Đội vốn gần 70 tỷ đồng, dự án cầu Lợi Nông vẫn… “giậm chân tại chỗ”

Thứ Năm, 09/03/2023, 08:50

Sau hơn 6 năm thi công, dự án cầu bắc qua sông cùng tên Lợi Nông (phường An Đông, TP Huế, Thừa Thiên-Huế) vẫn đang ì ạch dù công trình này đã được tỉnh Thừa Thiên-Huế duyệt chấp nhận đội vốn gần 70 tỷ đồng vào tháng 6/2020. Người dân TP Huế vẫn đang bức xúc trước tình trạng nhiều lần trễ hẹn của dự án này.

Có mặt tại công trình này vào ngày 6/3, PV Báo CAND không hề thấy có bóng dáng công nhân thi công xây dựng. Hai bên mố cầu, nhiều vật liệu sắt, thép được để ngổn ngang cũng đã hoen gỉ. Tại đây, khi tiếp xúc với nhiều người dân, chúng tôi được nghe bà con bức xúc khi cây cầu ở trung tâm TP Huế nhưng chậm hoàn thành đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân ở các vùng lân cận và việc kết nối các đô thị được xây dựng ở khu vực này.

Đội vốn gần 70 tỷ đồng, dự án cầu Lợi Nông vẫn… “giậm chân tại chỗ” -0
Cầu Lợi Nông sau khi đội vốn hơn 68 tỷ đồng vẫn thi công dang dở.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Lợi Nông rộng 10m, dài hơn 40m, khởi công từ năm 2017 với kinh phí 32 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên-Huế (BQL dự án) làm chủ đầu tư. Cuối năm 2018, cây cầu xây xong nhưng nằm chỏng chơ không thể sử dụng được do thiếu hai đường dẫn lên cầu khiến người dân rất bức xúc. Nguyên nhân là quá trình thiết kế, lập dự án chưa phù hợp thực tế. Đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế thiếu thực tế, cao hơn đoạn đường tiếp giáp hai đầu cầu là đường Tôn Quang Phiệt và đường Hải Triều (TP Huế), ảnh hưởng đến tổ chức giao thông.

Trước thực trạng trên, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đây là dự án có tính chất quan trọng, cấp thiết, cử tri đã phản ảnh nhiều lần quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, tăng chi phí đền bù. Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án phù hợp tình hình thực tế. Vì vậy, tháng 6/2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tăng tổng mức đầu tư dự án lên 100 tỷ đồng (tăng gần 70 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng 24,7 tỷ đồng, mở rộng mặt cầu theo quy hoạch được duyệt gần 34 tỷ đồng và các chi phí đầu tư xây dựng khác.

Theo thiết kế mới, cầu Lợi Nông dài hơn 40m, khổ cầu mở rộng lên 24m, phía dưới khung dầm dạng mái vòm, là công trình vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép. Cầu nối từ đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường 100m khu A Khu đô thị mới An Vân Dương. Sau khi điều chỉnh dự án, công tác giải phóng mặt bằng ở khu vực hai đầu cầu và thông tuyến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm nhưng hai đường dẫn lên cầu vẫn chưa hiện hữu khiến người dân rất bức xúc, gây lãng phí ngân sách.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đặng Quang Ngọc, Phó Giám đốc BQL dự án cho biết, việc thi công cầu Lợi Nông chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do vướng giải phóng mặt bằng, nhà thầu xin chấm dứt hợp đồng… Hiện nay, một số hộ dân nằm trong vùng giải phóng mặt bằng hai bên cầu đã nhận tiền đền bù, song chưa nhận đất tái định cư nên chưa bàn giao mặt bằng. Đơn vị đã nhiều lần đốc thúc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế sớm giải quyết cho người dân để triển khai dự án.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất TP Huế cho rằng, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản sẵn sàng, nguyên nhân chậm tiến độ là do phía BQL dự án. Ông Bùi Ngọc Chánh cho biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã thông báo các hộ gia đình, cá nhân lập thủ tục nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Hiện nay, trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án còn vướng mắc liên quan đến 2 trường hợp liên quan đến đất tín ngưỡng.

Và, hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế  TP Huế đã báo cáo và đề xuất Hội đồng tư vấn TP Huế xem xét bố trí đất cho 2 trường hợp này để giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, còn trường hợp ông Trần Đình Lương (là hộ phụ của ôngTrần Đình Thiện), cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 3/2023…

Điều đáng nói, trong khi số phận cầu Lợi Nông chưa biết ngày nào hoàn thành thì vừa qua, một trong hai nhà thầu của dự án là Công ty CP Cầu 1 Thăng Long đã có văn bản gửi BQL dự án đề nghị chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng. Theo nhà thầu này, căn cứ hợp đồng thi công xây dựng công trình số 23/2017/HĐXL ngày 1/8/2017 giữa BQL dự án và liên danh Công ty CP Cầu 1 Thăng Long – Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên-Huế về việc thi công xây dựng gói thầu số 9 (gồm: xây lắp các hạng mục cầu, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và đảm bảo ATGT đường thủy thuộc công trình cầu bắc qua sông Lợi Nông); căn cứ vào thông báo của BQL dự án về việc tạm ngừng thi công gói thầu số 9 vào tháng 12/2018, do công trình ngừng thi công trong thời gian dài nên giá vật liệu, nhiên liệu máy và nhân công tăng cao so với thời điểm dự thầu…

Để tháo gỡ vướng mắc về việc bù giá và mặt bằng thi công, Công ty CP Cầu 1 Thăng Long đại diện cho liên danh 2 nhà thầu đã từng có 2 công văn gửi BQL dự án đề nghị điều chỉnh giá và sớm bàn giao mặt bằng để triển khai thi công nhưng đến nay đề nghị của nhà thầu vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, phía nhà thầu đề nghị chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng. Theo ông Đặng Quang Ngọc, hiện BQL dự án đã báo cáo với UBND tỉnh về việc nhà thầu đề nghị chấm dứt hợp đồng. Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, nếu hợp đồng chấm dứt thì chủ đầu tư sẽ tiếp tục đấu thầu để chọn nhà thầu khác.

Như vậy, đối với các hạng mục của gói thầu số 9 cầu Lợi Nông vẫn phải gián đoạn. Và điều này đồng nghĩa rằng, không biết đến thời điểm nào, người dân mới có thể đi lại trên cây cầu Lợi Nông mà họ đang từng ngày mong chờ.

Hải Lan
.
.
.