Dai dẳng nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Nam

Thứ Sáu, 26/11/2021, 08:38

Đến nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra ở các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Điển hình như huyện Nam Giang, Phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện cho biết, những năm gần đây, trường hợp sinh con thứ 3 và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số trẻ chưa đủ tuổi kết hôn là 27 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, số trường hợp tảo hôn tăng 7 trường hợp so với năm 2020.

Thôn Pà Dá, xã Cà Dy (Nam Giang), là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu. Tại đây, chúng tôi gặp em Alăng N. chưa tròn 16 tuổi đã lấy chồng và sinh con vào tháng 5/2021. N. kể rằng, năm ngoái, em thi đậu lớp 10 một trường THPT ở trung tâm huyện. Nhưng sau đó do có tình cảm yêu đương với Nguyễn Ngọc Ch. (21 tuổi) ở cùng thôn, rồi có thai nên bố mẹ cho lập gia đình với Ch. Trước khi sinh con, N. đã kịp hoàn thành chương trình học lớp 10.

3.jpg -0
Một trường hợp tảo hôn, người mẹ có con lúc chưa tròn tuổi 16 ở huyện Nam Giang.

Khi chúng tôi hỏi N. có mơ ước gì cho tương lai, bế con nhỏ trên tay, N. bộc bạch: “Em chỉ mong con trai lớn thêm chút nữa, em sẽ trở lại trường để tiếp tục con đường học vấn. Ước mơ của em sau này trở thành một cô giáo để về quê dạy học cho các em nhỏ trong làng, trong xã”. Trường hợp của N. chỉ là một trong hàng chục trường hợp kết hôn sớm ở huyện Nam Giang những năm gần đây.

Theo ông Trần Tấn Tài, Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, địa bàn huyện Nam Giang có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như dân tộc Ve, Cơ Tu, Tà Riềng… đa phần kinh tế khó khăn. Nhiều năm qua, chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp, nhiều mô hình hay để giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm theo từng năm. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các cặp vợ chồng trẻ vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là do trẻ tuổi vị thành niên thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên, quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Trước thực trạng trên, ngành Y tế đã tham mưu cho chính quyền cơ sở đưa chương trình xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào nội dung quan trọng trong xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng các quy ước, hương ước, xét công nhận gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa.

Đặc biệt, năm 2021, nhờ sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Tầm Nhìn thế giới tại huyện Nam Giang đã hỗ trợ kinh phí tổ chức tuyên truyền tại thôn bản, cụm dân cư cho các thôn bản của 5 xã trong vùng dự án gồm Chà Vàl, Tà Pơơ, Tà Bhing, Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo giảm thiểu trình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống huyện cũng tham mưu cho Thường trực UBND huyện có nhiều văn bản, chỉ thị chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thi sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường để giảm trình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhằm thay đổi nhận thức của bà con.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thanh, truyền hình huyện Nam Giang cho biết thêm, tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác. Để xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cần có sự phù hợp ở từng địa phương, đảm bảo phù hợp với trình độ dân trí, nguyên nhân tảo hôn của từng vùng.

Bên cạnh đó, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau trong truyền thông nâng cao nhận thức, tạo sự bình đẳng cho trẻ em gái ở vùng sâu, vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục an toàn cho nhóm đối tượng thanh, thiếu niên miền núi để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của nhóm đối tượng này về hôn nhân và gia đình, trong đó có việc phòng, chống nạn tảo hôn.

Ngọc Thi
.
.
.