Cảnh báo lợi dụng dịch bệnh lừa đảo xuất khẩu lao động

Thứ Sáu, 13/08/2021, 07:49

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên đa số người dân cũng quen dần với tuyển dụng, làm việc online. Đa số các công ty xuất khẩu lao động cũng đã xây dựng quy trình tuyển dụng, đào tạo, phỏng vấn online để tạo điều thuận lợi cho người lao động có mong muốn ra nước ngoài làm việc.

Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã đăng thông tin tuyển dụng, lừa đảo xuất khẩu lao động thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Với nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi, không ít người đã bị sập bẫy.

Thủ đoạn tinh vi

Thông qua thông tin bạn bè chia sẻ trên Zalo, đầu tháng 2/2021, anh Nguyễn Hữu Vinh (Nam Trực, Nam Định) đọc được một thông báo tuyển dụng đơn hàng đi Nhật Bản làm việc. Công việc theo giới thiệu trong đơn hàng là xây dựng, chi phí để đi được chỉ hơn 100 triệu đồng. Phù hợp với chuyên môn, cùng khả năng tài chính của gia đình nên anh Vinh đã liên hệ theo số điện thoại bên dưới thông báo để tìm hiểu. Tư vấn cho anh là một người tên Đạt, giới thiệu là cán bộ tuyển dụng của một công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, nhân viên Đạt này đã cho anh Vinh xem ảnh chụp giấy phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc của công ty, có trụ sở tại Hà Nội. Sau đó là những giới thiệu về chương trình với nhiều nội dung hấp dẫn như: mức lương cơ bản 40 đến 45 triệu đồng, chi phí đi thấp và có thể được hỗ trợ vay vốn, không yêu cầu trình độ …

“Họ còn tổ chức một buổi phỏng vấn online, hỏi rất kỹ về kỹ năng nghề khiến tôi rất tin tưởng. Sau khi có thông báo rằng đã trúng tuyển, họ gửi cho tôi một số bản mẫu hồ sơ để hoàn thiện, khi nào cần thì gửi. Trước khi bước vào học tiếng Nhật dưới hình thức online, tôi được yêu cầu nộp chuyển khoản 10 triệu đồng tiền đặt cọc. Chính vì mọi thứ diễn ra rất tuần tự nên tôi đã chủ quan không nghĩ là mình bị lừa. Bởi sau khi đã chuyển tiền cọc thì số điện thoại kia đã không còn liên hệ được nữa. Cái giấy phép họ cho xem là họ làm giả”, anh Vinh chua chát cho hay.

Hiện, tuyển dụng xuất khẩu lao động được giới thiệu nhan nhản trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo với rất nhiều thông tin hấp dẫn. Tuy vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, những người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc mà thiếu thông tin rất có thể mắc bẫy trước những lời giới thiệu “có cánh” như: Chi phí đi thấp, hỗ trợ vay vốn 100%, không cần học hết PTTH, lương cơ bản 30- 35 triệu đồng…

ld.jpg -0
Xuất khẩu lao động rất dễ bị lợi dụng lừa đảo trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Ảnh minh họa: CTV. 

Theo anh Nguyễn Quang Quý, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Nhật Bản JVLET, việc vẫn có không ít người lao động mắc bẫy tuyển dụng như trên là do các đối tượng đã đánh vào mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống mà thiếu thông tin. Chính vì thế mà nhiều người đã kỳ vọng quá mức vào chuyện ra nước ngoài làm việc. Mặc dù có những người không có bằng cấp, trình độ, lẫn năng lực tay nghề.

Phải kiểm chứng mọi thông tin

Đề cập đến việc lừa đảo xuất khẩu lao động diễn ra trên mạng, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, trước đây, người lao động có thể trực tiếp đến trụ sở công ty phái cử để kiểm chứng quy mô hoạt động và uy tín của doanh nghiệp. Các khoản tiền thường đóng trực tiếp cho kế toán, có phiếu thu hoặc hóa đơn kèm theo. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nơi phải giãn cách xã hội như hiện nay quy trình làm hồ sơ, đào tạo, phỏng vấn, kể cả việc chuyển khoản tiền đặt cọc của các công ty xuất khẩu lao động, đều giao dịch qua hình thức online.

“Đây là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên các công ty xuất khẩu lao động đăng thông tin tuyển dụng các đơn hàng trên mạng xã hội. Khi người lao động liên hệ, các đối tượng này tư vấn chương trình như nhân viên chính quy. Sau đó, họ đề nghị người lao động cung cấp thông tin cá nhân để khai hồ sơ online như các công ty vẫn làm, nhằm tạo lòng tin. Khi hoàn tất hồ sơ, đến phần lên kế hoạch đào tạo tác phong, ngoại ngữ và hẹn ngày phỏng vấn, các đối tượng này bắt đầu đề nghị người lao động chuyển khoản tiền đặt cọc. Vì mọi việc đều diễn ra online nên người lao động dễ dàng bị dẫn dắt và nhanh chóng chuyển khoản”, bà Hà cảnh báo.

Để tránh bị lừa đảo, bà Hà khuyến nghị người lao động phải tìm hiểu rõ tên công ty tuyển dụng và đối chiếu thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc (www.dolab.gov.vn) xem công ty này có được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc hay không. Bên cạnh đó, người lao động cần yêu cầu nhân viên tư vấn online gửi các hình ảnh, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của công ty ở Việt Nam và nước tiếp nhận.

Phan Hoạt
.
.
.