Độc quyền khai thác cát rồi làm trái chủ trương của tỉnh?
Thông qua Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (gọi tắt Công ty Xây lắp Đồng Tháp), một số lượng lớn cát từ mỏ trên sông đã được bán cho doanh nghiệp để vận chuyển ra khỏi địa phương, trái với chủ trương của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp khẳng định, tỉnh chủ trương không cung cấp cát ra khỏi địa phương. Các mỏ cát ở Đồng Tháp chỉ có Công ty Xây lắp Đồng Tháp là đơn vị được Nhà nước cấp phép khai thác. “Cát chỉ ưu tiên phục vụ các công trình của tỉnh, đường cao tốc đi qua địa bàn và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cung cấp cho công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với khối lượng hơn 1,2 triệu m3”. Ông Phương khẳng định trữ lượng cát hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của tỉnh Đồng Tháp.
Công ty Xây lắp Đồng Tháp ngoài việc bán cát phục vụ công trình ở địa phương, còn cung cấp cát cho doanh nghiệp, sau đó được vận chuyển ra khỏi tỉnh Đồng Tháp. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty Xây lắp Đồng Tháp vẫn khẳng định nguồn cát do công ty cung cấp chỉ phục vụ công trình ở địa phương. Công ty bán cát tại mỏ, sau đó doanh nghiệp vận chuyển đúng với hợp đồng hay không thì không có người kiểm soát. Trường hợp doanh nghiệp mua cát của công ty và chở ra khỏi tỉnh để cung cấp đi nơi khác, ông Phước khẳng định là vi phạm và sẽ cắt hợp đồng. Ngoài hợp đồng bán cát cung cấp cho công trình trên địa bàn và theo nhu cầu của khách hàng, Công ty Xây lắp Đồng Tháp còn ký hợp đồng bán cát cho doanh nghiệp, nguồn cát khai thác tự nhiên dưới sông Tiền (Đồng Tháp), việc mua bán trực tiếp tại nơi khai thác.
Từ nguồn cát mua từ mỏ ở Đồng Tháp, các doanh nghiệp đã vận chuyển và cung cấp cho dự án đường Võ Văn Kiệt (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), Dự án đang thi công gói thầu số 2 (xây lắp cầu Cái Cam 2) và gói thầu số 4 (xây lắp cầu Cái Côn 2 và phần đường, đoạn từ Km0+780 Km2+267,05).
Ông Lâm Thành Hảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Vĩnh Long cho biết: Gói thầu số 2 nguồn gốc vật liệu đắp cát nền đường đã được chủ đầu tư chấp nhận là cát mỏ Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Còn gói thầu số 4 có hai hạng mục. Hạng mục thứ nhất nguồn gốc vật liệu cát đắp nền đường được chấp thuận cũng là từ cát mỏ Bình Thạnh. Hạng mục do Công ty TNHH Tuấn Hiền (gọi tắt Công ty Tuấn Hiền) thi công, ngoài nguồn gốc vật liệu cát đắp nền đường được chấp thuận là cát mỏ Bình Thạnh, còn có cát mỏ sông Tiền thuộc xã Tân Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Về hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc cát, Công ty CP Sản xuất công nghiệp xây lắp 3 đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cơ bản, được chủ đầu tư chấp thuận sử dụng cho công trình. Riêng Công ty Tuấn Hiền, hồ sơ cung cấp còn thiếu nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã yêu cầu tiếp tục bổ sung theo quy định.
Theo ông Phạm Thế Hiền, Tổng giám đốc Công ty Tuấn Hiền, thời điểm bắt đầu thi công đắp cát, công ty được chủ đầu tư phê duyệt nguồn cung cấp cát là mỏ cát Đồng Tháp do Công ty Lợi Phát - Bình Minh cung cấp. Tuy nhiên công ty này không đáp ứng được tiến độ của gói thầu, Công ty Tuấn Hiền đã tìm hai nhà cung cấp là Công ty Hoàng Huy và DNTN Nguyễn Trung Tín. Công ty Hoàng Huy mua cát từ mỏ của Đồng Tháp, DNTN Nguyễn Trung Tín mua từ mỏ cát Sông Tiền An Giang (về hồ sơ còn thiếu hợp đồng hoặc chứng từ mua bán cát).
Theo hồ sơ do nhà thầu cung cấp, khi thi công gói thầu số 2 và số 4, họ đều mua cát qua Công ty Lợi Phát - Bình Minh. Doanh nghiệp này sau đó không đủ năng lực cung cấp để kịp theo tiến độ nên nhà thầu chuyển sang mua cát từ Công ty Hoàng Huy, Công ty Khánh Vy và DNTN Nguyễn Trung Tín. Trong 3 doanh nghiệp này, Công ty Hoàng Huy và Công ty Khánh Vy đều mua cát của Công ty Xây lắp Đồng Tháp, sau đó cung cấp cho dự án đường Võ Văn Kiệt.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc Công ty Xây lắp Đồng Tháp vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp chưa nói rõ xử lý thế nào, chưa trả lời câu hỏi vì sao quyền khai thác mỏ cát đều được cấp cho Công ty Xây lắp Đồng Tháp, tạo ra sự độc quyền.