Cần làm rõ giá trị các hạng mục công trình xử lý nước thải KCN Quán Ngang

Chủ Nhật, 12/03/2023, 10:05

Báo CAND số phát hành ngày 23/2 vừa qua có bài viết: Người dân “dài cổ” chờ nhà máy xử lý nước thải hoạt động, phản ánh qua 6 năm đầu tư xây dựng nhưng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Quán Ngang vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, khiến người dân vùng bị ảnh hưởng môi trường do KCN trên gây ra càng thêm hoang mang, lo lắng. PV Báo CAND vừa phát hiện thêm nhiều điều “bất thường” liên quan đến nhà máy này.

Năm 2016, Quảng Trị đầu tư xây dựng công trình xử lý nguồn nước thải tập trung tại khu công nghiệp (KCN) Quán Ngang nằm trên địa bàn xã Gio Quang, huyện Gio Linh sau tròn 8 năm KCN này được thành lập. Đáng nói, nguồn kinh phí bỏ ra đến thời điểm hiện tại đã gần 100 tỉ đồng nhưng giá trị các hạng mục được đầu tư không rõ ràng. Và, đã hơn 2 năm cam kết hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chủ đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn.

Cần làm rõ giá trị các hạng mục công trình xử lý nước thải KCN Quán Ngang -0
Sau 6 năm đầu tư nhà máy xử lý nước thải Quán Ngang vẫn chưa hoạt động.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, quyết định đầu tư xây dựng dự án, giai đoạn 1 của công trình có tổng kinh phí 104 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục nhà máy xử lý nước thải tập trung (công suất 3.000m3/ngày đêm, kinh phí gần 70 tỉ đồng); các tuyến ống 4km thu gom nước thải từ các nhà máy sản xuất đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung và tuyến 6km nối từ nhà máy này dẫn nguồn nước thải sau xử lý ra ngã ba các sông Hiếu, Thạch Hãn (kinh phí 26 tỉ đồng).

Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư dự án, thời gian cam kết hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016 – 2020. Đến tháng 10/2017, đơn vị này đã cho thi công hoàn thành hạng mục các tuyến ống, phối hợp liên danh nhà thầu gồm Công ty Cổ phần kỹ thuật Seen (Công ty Seen, trụ sở Hà Nội) và Công ty Cổ phần Thành An (Công ty Thành An, xã Gio Châu, huyện Gio Linh) khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung kể trên. Trong đó, Công ty Seen thi công phần máy móc thiết bị; Công ty Thành An phần bê tông cốt thép.

Đáng chú ý, khi đối chiếu kinh phí trong báo cáo của chủ đầu tư với số kinh phí thanh toán cho các đơn vị này là không trùng khớp và có nhiều điểm mâu thuẫn. Cụ thể, trong báo cáo số 1929/BC-KKT ngày 14/11/2022 của BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị (BC 1929) gửi Sở KH&ĐT tỉnh này về việc thẩm định nội bộ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thì kinh phí cho hạng mục xây dựng là gần 60,368 tỉ đồng, cho máy móc thiết bị hơn 30,713 tỉ đồng.

Song qua trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Bình, đại diện Công ty Thành An khẳng định: Gói thầu bê tông cốt thép do đơn vị ông thi công chỉ có mức kinh phí gần 24 tỉ đồng. Đến nay chủ đầu tư dự án đã nghiệm thu, thanh toán hết cho công ty ông số tiền này. Như vậy, nếu cộng thêm 26 tỉ đồng cho hạng mục các tuyến ống đã thi công hoàn thành trước đó, thì toàn bộ phần xây dựng này là chưa tới 50 tỉ đồng trong tổng số hơn 60 tỉ đồng của gói thầu kể trên.

Nhằm xác minh làm rõ những điều dư luận nghi ngờ, PV Báo CAND có buổi làm việc với ông Trương Khắc Nghi, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị (ông Nghi được ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị phân công làm việc với PV Báo CAND, do thời điểm đầu tư xây dựng dự án, ông Nghi làm Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng thuộc BQL Khu kinh tế này).

Nhưng ông Nghi chỉ thông tin khái quát dự án, trả lời về nguyên nhân chậm trễ đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung vào hoạt động, sau đó giao lại cho ông Nguyễn Đình Thuyết, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh (ông Thuyết vừa làm Giám đốc QBL này 6 tháng) làm việc với PV. Tại buổi làm việc, ông Thuyết cũng chỉ nói sơ bộ về dự án, đưa cho PV một vài tài liệu liên quan và xin trả lời sau với lý do… “bận việc bàn đại hội công đoàn”.

Những ngày sau đó, PV Báo CAND nhiều lần liên hệ thì ông Thuyết mới cung cấp thêm một số tài liệu nhưng vẫn không rõ ràng. Đặc biệt, trong báo cáo một số nội dung về việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án cho biết đến thời điểm hiện tại phía chủ đầu tư đã thanh toán cho gói thầu xây dựng (bê tông cốt thép của Công ty Thành An) là 23,59 tỉ đồng, gói thầu máy móc thiết bị là 34,42 tỉ đồng. Đối chiếu số liệu này với số liệu trong BC 1929 thì chủ đầu tư không chỉ thanh toán hết mà còn thanh toán vượt gần 4 tỉ đồng cho Công ty Seen.

Đáng chú ý, gói thầu máy móc thiết bị có đặc điểm hoàn toàn khác so với gói thầu xây dựng. Cụ thể, công năng của nó có ý nghĩa chỉ khi nó hoạt động được, vì vậy chỉ thanh toán sau khi nó hoạt động, mà không giống như hạng mục xây dựng được nghiệm thu thanh toán theo khối lượng sau thi công. Trường hợp đúng như báo cáo của ông Thuyết cung cấp, thì việc làm của chủ đầu tư đã gây ra sự rủi ro cho Nhà nước.

Nhiều người quan tâm đến câu chuyện này cho rằng, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương không chỉ đôn đốc chủ đầu tư sớm xây dựng hoàn thành đưa nhà máy vào hoạt động, mà cần thiết vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân chậm trễ cũng như những điểm bất thường, mâu thuẫn về kinh phí của các gói thầu nhằm tránh gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Thanh Bình
.
.
.