Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Thứ Năm, 27/01/2022, 09:27

Gần 3 năm trước, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được triển khai, dự án (DA) này hiện trong giai đoạn nước rút hoàn thành trên toàn tuyến nhưng do mặt bằng thi công vẫn còn vướng mắc khiến nguy cơ chậm tiến độ.

A đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, thuộc DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông, qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, có chiều dài xây dựng hơn 98km; điểm đầu tại Km0 (Cam Lộ, Quảng Trị), điểm cuối Km102+200 (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn Thừa Thiên-Huế được chính quyền địa phương triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2019 để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công cùng thời điểm.

Hiện, tiến độ thi công cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn trên toàn tuyến đạt khoảng 75%, trong đó có nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn thi công cao tốc trên tuyến đường tránh TP Huế qua địa bàn xã Hương Thọ, mặt bằng sạch vẫn chưa được bàn giao để các nhà thầu thi công.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ do vướng mặt bằng -0
Điểm vướng mặt bằng tại cây xăng Hưng Phát (xã Hương Thọ, TP Huế) vẫn "giậm chân tại chỗ".

Cụ thể, địa điểm mặt bằng bị vướng đi qua đoạn trước cửa hàng xăng dầu Hưng Phát. Đoạn này ảnh hưởng một phần đất phía trước, diện tích còn lại nằm ngoài phạm vi GPMB. Thế nhưng, sau khi làm đường cao tốc, tuyến giao thông này chạy ngang trước mặt, phía sau là vách đồi nên cửa hàng không thể tiếp tục kinh doanh được.

UBND thị xã Hương Trà (thời điểm xã Hương Thọ còn trực thuộc thị xã Hương Trà, nay trực thuộc TP Huế) từng có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền xin ý kiến giải quyết và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản gửi Bộ GTVT về phương án GPMB đối với cây xăng. Từ đó, dẫn đến kéo dài công tác xử lý GPMB ở "điểm nghẽn" này. Trao đổi qua điện thoại với đại diện Ban quản lý DA, được biết, sở dĩ mặt bằng ở khu vực cửa hàng xăng dầu Hưng Phát chậm bàn giao là cửa hàng xăng yêu cầu, chính quyền địa phương bồi thường tổng thể cả đất và tài sản cùng lúc với mức bồi thường hơn 30 tỷ đồng.

Song địa phương cho rằng, việc bồi thường này phải tách ra làm 2 phần: Phần đất bồi thường riêng và phần tài sản sẽ được thẩm định giá để bồi thường riêng. Hiện, việc bồi thường phần đất đã hoàn thành và phần tài sản vẫn chưa được xác định mà tiếp tục chờ… Theo các nhà thầu, việc chậm triển khai bàn giao mặt bằng sạch khiến việc thi công gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Điều đáng nói, liên quan đến "điểm nghẽn" này đã có rất nhiều cuộc họp bàn nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, công tác GPMB tại "điểm nghẽn" trên bị chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Các cơ quan liên quan, chính quyền TP Huế phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, thường xuyên kiểm tra thực tế; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại theo đúng cam kết. Đồng thời, cần tập trung lực lượng, khẩn trương thực hiện kiểm đếm, thực hiện thủ tục đền bù, thu hồi phần đất thuộc phạm vi phải thu hồi để thi công DA. Theo Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, cán bộ địa chính xã vừa đi cắm mốc lại khu vực GPMB đoạn qua cây xăng Hưng Phát, cột mốc cũ đã cắm trước đó hiện không còn và cây xăng này vẫn đang hoạt động…

Lãnh đạo Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh khẳng định, việc bàn giao mặt bằng chậm trễ đã ảnh hưởng phần nào của tiến độ DA. Theo dự kiến, trong quý II/2022, DA cơ bản hoàn thành, một số điểm còn lại phải xử lý nền đất yếu, thực hiện gia tải, sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10/2022. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nhìn nhận, do khó khăn chung về nguồn lực nên trong giai đoạn này, cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ mới đầu tư 2 làn xe, chưa có dải phân cách; trong khi các đoạn tuyến khác trên toàn quốc đã đầu tư 4 làn xe. Tình trạng này dẫn đến hạn chế đến năng lực thông hành của tuyến cao tốc.

Vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa kiến nghị với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan đề nghị sử dụng nguồn vốn dự phòng còn dư tại DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn để đầu tư nâng cấp từng bước, đảm bảo hoàn chỉnh 4 làn xe có dải phân cách nhằm khai thác an toàn.

Được biết, DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế được khởi công từ tháng 9/2019, tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí GPMB khoảng 434 tỷ đồng…

Hải Lan
.
.
.