năm 2023, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với công trình Nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 1). Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có ý kiến rằng, công trình chưa bảo đảm các điều kiện để nghiệm thu về PCCC, nội dung tồn tại ghi nhận cụ thể tại biên bản kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC lập ngày 14/7/2023.

Qua đó, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam thực hiện một số nội dung sau: không được đưa công trình (hạng mục công trình) vào sử dụng khi chưa được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC; khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC của công trình theo kiến nghị tại biên bản kiểm tra nghiệm thu về PCCC và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để được xem xét kiểm tra nghiệm thu về PCCC theo quy định. Trong quá trình thi công có một số thay đổi so với thiết kế được duyệt thì công ty phải gửi hồ sơ đến Cục Cảnh sát PCCC và CNCH để thẩm duyệt trước khi kiểm tra nghiệm thu theo quy định. Bên cạnh đó, trong thời gian tiếp tục thi công khắc phục các kiến nghị về PCCC, Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda phải có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, nếu để xảy ra sự cố cháy, nổ thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tại buổi kiểm tra và làm việc với Nhà máy Kanglongda vào ngày 27/8, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành được đại diện phía công ty cho biết, hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị PCCC; tuy nhiên vướng mắc về thủ tục nghiệm thu PCCC. Hiện, công ty này đã ký hợp đồng với đơn vị mới để tiếp tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thiết kế điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án để tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu giai đoạn 1 của dự án. Công ty đang phối hợp với các đơn vị hoàn thành các thủ tục để đưa nhà máy vào hoạt động. Về các hạng mục chưa đủ điều kiện cũng như giấy phép xây dựng, công ty đã cho dừng thi công để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục…

Ông Phan Quý Phương cho rằng, ngay từ khi dự án mới bắt đầu triển khai, tỉnh đã quan tâm cũng như chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ công ty trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, công ty còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc cần sớm được xử lý giải quyết. Vì vậy, phía công ty tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế PCCC theo hiện trạng và theo yêu cầu kiểm tra của Cục PCCC và CNCH; nếu chưa đảm bảo các quy chuẩn bắt buộc của PCCC thì chưa đi vào vận hành, chạy thử; phía công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cố ý làm sai quy định.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, đối với các vi phạm của công ty đã được các cơ quan phát hiện, xử phạt, phải chấp hành nghiêm túc và các cơ quan liên quan cần tăng cường giám sát công tác khắc phục cũng như chấp hành xử phạt của công ty. Đồng thời, đề nghị công ty chấp hành nghiêm các quy định về thủ tục môi trường, xây dựng và lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải; đảm bảo việc khai báo, quản lý lao động người nước ngoài tại công ty; chấp hành nghiêm pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, công ty phải hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân...

Hải Lan
.
.
.