Bỏ tiền túi mua thuốc: Khi nào người dân được BHYT chi trả?
Thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, chịu rất nhiều thiệt thòi bởi có những loại thuốc, vật tư y tế đắt và rất đắt. Mới đây, theo phản ánh, nhiều người bệnh nằm tại bệnh viện công lập của tỉnh Bình Dương dù có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải tự ra ngoài mua thuốc hoặc vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ.
Vào tháng 10/2023, Bộ Y tế đã có dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT, trong đó đề xuất “người bệnh mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu sẽ được Quỹ BHYT thanh toán”.
Nhưng, thông tư này bao giờ mới được ký ban hành để mang lại công bằng cho người tham gia BHYT?
Đấu thầu thuốc còn khó khăn?
Anh N.Q.T (Hà Nội) được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng, vừa điều trị hoá chất vừa xạ trị, nhưng có lần bệnh viện hết thuốc hoá chất nằm trong danh mục BHYT, anh phải tự bỏ tiền túi ra mua. Tương tự, ông T.V.X (Hà Nội) bị bệnh về mắt phải mổ lần 2. Theo phản ánh của ông X, cả hai lần ông đều phải phẫu thuật ở bệnh viện tư tốn hơn 100 triệu đồng do Bệnh viện Mắt Trung ương không có vật tư. Mới đây, báo chí phản ánh, nhiều người bệnh nằm tại bệnh viện công lập của tỉnh Bình Dương phải chi tiền túi mua thuốc, vật tư y tế dù họ có BHYT.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương mà còn ở các cơ sở y tế công lập. Bình Dương là một trong các tỉnh đấu thầu được thuốc sớm nhất theo thông tư mới.
Việc thiếu một vài thuốc cục bộ có thể xảy ra do các đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu hoặc do đứt chuỗi cung ứng nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc. Thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế chủ yếu xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Bình Dương do hằng năm cơ sở y tế phải tổ chức đấu thầu vật tư, sinh phẩm y tế để sử dụng cho người bệnh, thời gian tổ chức và lựa chọn nhà thầu thường mất khoảng 4-6 tháng. Tuy nhiên, các Thông tư, Nghị định thường xuyên thay đổi và cơ chế đấu thầu mua sắm, sinh phẩm y tế cần thời gian để thực hiện từng bước theo quy định gồm nhiều thủ tục, dẫn đến chậm.
Không chỉ Bình Dương, ở một số cơ sở y tế, người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, khiến quyền lợi của người tham gia BHYT chưa được đảm bảo. Là bệnh viện làm khá tốt công tác đấu thầu, mua sắm vật ty y tế, tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, có những thời điểm đấu thầu tương đối khó khăn. Đối với thuốc, vật tư y tế, bệnh viện sẽ làm gói thầu 1 năm để phục vụ cho hàng nghìn bệnh nhân. Gói thầu có hàng nghìn mặt hàng, bệnh nhân tăng hoặc giảm sẽ tác động đến việc thuốc và vật tư y tế thiếu hoặc thừa.
“Thiếu một số mặt hàng rơi vào thời gian còn khoảng 10 ngày nữa làm gói thầu mới, nhưng gói thầu cũ đã hết hạn. Trước đây là vay mượn ở bệnh viện khác hoặc vay đơn vị cung cấp, khi làm thầu xong thì trả. Nhưng bây giờ không làm được việc đó, đơn vị cung cấp cũng không cho vay, mua trước họ cũng không bán. Nếu bệnh viện có mua thì BHYT cũng không thanh toán. Đây là tình huống mà các bệnh viện hay gặp”, TS Hựu chia sẻ.
Giám đốc Bệnh viện E cũng cho biết thêm, có những thuốc tương đối đắt tiền phục vụ cho hồi sức cấp cứu rơi vào nhóm có độ trễ, bệnh viện buộc phải mua và không được thanh toán BHYT. Điều này gây xung đột giữa bệnh nhân và bác sĩ nếu trong quá trình điều trị bác sĩ giải thích không tốt, không kỹ để có sự đồng thuận thì sẽ gây ra bức xúc, thắc mắc của người bệnh.
Bên cạnh đó, công tác mua sắm thuốc và vật tư y tế phụ thuộc nhiều vào thế giới. Ảnh hưởng của chiến tranh khiến nguồn cung khan hiếm, bệnh viện cũng không thể mua được một số loại thuốc hoặc vật tư y tế từ nguồn cung cấp. Đây là thực tế mà bệnh viện đang phải đối mặt và tìm cách tháo gỡ.
Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu, có 2 nguồn để bệnh viện có thuốc gồm: Đấu thầu tập trung quốc gia (Bộ Y tế đứng ra thầu); đấu thầu địa phương (tỉnh, TP thầu). Khi mặt hàng nào không thuộc 2 nhóm trên thì bệnh viện mới đứng ra thầu. Khi đó, bệnh viện phải chờ công văn để mua thuốc. Trong thời gian chờ như vậy, có thời điểm bệnh viện rơi vào tình trạng không đủ thuốc để cung cấp cho bệnh nhân.
Quyền lợi của người tham gia BHYT phải được đảm bảo
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), trong 6 tháng qua, Bộ Y tế đã ban hành 4 Thông tư nhằm cụ thể hoá Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các bệnh viện thuận lợi cho công tác đấu thầu, mua sắm. Mới đây nhất, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn sở y tế và các bệnh viện trên toàn quốc về mua sắm thuốc, đấu thầu, vật tư, xét nghiệm và thiết bị y tế để đảm bảo đủ thuốc cung ứng.
“Hơn 1 tháng qua, nhiều gói thầu đã trúng thầu thành công và được mở thầu thành công. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa chuyển từ Luật Đấu thầu cũ sang Luật Đấu thầu mới còn một số vấn đề cần làm rõ và nghiên cứu thêm, các đơn vị cần có thời gian nghiên cứu để triển khai. Đến nay, về cơ bản có đủ thuốc, thiết bị y tế và các gói thầu vẫn đang triển khai”, bà Trang cho biết.
Vậy, việc trước mắt, người bệnh BHYT phải chi tiền túi mua thuốc thì giải quyết ra sao? Theo bà Trần Thị Trang, từ tháng 10/2023, Vụ BHYT đã bắt đầu khởi động xây dựng Thông tư hướng dẫn theo quy định Điều 31 của Luật BHYT để có cơ chế pháp lý thêm vào trong trường hợp vì điều kiện bất khả kháng và khách quan mà người bệnh đi khám tại cơ sở y tế nhưng cơ sở y tế không có thuốc thì được quỹ BHXH chi trả.
“Ví dụ, thuốc hiếm hoặc thuốc có giá rất rẻ mà ít đơn vị cung cấp, bệnh viện không đấu thầu được và đấu thầu không thành công, đó là lý do khách quan thì mới dùng giải pháp này thanh toán trực tiếp cho người bệnh. Còn thiếu thuốc do nguyên nhân chủ quan, bệnh viện không thực hiện mua sắm đúng quy định thì không được thanh toán”, bà Trang nói.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, đến nay đơn vị đã xây dựng Thông tư, lấy ý kiến các đơn vị của 63 tỉnh, TP và đã khảo sát báo cáo tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. Hiện, 63 sở y tế đã báo cáo và nói cho đến nay cơ bản đủ thuốc, chỉ một số trường hợp do mở thầu chưa thành công. “Tới đây, chúng tôi sẽ trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế xem xét về Thông tư này. Hiện, Vụ Pháp chế đang thẩm định và chúng tôi đang triển khai nghiên cứu, rà soát để báo cáo đồng chí Bộ trưởng”, bà Trang nhấn mạnh.
Trước phản ánh về việc người bệnh BHYT ở Bình Dương phải chi tiền túi mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Y tế kiểm tra, nắm tình hình, có các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập các địa phương, bảo đảm cung ứng đầy đủ cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1/7.