Dân “khát” nhưng nhà máy nước vẫn bỏ hoang

Thứ Bảy, 05/03/2022, 10:07

Dự án xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được phê duyệt với kinh phí đầu tư xây dựng là 25,8tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, nhà máy nước chưa một lần hoạt động, hiện đang trong tình trạng “cửa đóng, then cài” và chưa biết đến khi nào thì mới vận hành được.

Theo tìm hiểu của phóng viên vào năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án bao gồm 13 hạng mục, trong đó có hạng mục xây dựng Nhà máy nước sạch Hưng Thông đặt tại xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông. Công trình có số vốn đầu tư hơn 25,8 tỷ đồng, được giao cho UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư.

Tiếp đó, ngày 31/12/2014, tại Quyết định số 300/QĐ-UBND của UBND huyện Hưng Nguyên đã phê duyệt hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công Dự án xây dựng nhà máy nước sạch Hưng Thông. Theo thiết kế được phê duyệt, Nhà máy nước Hưng Thông có tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Cụm đầu mối (trạm bơm cấp I, II; hồ chứa nước thô, bể lắng; bể lọc; bể chứa nước sạch; nhà điều hành…); Mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 (lắp đặt cho các hộ dân và các nơi tiêu thụ nước với tổng chiều dài dự kiến là 10.000m bằng ống nhựa). Với công suất 1.000m3/ngày/ đêm, sau khi hoàn thành, Nhà máy nước sạch Hưng Thông đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hơn 1.300 hộ dân.

Dân “khát” nhưng nhà máy nước vẫn bỏ hoang -0
Nhà máy nước Hưng Thông xây dựng xong, bỏ hoang từ 2018 đến nay.

Sau một thời gian dài thi công, đến cuối năm 2018, dự án nhà máy nước sạch Hưng Thông cơ bản được hoàn thành với hệ thống nhà làm việc, 2 hồ chứa, khu xử lý nước thô và đường ống dẫn nước (mạng lưới cấp nước cấp III) đi qua trước nhà dân. Cũng từ đó đến nay, Nhà máy nước Hưng Thông vẫn chưa thể đi vào hoạt động để cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn.

Ngày 1/3/2022, có mặt tại Nhà máy nước Hưng Thông, chúng tôi thấy cánh cổng vào nhà máy nước được gá tạm bằng một sợi dây thép để khóa cổng, bên trong khuôn viên nhà máy không có một bóng người, xung quanh cỏ dại mọc um tùm... Nhiều hạng mục của công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, bờ tường xuất hiện những vết nứt kéo dài, sơn nhà bắt đầu phồng rộp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: Dự án Nhà máy nước Hưng Thông do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, địa phương là đơn vị thụ hưởng, chịu trách nhiệm phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động người dân khi giải phóng mặt bằng. Người đứng đầu chính quyền xã Hưng Thông khẳng định, nhu cầu nước sạch của người dân trên địa bàn hết sức bức thiết, bao đời nay người dân địa phương phải sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi để sinh hoạt, riêng nước nấu ăn phải sử dụng nước mưa dự trữ quanh năm. Tại Hưng Thông, dù giếng khoan sâu hơn 40 mét nhưng nước vẫn bị nhiễm sắt, không thể lọc rửa để sử dụng ăn uống được. Vì thế, khi có dự án xây dựng nhà máy nước sạch người dân rất phấn khởi, nhưng niềm vui đó đến nay vẫn chưa trọn vẹn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông chia sẻ.

Nguyên nhân khiến nhà máy nước Hưng Thông chưa thể hoạt động được là do nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thiếu nguồn nước thô. Trước đây, dự án nhà máy nước được phê duyệt, dự kiến lấy nước thô ở sông Hoàng Cần, tuy nhiên mấy năm qua do biến đổi khí hậu, mực nước sông Hoàng Cần xuống thấp, về mùa hè hầu như khô cạn, không đủ tưới tiêu nông nghiệp. Đồng thời nước ở đây còn bị ô nhiễm nặng bởi xác chết động vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng ngấm xuống. Ngoài ra, hệ thống đường ống dẫn nước cấp III mới dẫn về các trục chính, chưa đến tận các hộ dân, hiện một số đoạn đã hư hỏng, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường ống sẽ phải phá dỡ nhiều đoạn được bê tông liên xóm, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết thêm.

Về phía chủ đầu tư dự án, qua trao đổi, ông Thái Huy Dũng, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết, công trình nhà máy nước sạch Hưng Thông đến nay vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Theo ông Dũng, nguyên nhân nhà máy chưa hoạt động là do thiếu nguồn nước thô và chưa hoàn thiện hệ thống đường ống “xương cá” dẫn vào các hộ dân. Do vậy, để nhà máy đi vào vận hành được cần phải giải quyết vấn đề cung cấp nước thô (có thể mua nước thô của Công ty Tuấn Lộc) và hoàn thiện hệ thống đường ống vào nhà dân. Dự kiến kinh phí đầu tư cần thiết phải có từ 7 đến 10 tỷ đồng.Hiện tại, UBND huyện đang kêu gọi một số đơn vị vào để đầu tư, hợp tác vận hành nhà máy, sớm có nước sạch phục vụ nhân dân.

Nếu chủ đầu tư dự án là UBND huyện Hưng Nguyên không sớm có những giải pháp hữu hiệu, Dự án Nhà máy nước Hưng Thông chẳng khác nào là khối sắt rỉ sét trong khi hàng nghìn hộ dân đang “khát” nước sạch hàng ngày.

Trần Thắng
.
.
.