Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc tại dự án Hồ chứa nước Bản Mồng

Thứ Hai, 22/07/2024, 07:33

Sau 15 năm triển khai thi công, đến nay dự án Hồ chứa nước Bản Mồng xây dựng trên địa bàn các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An và một phần ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện tại, dự án đang còn quá nhiều vướng mắc cần được các địa phương tập trung tháo gỡ…

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư; trong đó, đầu mối chính đặt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Dự án được phê duyệt vào năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư 3.744 tỷ đồng, bao gồm cả các hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 dự án có các hạng mục chính đặt tại 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An và một phần thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bao gồm hồ chứa nước có dung tích 225 triệu m3, 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và nhà máy thủy điện với công suất lắp máy 45MW. Dự án lấy nước trực tiếp từ hồ được thiết kế cấp nước với lưu lượng 8,76m3/s; tổng chiều dài 520km bao gồm kênh chính dài 98km, kênh cấp I dài 148km, kênh cấp II dài 274km… góp phần phục vụ việc tưới tiêu cho gần 8.000ha đất nông nghiệp vùng hạ du.

Bên cạnh đó, hệ thống các trạm bơm lấy nước từ dòng sông Hiếu cũng được đầu tư xây mới và tưới cho 11.000ha đất nông nghiệp. Riêng về phần đập chính của dự án được thiết kế dài 221m, cao hơn 45m và là loại đập bê tông trọng lực; tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 75m.

Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc tại dự án Hồ chứa nước Bản Mồng -0
Do nằm trong vùng dự án, nên hạ tầng giao thông của người dân ở xã Thanh Hoà, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá hàng chục năm không được đầu tư, nâng cấp.

Một đại diện của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4, Bộ NN&PTNT cho hay: Dự án được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư cho dự án này là 5.552 tỷ đồng, không bao gồm nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư hợp phần thủy điện. Trong đó, nguồn vốn giai đoạn từ năm 2021 - 2025 được bố trí 2.056 tỷ đồng; hiện đã được bố trí 1.822 tỷ đồng, còn thiếu 234 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, đến thời điểm này, về giải phóng mặt bằng lòng hồ, địa bàn huyện Quỳ Hợp đã hoàn thành đến cao trình +71,86m, huyện Nghĩa Đàn hoàn thành cao trình +71,86m, huyện Quỳ Châu, hoàn thành cao trình +71.86. Hạng mục cầu trên quốc lộ 48 qua kênh thông hồ hoàn thành 98%. Các đập phụ 1, 2 và 3, đập phụ số 2 đã hoàn thành, riêng đập phụ số 1 và số 3 còn phần khối lượng hợp long.

Tổng mức đầu tư Hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng và Hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu là 2.948,5 tỷ đồng. Đến năm 2023 đã được bố trí và giải ngân là 1.878,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với công tác điều chỉnh dự án đang còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, công tác tư vấn gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát, điều tra hiện trạng, tính toán thủy lực, thủy văn để lựa chọn phương án công trình phù hợp, đặc biệt là phương án xử lý mái kênh tiêu Châu Bình. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý dự án cùng nhà thầu tư vấn đang đề xuất các phương án kỹ thuật xử lý. Công tác điều chỉnh dự án phải thực hiện nhiều thủ tục nên cần nhiều thời gian để rà soát tổng hợp, ngoài ra, việc điều chỉnh hợp phần qua nhiều bước, nhiều cấp ban, ngành theo đúng quy trình, quy định.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp hôm 12/7, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương để bảo đảm giao đủ đất thủy lợi cho triển khai dự án. Đồng thời, tổ chức rà soát toàn bộ các hạng mục của dự án, đặc biệt là phương án xử lý sạt lở kênh tiêu Châu Bình để hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh. Đồng thời, tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo lập lại tiến độ thi công chi tiết của dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Rà soát lại bộ máy của Ban Quản lý dự án; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện từng phần việc.

Tại tỉnh Thanh Hoá, Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân có tổng kinh phí dự kiến là 516.708 triệu đồng. Sở NN&PTNT Thanh Hóa được giao làm chủ đầu tư, thực hiện các nội dung, gồm: Bồi thường, hỗ trợ; Đầu tư xây dựng khu tái định cư và Trồng rừng thay thế cho diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án trên địa bàn huyện Như Xuân. Bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng vùng lòng hồ đến cao trình (+71,86m) trước ngày 30/10/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng vùng lòng hồ trước ngày 31/7/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án chậm nhất vào ngày 31/12/2025.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá, đến nay đã tổ chức lập dự án lập Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân (gồm 3 nội dung công việc chính: Thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; đầu tư xây dựng khu tái định cư; thực hiện công tác trồng rừng thay thế). Đơn vị tư vấn đã hoàn thành khảo sát, lập dự án trong tháng 5/2024; Sở NN&PTNT đã trình Sở Xây dựng thẩm định tại Tờ trình số 211/TTr-SNN&PTNT ngày 31/5/2024. Tuy nhiên, do gặp phải một số vướng mắc nên công tác thẩm định, phê duyệt dự án đã chậm 35 ngày so với kế hoạch và làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công việc tiếp theo.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ: Sở NN& PTNT đã cử 4 cán bộ tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đề nghị của UBND huyện Như Xuân và đang tiếp tục phối hợp để triển khai các công việc tiếp theo. Về công tác trồng rừng thay thế: Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng theo quy định. Tính đến ngày 10/7/2024, Sở NN&PTNT đã giải ngân toàn bộ kinh phí trồng rừng thay thế với giá trị là 184.636 triệu đồng, đạt 80,27% kế hoạch vốn được giao năm 2024 (230.000 triệu đồng).

Tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, nhấn mạnh: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình trọng điểm quốc gia. Để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch trước ngày 31/12/2025, các địa phương phải chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều chỉnh, bảo đảm bố trí đủ chỉ tiêu đất thủy lợi theo tổng nhu cầu thực hiện dự án ngay trong tháng 7/2024.

Đối với Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, yêu cầu tỉnh Thanh Hóa chi tiết hóa khu tái định cư, giao Cục Quản lý xây dựng công trình thẩm định, báo cáo Bộ phê duyệt dự án. Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương giao, có thể điều chỉnh cơ cấu kinh phí đã được bố trí nhưng không thay đổi tổng mức.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo và ban hành kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện dự án để bảo đảm tích nước và cam kết hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm 2025. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bố trí nguồn lực, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Bộ NN&PNTN cam kết cấp đủ kinh phí theo tiến độ và nhu cầu của các địa phương để dự án thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Thắng Trần
.
.
.