Cẩn trọng với trào lưu “chữa lành trái tim”, “chữa lành tâm hồn”
“Chữa lành” trái tim, “chữa lành” tâm hồn, quay về với chính mình, kết nối với “đứa trẻ bên trong”…, đó là những lời quảng cáo rất quen thuộc về dịch vụ “chữa lành” đang nở rộ hiện nay. Vậy, ai có thể thực hiện việc “chữa lành”? Dịch vụ này có cần phải quản lý hay không?
Muôn kiểu “chữa lành”
Với nhu cầu cần “chữa lành” vết thương tinh thần do cuộc hôn nhân rơi vào thời kỳ khủng hoảng, chị Nguyễn Ngọc, 30 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đến một trung tâm chuyên chữa lành do một “coach” (người huấn luyện) đứng đầu có tên TA, người đã có một số video đăng tải trên mạng internet liên quan đến “chữa lành” như “chữa lành” tâm hồn, “chữa lành” trái tim, “hành trình yêu thương”… Tại đây, chị Ngọc được nhân viên trung tâm trao đổi, hỏi han về tình trạng hôn nhân hiện tại và vấn đề cần “chữa lành”.
Sau khoảng 15 phút ghi nhận những thông tin cần thiết, nhân viên này cho biết, trung tâm sẽ có khóa “chữa lành” kéo dài 3 tháng dành cho chị Ngọc với chi phí là 15 triệu đồng. Trong 3 tháng, chị Ngọc sẽ được một chuyên gia tâm lý “kèm” thông qua room online để có thể “chữa lành” tâm hồn, trị liệu tâm lý và dần dần thoát khỏi được những áp lực. Trong các tình huống cụ thể, chị Ngọc có thể liên hệ với chuyên gia tâm lý để chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên cụ thể cho chị. Trong suốt 3 tháng, chị Ngọc còn được tham gia nhiều buổi trị liệu tâm lý, miễn phí một số giáo trình học.
Nhân viên trung tâm này cũng cho biết, một khóa chữa lành có thể kéo dài lên đến 5, 6 tháng giúp người chữa lành có thể cân bằng được cảm xúc, cân bằng được cuộc sống. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý sẽ “kèm” chị Ngọc trong suốt quá trình lại không phải là “coach” TA - người được trung tâm quảng cáo, mà lại là những người được đào tạo về “chữa lành”, còn được đào tạo như thế nào thì chị Ngọc không được cho biết cụ thể.
Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ "chữa lành" sẽ cho hơn vô số các kết quả đủ để thấy trào lưu "chữa lành" đang được nhiều người tìm kiếm. Chúng ta cũng rất dễ bắt gặp cụm từ "chữa lành" như "du lịch chữa lành", "điện ảnh chữa lành", "âm nhạc chữa lành"… Thông thường, khi tìm đến với các dịch vụ “chữa lành”, người có nhu cầu “chữa lành” sẽ không được gặp gỡ ngay chuyên gia mà sẽ được được các nhân viên ghi nhận một số thông tin cơ bản của cá nhân như tên, tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, các vấn đề đang gặp phải… Sau đó, người có nhu cầu “chữa lành” sẽ được gửi báo giá về các gói “chữa lành”.
Mỗi trung tâm lại đưa ra các mức giá khác nhau nhưng đều từ vài triệu đồng cho đến cả chục triệu đồng. Đặc biệt, nếu có các chuyên gia “chữa lành” đồng hành hằng ngày thông qua việc nhắn tin, điện thoại thì giá tiền sẽ cao hơn. Trong khi, người tham gia “chữa lành” thông thường sẽ không được tiếp cận nhiều thông tin về các chuyên gia, các "coach" “chữa lành”. Họ được giới thiệu rất chung chung là đã được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn về Tâm lý học.
Không quản lý, sẽ gây nhiều hệ lụy
Có lẽ, trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện, áp lực công việc, trọng trách vai trò trong đời sống gia đình… khiến người trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe tinh thần và họ bắt đầu tìm kiếm đến các dịch vụ “chữa lành” để được xoa dịu những tổn thương tâm lý, những áp lực đang phải đương đầu.
Xét dưới góc độ Tâm lý học, theo TS. Trần Thu Hương, Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học Xã hội, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, “chữa lành” chính là một hoạt động trợ giúp tâm lý, trong đó nhà tham vấn tâm lý với sự hiểu biết sâu sắc về các hệ thống lý thuyết cùng các kỹ thuật tham vấn, trị liệu sẽ tiến hành hoạt động hỗ trợ giúp cho người có những vấn đề khó khăn và nan giải tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và trong công việc. Tất cả chúng ta ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có thể cần đến sự trợ giúp tâm lý. “Âm nhạc chữa lành”; “Hội họa chữa lành”; “Phim ảnh chữa lành”; “Du lịch chữa lành”,… là những hình thức trị liệu tâm lý giúp cho những người có tổn thương, ẩn ức, đau khổ, mất cân bằng giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, tìm thấy lại niềm vui, động lực, cảm hứng để sống, làm việc và cống hiến.
Theo TS Trần Thu Hương, trong đời sống cá nhân, bản thân mỗi người đều có khả năng tự chữa lành cho chính mình. Thực tế, hiện nay đã xuất hiện những chuyên gia “chữa lành” tự phong, họ nhận hỗ trợ cho người khác bằng chính những kinh nghiệm, trải nghiệm mà họ có được sau khi đã tự vượt qua những giai đoạn khó khăn, bất ổn về tâm lý của bản thân. Chính họ tự mang kinh nghiệm của mình để thực hiện "sứ mệnh chữa lành" cho người khác. Tuy nhiên, khi chúng ta đã sử dụng những kinh nghiệm của cá nhân để áp dụng cho những người khác, cần phải hết sức thận trọng, không nên coi nó là độc tôn, duy nhất, hiệu quả nhất trong quá trình “chữa lành”.
TS Trần Thu Hương cũng cho rằng, đang xuất hiện tình trạng thương mại hóa dịch vụ “chữa lành” khi ngày càng nhiều người quan tâm đến các vấn đề, sức khỏe tâm thần. Hoạt động “chữa lành” là một trong những kỹ thuật đã được ứng dụng trong Tâm lý học Lâm sàng, và phải được thực hiện bởi những người được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn và cần tuân thủ đạo đức hành nghề. TS Trần Thu Hương cho rằng, lĩnh vực này cần có sự quản lý về pháp luật.
Liên quan đến các dịch vụ “chữa lành” đang nở rộ hiện nay, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, “chữa lành” không phải là một phương pháp chữa bệnh vì nó không phải là bệnh. Như người có dấu hiệu bệnh tâm thần (động kinh, hoang tưởng…), hoặc rối loạn tâm thần (trầm cảm, strees, lo âu) phải do các bác sĩ chuyên khoa, thầy thuốc có chứng chỉ hành nghề khám, chẩn đoán và điều trị bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.
Chuyên gia cũng cho hay, hiện nay nở rộ các lớp “chữa lành”, thậm chí có người còn mạo nhận là chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý, thu tiền giá cao. “Chữa lành” không còn đơn lẻ nữa mà nó trở thành trào lưu, nếu tiếp tục để nó tự phát nở rộ mà không có biện pháp quản lý, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng và hệ luỵ cho người dân. Theo đề xuất của chuyên gia, cần phải quản lý hoạt động này với sự xem xét của nhiều bộ, ngành. Chẳng hạn, Ban Tôn giáo Chính phủ phải xem các lớp “chữa lành” tự mở có phải của một giáo phái nào không; Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch quản lý về văn hoá vì có yếu tố liên quan đến thần linh xem có ảnh hưởng đến tự do tín ngưỡng hay không; Bộ Công an phải xác định xem những hành vi này có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lừa đảo hay không để có hướng giải quyết...
“Các bộ, ngành phải cùng vào cuộc xem xét để xác định nó là loại hình nào để cùng phối hợp quản lý. Vấn đề này cần phải có sự quản lý để làm lành mạnh xã hội. Sau khi xem xét, nếu phương pháp “chữa lành” mang tính tích cực thì phải đưa vào quản lý, còn nếu mang lại quả tiêu cực thì cần phải loại bỏ”, TS Nguyễn Huy Quang đề xuất.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, để biết đó có phải là bệnh hay không, người dân phải đi khám bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, có chứng chỉ hành nghề, đừng nên tin và nghe theo những phương pháp chưa có căn cứ khoa học, sẽ làm mất đi cơ hội điều trị nếu có bệnh.