Dân nghèo trắng tay trong "cơn sốt" đất

Thứ Bảy, 11/06/2022, 08:20

Chỉ vì sốt đất mà nhiều hộ dân nghèo thiếu hiểu biết ở Tây Nguyên tự mua bán không thông qua cơ quan chức năng đang điêu đứng vì bị lừa mất sổ đỏ, mất tiền, mất đất mà không cách nào đòi lại được…

Mất đất thổ cư vì giao sổ đỏ cho “cò”

Nhiều tuần nay, bà HBluên Niê (trú tại buôn Sút Hluốt, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) đứng ngồi không yên khi hay tin toàn bộ chỉ tiêu đất thổ cư (400m2) trong tổng số 3 sào đất của gia đình mình đã bị chuyển sang cho người khác. Căn nhà gia đình bà xây dựng nhiều năm nay bỗng trở thành trái phép vì xây dựng trên đất nông nghiệp…

Theo bà HBluên, vào tháng 6/2020, giá đất trên địa bàn tăng cao nên gia đình bà đã cắt một phần đất bán cho bà Xuân (trú tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột). Hợp đồng đặt cọc, hai bên thoả thuận bà HBluên bán 1 sào (1.000m2) đất với giá 590 triệu, trong đó có 240m2 đất thổ cư, 760m2 đất trồng cây lâu năm.

Bà Xuân được ủy quyền thực hiện các thủ tục tách thửa và sang tên. Sau khi tách thửa xong, bà Xuân trả lại “sổ đỏ” cho bà HBluên. Tuy nhiên, lúc này toàn bộ 160m2 đất ở còn lại của bà HBluên bỗng nhiên mất sạch bởi được chuyển sang “sổ đỏ” của bà Xuân.

Lục lại hợp đồng đặt cọc ghi ngày 26/4/2020, bà HBluên phát hiện trong đó ghi: “Bên mua mượn chủ nhà 160m2 đất thổ cư, sau khi tách bìa, có chỉ tiêu lên lại cho chủ nhà theo quy định của Nhà nước”. “Họ mua, phân lô rồi bán đất xong, đi mất, gia đình mất luôn 160m2 đất ở. Nhà tôi bỗng trở thành xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”, bà HBluên lo lắng.

Tương tự, nhà ông Y Kim (trú buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê) cũng có 2 sào đất, trong đó có 400m2 đất ở, 1.600 đất trồng cây lâu năm. Gia cảnh nghèo khó, đông con nên khi có người đến hỏi mua đất, ông đã cắt nửa đất đem bán. Khi giao dịch mua bán có một người tên Y Tiên (người cùng buôn) đi cùng nên tin tưởng, giao hết giấy tờ cho người mua. Cụ thể, ông Y Kim bán 1.000m2 đất, trong đó có 100m2 thổ cư, 900m2 đất nông nghiệp với giá 500 triệu đồng.

Có tiền, ông Y Kim xây một căn nhà cấp 4, lót gạch men sạch sẽ cho vợ con, cháu ngoại ở. “Niềm vui chưa được bao lâu, khi mình nhận lại sổ đỏ mới thì phát hiện toàn bộ diện tích đất thổ cư đã chuyển hết sang sổ người mua, đòi mãi không được”, ông Y Kim chua chát.

sot dat (1).jpg -0
Mảnh đất của gia đình bà HBluên Niê sau khi bán đã bị “cò” lừa lấy hết đất thổ cư.

Có dấu hiệu lừa đảo

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo xã Cư Suê tiết lộ, qua kiểm tra sơ bộ tại hai buôn Sút Hluốt và Sút Mđưng đã có hàng trăm người dân bán đất cho giới đầu cơ phân lô, bán nền. Riêng tại buôn Sút Mđưng, có hàng chục hộ gia đình sau sang nhượng, tách thửa bị mất hết đất thổ cư.

“Hiện nay, xã đã yêu cầu tất cả các thôn, buôn rà soát, báo cáo việc người dân bán đất nông nghiệp cho giới đầu cơ. Bên cạnh đó, thôn buôn cũng cập nhật danh sách những hộ dân bị mất hết đất thổ cư, hoặc chưa được trả sổ đỏ sau khi đã tách thửa”, vị lãnh đạo này nói.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, Cư Suê là địa phương hoàn thành việc cấp “sổ đỏ” từ những năm 1994, 1995. Mỗi hộ gia đình được cấp 400m2 đất ở nông thôn nhưng thời kỳ đó không có sơ đồ vị trí đất ở trong “sổ đỏ”. Đây là kẽ hở để những người chuyên mua bán đất dễ dàng tách toàn bộ đất ở sang sổ mới.

“Đến nay, chưa có bất cứ đơn thư nào từ người dân, mới chỉ báo miệng nhưng xã đã yêu cầu rà soát, yêu cầu dân phô tô tất cả các giấy đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng… để tổng hợp, báo cáo UBND huyện chỉ đạo xử lý”, ông Hoan thông tin.

Trong khi đó, ông Hoàng Thế Nghĩa, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cư Mgar cho hay, việc tách thửa phải do chủ đất thực hiện, ký hoặc điểm chỉ vào các giấy tờ. “Có thể do người bán đã uỷ quyền, đưa hết giấy tờ cho người mua đi tách thửa, sang tên mới xảy ra tình trạng bán một phần đất mất hết thổ cư như vừa qua.

Về nguyên tắc, khi tách thửa, cán bộ chi nhánh văn phòng sẽ yêu cầu người bán giữ lại một phần diện tích đất ở tối thiểu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tách thửa trên sổ, theo yêu cầu của ngươi bán đã thoả thuận với người mua, ngoài thực địa ra sao, nhà của người bán ở vị trí nào…, cán bộ văn phòng không thể biết”, ông Nghĩa phân trần.

Để ngăn chặn tình trạng đã xảy ra, ông Nghĩa nói đã chỉ đạo các nhân viên không cho ủy quyền trong làm hồ sơ tách thửa mà phải “chính chủ”. “Chúng tôi chỉ chấp nhận ủy quyền việc tách thửa khi đã có diện tích, sơ đồ vị trí từng loại đất”, ông Nghĩa nói.

Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư Mgar cho biết, sẽ cho kiểm tra, xác minh các trường hợp mua bán đất tại xã Cư Suê trong thời gian vừa qua. Trao đổi thêm, ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, các giao dịch sang nhượng, công chứng giấy tờ đất đai đều không qua xã; việc tách thửa cũng tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện. Vì các giao dịch không qua xã nên nhiều vụ nếu có xảy ra lừa đảo, lừa lấy hết thổ cư địa phương cũng không thể biết.

Theo ông Hoan, hiện nay, lợi dụng người dân không biết chữ, không hiểu pháp luật, nhiều đối tượng viết giấy cọc một đằng, đọc một nẻo dụ người dân dính bẫy. “Xã đã phải lập các tổ công tác để ngăn chặn nạn phân lô bán nền, san lấp mặt bằng để lừa người dân trong các giao dịch đất đai…”, ông Hoan nói thêm.

Văn Thành
.
.
.