Cần làm rõ những quy định “gây khó” trong gói thầu nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải

Thứ Hai, 26/12/2022, 11:38

Hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT) của Bộ KH&ĐT, gói thầu CM-XL01 về  “Thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ đoạn từ phao số 0 đến thượng lưu cảng CMIT, số TBMT: IB2200031755-01” thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép, do Ban Quản lý Dự án Hàng hải phát hành.

Tuy nhiên, một số nhà thầu là đơn vị chuyên thi công nạo vét, khi tìm hiểu để tham gia gói thầu nêu trên đã cho rằng, có những dấu hiệu không hợp lý, làm hạn chế nhà thầu. Cụ thể như sau:

Tại mục 2.2 về tiêu chuẩn năng lực kỹ thuật, chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự và thiết bị dẫn tới hạn chế nhà thầu, không đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, dẫn tới thất thoát ngân sách nhà nước.

Về năng lực hợp đồng tương tự

Tại mục “kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự”, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định hợp đồng tương tự cùng loại kết cấu và cấp công trình. Đối với gói thầu này, công trình là loại công trình giao thông (hàng hải) - cấp I. Tuy nhiên, trong E-HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự như sau: “Loại kết cấu: Thi công nạo vét, vận chuyển và nhận chìm chất nạo vét ở biển đối với công trình luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển và vùng biển khác, cấp I trở lên”. Trong mục này, bên mời thầu đã yêu cầu hợp đồng tương tự là hợp đồng có công việc vận chuyển và nhận chìm ở biển dẫn tới hạn chế rất nhiều nhà thầu, trong khi đó việc vận chuyển nhận chìm ở biển chỉ cần thiết bị vận chuyển có đăng ký và đăng kiểm cho loại tàu SB trở lên là hoàn toàn có thể vận chuyển đi nhận chìm ở biển theo quy định.

Về nhân sự chủ chốt

Theo điểm a, mục 2.2, biểu mẫu 1B-E-HSMT, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định đối với nhân sự chủ chốt như sau: “Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt trong E-HSMT cho phù hợp. E-HSMT không được yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông”.

Tuy nhiên trong E-HSMT đã đưa ra rất nhiều vị trí công việc mà pháp luật về xây dựng không có tiêu chuẩn đối với chức danh đó, cụ thể: “Cán bộ quản lý chất lượng”, “cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công nạo vét”, “cán bộ phụ trách khối lượng, thanh toán”, “cán bộ phụ trách an toàn lao động”, “cán bộ quản lý môi trường”, “cán bộ phụ trách đảm bảo an toàn giao thông hàng hải”.

Ngoài ra, đối với chức danh chỉ huy trưởng pháp luật về xây dựng có nêu rõ tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chỉ cần một trong hai điều kiện: “Đã từng chỉ huy công trình tương tự hoặc có chứng chỉ giám sát loại công trình có cấp tương tự với gói thầu đang xét”. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã yêu cầu cả hai điều kiện nêu trên khi bắt buộc vị trí chỉ huy trưởng có chứng chỉ giám sát và đã từng chỉ huy trưởng công trình tương tự.

Vấn đề đặt ra là vì sao Luật đấu thầu ngày càng mở để tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu tham dự trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu thì chủ đầu tư lại đưa ra quy định trên gây khó dễ cho nhà thầu trong công tác chuẩn bị hồ sơ đấu thầu? Lý do ở đây là gì?

Về thiết bị thi công

Theo điểm b, mục 2.2, biểu mẫu 1B-E-HSMT, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT  quy định đối với thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu như sau: “Chỉ quy định về thiết bị thi công chủ yếu đối với các thiết bị đặc chủng, đặc thù bắt buộc phải có để triển khai thi công gói thầu. Thiết bị thi công chủ yếu có thể của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động. Trường hợp thiết bị mà nhà thầu kê khai trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT, bên mời thầu cho phép nhà thầu làm rõ, thay đổi, bổ sung thiết bị để đáp ứng yêu cầu của E-HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 3 ngày làm việc”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, cho phép nhà thầu thuê thiết bị ngoài hoặc có thể là sở hữu để huy động phục vụ gói thầu.

Tại mục 3 tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, bên mời thầu đưa đã đưa mục huy động thiết bị này vào để xét chấm điểm số điểm tối đa là 40 và tối thiểu là 28, trường hợp tổng số điểm cho mục thiết bị này dưới 28 điểm sẽ được đánh giá là không đạt. Trong đó có một số tiêu chí bên mời thầu đưa ra trở thành rào cản loại bỏ nhà thầu, cụ thể như sau:

- Trường hợp nhà thầu tham dự cung cấp đầy đủ: Cung cấp đầy đủ danh mục và chứng chỉ hợp lệ thiết bị dự kiến sử dụng bao gồm đăng ký phương tiện, đăng kiểm hợp lệ và các giấy tờ liên quan ngay từ lúc nộp thầu thì được đánh giá là 2 điểm, tuy nhiên trường hợp nhà thầu cung cấp đầy đủ sau khi được bên mời thầu làm rõ lại được chấm 1 điểm. Nhiều nhà thầu cho rằng, đây là một điều rất phi lý bởi vì không có quy định nào về pháp luật lại trừ điểm nhà thầu khi họ cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu sau khi làm rõ lại bị trừ 1 điểm. Trường hợp này nếu tổng điểm thiết bị nhà thầu đạt 27 điểm coi như bị loại bỏ một cách oan uổng.

Cần làm rõ những quy định “gây khó” trong gói thầu nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải -0
Thi công nạo vét luồng tuyến trên biển. Ảnh minh họa. 

- Đưa vào tiêu chí huy động tàu hút bụng tự hành để đưa ra các mức điểm: Trường hợp nhà thầu huy động được 3 tàu hút bụng tự hành ≥ 3.958CV và 3 tàu hút bụng tự hành < 3.958CV sẽ được chấm 20 điểm; trường hợp nhà thầu không huy động được tàu hút bụng tự hành thì được chấm 10 điểm. Tàu hút bụng tự hành là loại tàu có số lượng rất ít tại Việt Nam và đặc biệt là tàu có công suất  ≥ 3.958CV, bên cạnh đó tàu hút bụng tự hành chỉ phù hợp với công trình nạo vét duy tu loại đất nạo vét là bùn đất phù sa bồi lắng. Đối với công trình nạo vét nâng cấp hạ độ sâu như gói thầu đang xét thì sử dụng tổ hợp thiết bị xáng cạp và xà lan vận chuyển vẫn là hiệu quả nhất. Một số công trình duy tu vẫn sử dụng xáng cạp va xà lan vận chuyển 100% như: Nạo vét duy tu luồng sông Hậu, nạo vét duy tu luồng nhiệt điện...

- Đưa vào tiêu chí yêu cầu nhà thầu phải có thiết bị sở hữu để chấm điểm: Nhà thầu nếu không có thiết bị sở hữu được đánh giá 0 điểm, sở hữu >75% lượng thiết bị huy động được chấm 10 điểm. Trong khi đó theo Thông tư 08/TT-BKHĐT thì nhà thầu huy động thuê bên ngoài hay sở hữu là được xét bình đẳng ngang nhau.

Từ những tiêu chí nêu trên, nếu các nhà thầu tham dự, bố trí phương tiện thiết bị (xáng cạp + xà lan vận chuyển) đáp ứng yêu cầu tiến độ, phù hợp với biện pháp thi công nhưng không có tàu hút bụng tự hành và sở hữu tới 50% thiết bị thì tối đa cũng chỉ đạt được 26 điểm, thấp hơn so với điểm yêu cầu tối thiểu là 28 điểm đối với mục “phương tiện thi công” quy định trong E-HSMT. Do đó, một số nhà thầu đặt vấn đề,  tại sao tổ hợp xáng cạp + xà lan vận chuyển là những thiết bị phù hợp hơn cho việc đào mở rộng luồng so với thiết bị tàu hút bụng tự hành mà bên mời thầu lại đưa ra tiêu chí “đánh rớt” các nhà thầu chỉ sử dụng tổ hợp xáng cạp + xà lan để thi công như trường hợp nêu trên? Họ cho rằng, đây là một tiêu chí sai về mặt kỹ thuật cũng như sai cả về mặt kinh tế khi không kêu gọi được nhiều nhà thầu tham dự. 

Bên mời thầu lồng ghép tiêu chí phải huy động tàu hút bụng tự hành và tiêu chí yêu cầu sở hữu lượng thiết bị trong E-HSMT sẽ dẫn tới loại bỏ các nhà thầu có đủ năng lực tham gia đấu thầu, qua đó làm mất đi tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, gây thất thoát ngân sách rất lớn.

Về quy mô dự án

Theo các nhà thầu, đây là gói thầu nạo vét có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, giá gói thầu được duyệt là hơn 1000 tỷ đồng, với yêu cầu đặt ra như trên dẫn tới khả năng trên cả nước chỉ có một hoặc một vài đơn vị có thể đáp ứng được và có thể tham dự đấu thầu. Vậy vì sao chủ đầu tư không chia gói thầu thành các gói thầu nhỏ hơn để có thể huy động được nhiều nhà thầu tham dự thầu, qua đó tăng tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, qua đó tiết kiệm được ngân sách quốc gia?

Việt Nam chúng ta là đất nước có đường bờ biển kéo dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, qua đó hệ thông giao thông thủy đống vai trò lớn trong hệ thống giao thông. Tuy nhiên, để duy trì mạng lưới giao thông này ổn định hiệu quả, Chính phủ mỗi năm phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện nâng cấp cũng như cải tạo các tuyến luồng này. Chỉ cần chúng ta tiết kiệm được 1-2% trong hoạt động đấu thầu là đã tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.

Do vậy, để đảm bảo khách quan, đúng luật, các cơ quan chức năng cần xem xét các nội dung mời thầu như phản ánh nêu trên của các nhà thầu cũng như rà soát lại các gói thầu do Ban Quản lý dự án Hàng hải làm đại diện chủ đầu tư đứng ra mời thầu.

Nguyễn Thành
.
.
.