Để sớm an dân vùng sạt lở bờ sông, ven biển Quảng Bình

Thứ Tư, 16/11/2022, 08:09

Báo Candonline có đăng tải bài viết “Thường trực nỗi lo sạt lở mùa bão lũ” phản ánh về việc trong số các tỉnh, thành miền Trung trong đó Quảng Bình là địa phương luôn phải hứng chịu nhiều trận bão lũ gây thiệt hại lớn về người và của. Những năm gần đây, bên cạnh bão, lũ thì nỗi lo nguy cơ về sạt lở bờ biển, sạt lở bờ sông cũng luôn thường trực đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

Sau khi Báo CAND đăng tải, ngày 15/11 tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tìm giải pháp tối ưu để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân vùng sạt lở. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực tế vấn đề sạt lở tại huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn.

qb.jpg -0
Lực lượng chức năng và người dân ven biển Quảng Bình đang cố gắng khắc phục, hạn chế sự xâm thực của biển.

Theo báo cáo của huyện Tuyên Hóa, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, dọc bờ sông Gianh thuộc huyện Tuyên Hóa đã bị sạt lở tại nhiều vị trí. Hiện tại, dọc tuyến sông Gianh và các tuyến sông nhánh có 8 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2,7 km. Trong đó, vị trí sạt lở tại thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa đã gây hư hỏng nhà hộ ông Hoàng Văn Phi và có khả năng tiếp tục mở rộng khi có mưa lũ. Tại một số điểm sạt lở ở xã Tiến Hóa, các hộ dân đã chủ động gia cố bờ sông bằng các giải pháp tạm thời như đổ đất, đá, xây kè tạm…

Ngoài ra, khu vực đồi Phòng Không, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa bị sạt, trượt ở 3 vị trí, ảnh hưởng đến 37 hộ dân. Tại thị xã Ba Đồn, Đoàn của UBND tỉnh Quảng Bình đã đến kiểm tra các điểm sạt lở bờ sông ở thôn Công Hòa, xã Quảng Trung. Đây là địa phương bị sạt lở khá nghiêm trọng trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến 1,2 km ở khu vực dân cư và nhiều điểm sạt lở ở các diện tích bãi bồi ven sông.

Kiểm tra trực tiếp tại các điểm sạt lở, Phó Chủ tịch Thường trựcUBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ với những khó khăn của bà con do ảnh hưởng của thiên tai, đe dọa, gây mất an toàn cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu chính quyền địa phương cần chủ động, sẵn sàng các phương án để di dời người dân ở vùng sạt lở đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Đối với các khu vực sạt lở bờ sông, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời có phương án để bảo vệ hành lang bờ sông, hạn chế tình trạng người dân tự ý đổ đất, đá ra khu vực bờ sông.

Sông Lam
.
.
.