Cần thiết phải lập lại trật tự trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội

Chóng mặt vì phí trông giữ xe tăng cao (Bài 1)

Thứ Ba, 12/03/2024, 08:29

Nhiều năm qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ xe quá giá, trái phép trên địa bàn Hà Nội, nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn. Các điểm trông giữ xe cả có phép lẫn tự phát trên địa bàn Thủ đô vẫn đua nhau "chặt chém" người dân. Hễ cơ quan chức năng xuất hiện kiểm tra xử lý, thì các điểm trông xe lại thực thi nghiêm túc, nhưng hễ kiểm tra xong là đâu lại vào đó. 

Xe máy thì 10.000-20.000 đồng/lượt; ôtô 40.000-50.000 đồng/xe là giá trông giữ mà không hề có bảng niêm yết, không vé, thậm chí thu ngay tại nơi có biển cấm đỗ. Tình trạng thu tiền trông giữ xe tại các điểm đông đúc như bệnh viện, cơ quan công sở, chung cư… trên địa bàn Hà Nội với mức giá “trên trời” ngày càng gia tăng.

img_9200.jpg -0
Một điểm trông xe trên phố Ngọc Khánh, xe xếp tràn từ vỉa hè xuống lòng đường gây khó khăn cho người đi bộ.

Giá trông giữ xe đều tăng

Tối thứ 7 cuối tuần, từ Thanh Trì đưa con lên phố đi bộ Bờ Hồ chơi, đến đầu phố Hai Bà Trưng, anh Thái Sơn đã thấy tới tấp lời mời nhận trông giữ xe dù bãi nào nhìn cũng đã chật kín chỗ. Vòng qua phía ngã ba Hàng Trống-Bảo Khánh, thấy bãi giữ xe có nhân viên mặc đồng phục, và biển báo rõ ràng trên vỉa hè, nên anh rẽ vào gửi. Dựng xong chiếc xe, nhận tấm vé từ nhân viên anh vội rút tờ 10.000 đồng ra trả. Chưa kịp nói gì, nhân viên trông xe đã thẳng thừng: “Buổi tối là 20.000đ/xe máy anh ạ”. Không nói thêm gì, anh Sơn đành rút tiền ra trả.

Chỉ trong vòng 10 phút, hàng chục chiếc xe cũng vào gửi theo, dường như người trông giữ nói bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, coi việc thu quá giá như việc “thường ngày ở huyện”. Bởi khu vực quanh Bờ Hồ vốn rất khan hiếm bãi đỗ xe. Gần đó chỉ có mỗi phố Bảo Khánh nhưng đoạn đường rất ngắn, nên chỉ trông giữ được một số xe là hết công suất. Vì thế dù biết là bị “chặt chém”, nhưng các "thượng đế" cũng chỉ có một lựa chọn là "ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Tình trạng tăng giá so với quy định cũng khá phổ biến tại phố Bà Triệu, đoạn trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (quận Hai Bà Trưng). Chị Lê Hồng Hạnh (ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa) phản ánh, chị đến thăm người nhà thay đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Trung ương, khi vừa dừng xe, một người đàn ông hướng dẫn để xe máy trên vỉa hè. Chị chuẩn bị 5.000 đồng để trả tiền nhưng người đàn ông yêu cầu trả 10.000 đồng.

Quan sát xung quanh, chị thấy ai cũng trả 10.000 đồng mỗi lần gửi xe. Bãi trông giữ xe máy cho người nhà và bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Việt Nam Cuba trên phố Hai Bà Trưng luôn chật kín và giá trông giữ xe cũng “nhảy múa”. Thường thì nhân viên nói sao, người dân trả vậy bởi có đoạn biển trông giữ xe ở đây còn bị xoá mất phần giá công khai theo quy định. Không chỉ xung quanh các bệnh viện, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, tình trạng thu tiền trông giữ ôtô giá “trên trời” cũng khá phổ biến.

Trong khi đó, theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy tại địa bàn các quận là 5.000 đồng/lượt ban ngày và 8.000 đồng/lượt ban đêm; ôtô là 10.000-30.000 đồng/lượt tùy vị trí đường phố. Quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2018. Nhưng thực tế, các bãi trông giữ xe đều tăng từ 50% đến 200%.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20-26% cho đô thị trung tâm; diện tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%. Tuy nhiên, tính đến nay, dân số của TP Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố).

Tổng số phương tiện quản lý tính đến tháng 2/2024 gồm: 8.044.512 phương tiện (trong đó: 1.121.753 ôtô, 6.922.759 môtô, xe máy điện), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Ông Nguyễn Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên; trung tâm thương mại; khu chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị và tại nhà dân... Với tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).

Việc thiếu các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe trên địa bàn (đặc biệt là trong khu vực Vành đai 3) và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân là một thực tế hiện nay đối với Hà Nội. Việc tạm thời sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Đặng Nhật
.
.
.