Dân khổ, doanh nghiệp thiệt hại vì đường nát
Tỉnh lộ 538, đoạn từ quốc lộ 48D (còn gọi là đường 36) vào đến xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu,tỉnh Nghệ An có chiều dài chưa đầy 10km. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tuyến đường này đã bị xe tải cày nát, mặt đường đầy rẫy ổ voi, ổ trâu sâu hoắm. Về mùa nắng nóng, chỉ một chiếc xe ôtô chạy qua thì bụi bay mù mịt, những khi trời mưa thì lầy lội... đời sống, an sinh xã hội của người dân địa phương, kinh tế của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đường nát oằn mình cõng xe tải
Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 10/2022, Tỉnh lộ 538 (trước đây là đường nguyên liệu dứa), đoạn từ quốc lộ 48D vào đến xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có chiều dài chưa 10km nhưng đã hư hỏng nghiêm trọng.
Người dân địa phương cho hay, ước tính, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng, chủ yếu là vận chuyển xi măng từ Nhà máy xi măng Tân Thắng và đá nguyên liệu từ mỏ đá 36 ra quốc lộ 48D rồi tỏa đi các hướng. Mặt đường trên tuyến bị băm nát như tương, toàn tuyến đường xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi sâu hoắm khiến việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Anh H. người dân xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi làm trên con đường này, con đường bị băm nát gần 10 năm nay, mặt đường vô số ổ voi, ổ trâu rất khó lưu thông. Trời nắng thì khói bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội hơn cả ruộng cấy, khổ nhất là việc đi lại học hành của các cháu học sinh, thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường này rồi!”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng cho biết: Tỉnh lộ 538 trước đây là đường nguyên liệu dứa, từ khi nâng cấp lên đường tỉnh vẫn chưa được sửa chữa lần nào, mặt đường yếu, cộng thêm xe tải ra vào vận chuyển hàng nên đường càng hư hỏng nghiêm trọng. Ông Dũng nói: “Thời điểm kiểm soát dịch COVID-19, chúng tôi ghi nhận có ngày 200 - 300 lượt xe tải ra vào tuyến đường này”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng, nguyên nhân khiến xe tải đi lại nhiều là do tuyến đường vận chuyển xi măng của Nhà máy Xi măng Tân Thắng xây dựng hàng chục năm vẫn chưa hoàn thành. Do đó, toàn bộ xe tải chở máy móc vào xây dựng, lắp đặt nhà máy xi măng Tân Thắng thời kỳ đầu và nay là vận chuyển xi măng đi tiêu thụ đều phải đi trên con đường này.
Trên tuyến còn có hoạt động vận tải vật liệu xây dựng thường xuyên của mỏ đá 36. Nền đường, mặt đường yếu hư hỏng nghiêm trọng, thi thoảng Nhà máy xi măng cho rải ít bột đá khỏa lấp ổ voi, ổ trâu cho dễ đi. Trên tuyến đường này còn có 3 cây cầu cũ đã rất yếu, nếu xe tải nặng đi qua nhiều, cầu có thể sập bất cứ lúc nào, ông Dũng lo lắng.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng cho biết thêm: Tại xóm Bắc Thắng hiện có hơn 154 hộ dân đang sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hiện có khoảng 250 hộ dân khác cũng thường xuyên lưu thông trên đường 538 để vào xóm Bắc Thắng trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.
Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Tân Thắng cho biết: Trước khi Nhà máy xi măng Tân Thắng xây dựng và đi vào hoạt động, UBND tỉnh Nghệ An có cam kết đầu tư một con đường dài hơn 7km, từ quốc lộ 1A đến cổng nhà máy.
Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2012, tuy nhiên, cho đến nay, dù Nhà máy xi măng Tân Thắng đã đi vào hoạt động hơn 2 năm nhưng tuyến đường trên vẫn chưa hoàn thành bàn giao. Giai đoạn nhà máy đang xây dựng (2018), xe vận chuyển vật tư, trang thiết bị vào lắp đặt và đến khi nhà máy đi vào hoạt động, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ đều phải đi qua tuyến đường 538, vì không có tuyến đường nào khác, ông Tuấn nói.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, xe tải vận chuyển sản phẩm xi măng xuống cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), nếu đi qua đường 538 như hiện nay mỗi tháng tính ra doanh nghiệp bị thiệt hại thêm khoảng 2 tỷ đồng (vì phải tăng cước vận chuyển), do quãng đường này dài hơn 7km so với tuyến đường UBND tỉnh Nghệ An đầu tư từ quốc lộ 1A đến cổng nhà máy.
Ông Phạm Ngọc Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Tân Thắng nói thêm rằng, ngoài thiệt hại về kinh tế, nhà máy còn bị thiệt cả về chi phí cơ hội. Ông Bình lý giải, nhà máy mời các đối tác vào tham quan để ký kết hợp tác, tuy nhiên, khi đi qua tuyến đường 538 nát bươm như vậy, dù không nói nhưng chắc chắn trong suy nghĩ của đối tác sẽ có những điều không hài lòng. Ngoài ra, việc thu hút kỹ sư giỏi, tuyển dụng công nhân kỹ thuật cao vào nhà máy làm việc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tìm hiểu được biết, ngày 31/8/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3865/QĐUBND-CN quyết định về việc phê duyệt Dự án đầu tư cây dựng công trình đường giao thông từ Khu Công nghiệp Hoàng Mai 2 đến Nhà máy xi măng Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 353 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 7km. Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH tư vấn xây dựng Thành Công (địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An).
Về nội dung này, ngày 13/5/2021, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 2923/UBND-CN về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư gửi các sở, ban, ngành khẳng định: “Về tuyến đường giao thông từ KCN Hoàng Mai II vào Nhà máy xi măng Tân Thắng: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, thẩm định hồ sơ điều chỉnh thiết kế và các công việc liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/5/2021; Hoàn thành thi công toàn bộ tuyến đường trước ngày 30/8/2021”. Thế nhưng, cho đến nay, tuyến đường trên vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Tân Thắng khẳng định: “Khi xong tuyến đường của tỉnh làm xong, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tuyến đường 538 để người dân đi lại thuận tiện hơn”.
Qua tìm hiểu thực tế thấy rằng, việc người dân và chính quyền địa phương xã Tân Thắng phản ánh về tình trạng Tỉnh lộ 538 từ quốc lộ 48D vào xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng bị hư hỏng nặng là có cơ sở. Nguyên nhân được xác định là do đường cũ, lại thêm hoạt động thường xuyên của xe tải nặng khiến đường càng hư hỏng thêm. Trong khi đó, tuyến đường được UBND tỉnh Nghệ An đầu tư hơn 353 tỷ đồng, đến nay chỉ còn 200m lại “dẫm chân tại chỗ”, khiến người dân khổ, doanh nghiệp cũng thiệt đơn, thiệt kép.