Dấu hiệu bất thường trong cấp, chuyển đổi “đất vàng” tại phố núi Khe Sanh

Thứ Bảy, 12/08/2023, 07:10

Chỉ trong thời gian ngắn, cả hai khu “đất vàng” tại phố núi Khe Sanh đều đã được cấp, chuyển đổi bất thường về quyền và mục đích sử dụng cho các cá nhân, khiến dư luận tại địa phương bất ngờ.

Ở khu vực cửa ngõ phía Lao Bảo vào trung tâm thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), về bên phải là khu đất rộng nằm sát cầu Khe Sanh, cùng bên kia là hồ nước với phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Tương tự, khu đất cạnh rừng thông cổ thụ, ngay bên hồ nước tự nhiên Tân Độ và mặt tiền đường Hùng Vương nối dài mới mở, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Hướng Hóa, Đakrông cũng rất đẹp và được xem là “đất vàng”.

Điều đáng nói, chỉ trong thời gian ngắn, cả hai khu “đất vàng” này đều đã được cấp, chuyển đổi bất thường về quyền và mục đích sử dụng cho các cá nhân, khiến dư luận tại địa phương bất ngờ.

Theo xác minh của PV Báo CAND, hơn 3 năm trước, ngày 17/4/2020, Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh Quảng Trị, Chi nhánh huyện Hướng Hóa có tờ trình gửi Phòng TN-MT huyện này với nội dung đề nghị cấp 3.571m2 đất (trong đó có 300m2 đất ở đô thị, còn lại đất trồng cây lâu năm) nằm phía Nam, sát cầu Khe Sanh, thuộc các thửa đất số 198 và 199, cùng tờ bản đồ địa chính số 85, cho ông Phạm Trung Trực và bà Ngô Thị Nhạn (cùng trú khối 4, thị trấn Khe Sanh); thời hạn sử dụng đến ngày 1/7/2064. Trong tờ trình này, Văn phòng ĐKĐĐ xác nhận, nguồn gốc đất trên do ông Trực, bà Nhạn khai hoang, sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch từ năm 1992 đến nay.

dat vang1 (1).jpg -0
Khu “đất vàng” sát hồ Tân Độ và đường Hùng Vương nối dài.

Ngày 11/5/2020, Phòng TN-MT huyện Hướng Hóa có liên tiếp 2 Tờ trình (số 200 và 201) do ông Vương Viết Thắng, Phó trưởng phòng ký thay Trưởng phòng, gửi UBND huyện này đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với nội dung tương tự trên cho ông Trực, bà Nhạn. Tiếp đó, cùng ngày 3/6/2020, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa ký thay Chủ tịch UBND huyện cấp các sổ đỏ kể trên cho ông, bà này.

Nhằm làm rõ về nguồn gốc đất kể trên, PV Báo CAND đã liên hệ với chính quyền thị trấn Khe Sanh. Theo sự phân công của ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh, ông Lê Khánh Vũ, công chức Địa chính – Xây dựng đơn vị làm việc với chúng tôi.

Theo hồ sơ do cán bộ này lập, tại phiếu lấy ý kiến khu dân cư thực hiện ngày 15/11/2019, với thành phần gồm ông Trần Thiên Huyên, Khối trưởng khối 4; ông Hoàng Văn Quynh, Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh; ông Lê Khánh Vũ, công chức Địa chính – Xây dựng thị trấn, có 6 ông, bà cùng khối 4 thị trấn này ký xác nhận ông Trực, bà Nhạn khai hoang phát triển sản xuất và làm nhà ở ổn định tại đất trên từ năm 1992.

Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc sao việc xác minh nguồn gốc đất mà chỉ 6 người trong một khu phố có đến hàng trăm hộ dân… thì ông Vũ cho rằng: “Do phiếu làm theo mẫu, mà mẫu chỉ có chừng đó ô nên chỉ ghi được chừng đó người. Nhưng họp dân thì lấy ý kiến đầy đủ”. PV hỏi về biên bản họp dân nhưng ông Vũ trả lời bất nhất: “Đó là biên bản rồi. Chúng tôi chọn những người có uy tín để lấy ý kiến” (?!).

Trong khi đó, nhiều người dân ở thị trấn Khe Sanh cho biết có nhiều người biết việc nhưng không biết được UBND thị trấn xác minh nguồn đất này để tham gia ý kiến. Đơn cử, ông Nguyễn Dương Tiến (SN 1956) có nhà cách khu đất kể trên chỉ chừng 100m, nguyên cán bộ quản lý khu đất này nhưng không hề được tìm hiểu, lấy ý kiến. Khi PV tìm hiểu sự việc, ông Tiến lục tìm, lấy ra một tập hồ sơ ghi chép đầy đủ quá trình công tác của ông.

Ông Tiến hết sức bất ngờ trước thông tin ông Trực, bà Nhạn nhận khai hoang tại diện tích đất mà ông chỉ cho PV là trước đây thuộc đất Nhà nước do đơn vị ông quản lý. “Không thể có chuyện vô lý như thế được. Những năm tôi làm Giám đốc, tôi có thấy ông Trực, bà Nhạn khai hoang, trồng trọt nhưng ở khu vực khác, chứ không phải khu đất này. Trong khoảng thời gian từ năm 1987 đến 1995, toàn bộ khu vực này đều là đất của nhà nước, Xí nghiệp Điện nước rồi Xí nghiệp Cơ Mộc vừa làm công tác chuyên môn, vừa quản lý, phát triển sản xuất trên một diện tích rộng lớn. Trong đó, khu vực từ Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện lên đến hết khu vực suối gần chỗ con đường vào khối 6 bây giờ đều được chúng tôi trồng chuối”, ông Tiến chỉ tay vào khu đất khẳng định.

Theo ghi nhận của PV, hiện một phần đất ở đây đã được ông Trực, bà Nhạn xây dựng quán kinh doanh cà phê, phần còn lại đang treo bảng rao bán đất. Chúng tôi tìm hiểu ông Phan Văn Thọ (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Trâm Anh, trụ sở thị trấn Khe Sanh), người bị dư luận xôn xao là có liên quan đến “phi vụ” cấp quyền sử dụng khu đất này. Tuy nhiên, ông Thọ nói rằng, một nửa diện tích đất ở đó ông có được là qua việc mua, bán bình thường với ông Trực, bà Nhạn.

Đối với khu đất có diện tích 3.885m2 được xác định của BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông, thuộc các thửa đất số 59 và 60, cùng tờ bản đồ địa chính số 63, vào các ngày 6 và 11/10/2021, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa ký thay Chủ tịch UBND huyện cấp Giấy CNQSDĐ trồng cây lâu năm cho các cá nhân, gồm: ông Hoàng Công Chẩu, bà Nguyễn Thị Dòng; ông Hồ Minh Hoàng, bà Lê Thị Thước (cùng trú khối 1, Khe Sanh). Trong đó, ông Chẩu, bà Dòng được cấp 517m2; ông Hoàng, bà Thước được cấp 3.368m2.

 Ông Lê Khánh Vũ, công chức Địa chính – Xây dựng UBND thị trấn Khe Sanh cho biết, trong Sổ mục kê năm 2001 và Bản đồ lâm nghiệp hiện đang sử dụng thì khu đất trên thuộc đất Lâm trường Hướng Hóa, Đakrông (nay là BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông). Tuy nhiên, theo đơn trình bày của vợ chồng ông Chẩu, và Dòng thì toàn bộ 3.885m2 đất này do vợ chồng họ khai hoang, sau đó đến năm 2004 chuyển nhượng cho vợ chồng ông Hoàng, bà Thước 3.368m2. Qua xác minh nguồn gốc đất, lãnh đạo BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông, UBND thị trấn Khe Sanh cùng bà Nguyễn Thị Nguyên, Khối trưởng khối 1 (Khe Sanh) ký xác nhận nội dung ông Chẩu trình bày, nên đây là một trong các cơ sở giúp kết luận nguồn gốc đất, nằm trong hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân.

Tuy nhiên, khi chúng tôi chỉ rõ những hành vi hành chính trái phép, đặc biệt của ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông, thể hiện trong “Đơn xác nhận” do ông Chẩu soạn thì ông Vũ im lặng. Cụ thể, ông Thình ký xác nhận nhưng không thể hiện về sự đồng ý như “thay mặt”, hay “thừa lệnh” của Giám đốc đơn vị này. Chưa hết, bên cạnh chữ ký, con dấu của đơn vị, không kèm theo bất kỳ bằng chứng nào cho thấy khu đất trên do vợ chồng ông Chẩu, bà Dòng khai hoang…

Qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cảm ơn, ghi nhận thông tin PV cung cấp, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu cấp dưới khẩn trương xác minh thêm về các vụ việc kể trên.

Thanh Bình
.
.
.