Công trình tiền tỷ xây dựng rồi bỏ hoang
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Nông được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm chủ đầu tư, với mong muốn sẽ xây dựng một trung tâm đào tạo, dạy nghề phụ nữ cho toàn vùng Tây Nguyên.
Tất cả nguồn kinh phí xây dựng lẫn mua sắm trang thiết bị đầu tư bên trong hơn 23 tỷ đồng đều từ kinh phí Trung ương. Sau khi hoàn thiện, trung tâm đã được bàn giao lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông quản lý, vận hành.
Hơn 10 năm qua, trung tâm này chỉ mở được vài lớp dạy nghề. Không tuyển được học viên theo học dẫn đến nhiều trang thiết bị được mua sắm phục vụ cho công việc giảng dạy đành phải “đắp chiếu”, gây lãng phí tiền ngân sách Nhà nước.
Điển hình, hệ thống máy làm bánh có công suất sản xuất công nghiệp được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đầu tư, mua sắm gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống này từ đó đến nay chỉ phục vụ duy nhất một lớp dạy nghề vào năm 2013, sau đó hệ thống này đành phải “phủ bạt, đắp chiếu”.
Trung tâm này cũng được trang bị hàng trăm chiếc máy may công nghiệp, máy may dân dụng (số liệu hiện tại là 140 cái - PV) nhưng cũng nằm phủ bụi. Trung tâm chỉ mở được 1 lớp dạy may dân dụng cho 30 học viên trong năm 2017. Ngoài ra, hàng trăm chiếc máy tính, hàng trăm bộ bàn ghế được trang bị rất “hoành tráng” cho trung tâm hiện cũng đang trong tình trạng bỏ không, dần xuống cấp, lỗi thời…
Lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Nông cho biết, nguyên nhân của việc sử dụng trung tâm kém hiệu quả là do cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí ít gây khó khăn cho việc đào tạo nghề. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh kinh tế địa phương, chị em nông dân không có điều kiện đến trung tâm học nghề nên trung tâm luôn không có học viên. Việc vận chuyển máy móc đến vùng sâu, vùng xa cũng phức tạp. Muốn thực hiện những “chuyến về nông thôn” như vậy cũng rất khó khăn do eo hẹp kinh phí.
Cũng theo vị lãnh đạo này, do sử dụng không hiệu quả, không có kinh phí trùng tu… nên trung tâm đang bị xuống cấp nặng nề. Hiện nay trung tâm đã được bàn giao về cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý, vận hành. “Các chị ngoài đó đã có kế hoạch đầu tư, nâng cấp trung tâm để tiếp tục thực hiện việc đào tạo nghề cho phụ nữ. Trung ương hội sẽ phối hợp với địa phương trong việc vận hành, hy vọng sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn”, vị lãnh đạo này nói.
Để giảm lãng phí, hiện nay, trung tâm giới thiệu việc làm này đã cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh mượn 4 phòng, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Đắk Nông mượn 9 phòng. Số phòng còn lại và các trang thiết bị đều đóng cửa, đóng gói không sử dụng đến…
Tương tự, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông được xây dựng trên diện tích 15.600m2 tại Khu tái định cư Đắk Nur B (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa), tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được khởi công xây dựng từ năm 2014.
Sau hơn 3 năm “lỡ hẹn” bàn giao, vào đầu tháng 3/2022, công trình được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bàn giao lại cho Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông quản lý, sử dụng. Điều đáng nói là trước đó, công trình này đã cơ bản hoàn thành, nhưng do không tổ chức các lớp đào tạo nên khu ký túc xá được TP Gia Nghĩa trưng dụng thành khu cách ly dành cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Sau một thời gian trưng dụng, không còn người cách ly, khu vực này lại trở về vẻ im lìm, vắng lặng.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu nhà học tập - làm việc là tòa nhà 4 tầng (3 tầng lầu, 1 tầng trệt), gồm hội trường lớn, phòng học và phòng làm việc, bụi phủ khắp hành lang và phòng học. Nhiều căn phòng đóng kín cửa, trong khi nhiều căn phòng khác bỏ trống, không có đồ đạc gì giá trị. Nhiều thiết bị điện đã có dấu hiệu hư hỏng. Trần nhà xuất hiện nhiều mảng vữa lớn, bong tróc, rơi vỡ khắp nền.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết, trước đây khi còn Đề án 1956 (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020) thì trung tâm sẽ dùng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là hội viên Hội Nông dân. Tuy nhiên, đề án đã thực hiện xong nên hiện nay cũng không có kinh phí để đào tạo nghề tiếp.
Hiện nay, các trung tâm dạy nghề hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; chưa nhạy bén tìm “đầu ra” cho lao động, trong khi thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao. Cơ cấu dạy nghề cho lao động nông thôn ở các ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương chưa thực sự phù hợp dẫn đến nhiều trung tâm được xây dựng rất hoành tráng nhưng lại bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của Nhà nước.