Biến “công viên vàng” thành điểm kinh doanh ăn uống

Thứ Bảy, 10/09/2022, 08:40

Khi Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND tỉnh này đề xuất thu hồi ốc đảo Bích Câu trên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt (đối diện Vườn hoa Đà Lạt) thì sự việc mới vỡ lẽ. Lâu nay, người dân TP Đà Lạt và du khách vẫn lầm tưởng ốc đảo Bích Câu được cấp có thẩm quyền cho tổ chức hoặc cá nhân nào đó thuê để kinh doanh ăn uống, phải đóng tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước. Hóa ra không phải vậy.

Khu vực ốc đảo Bích Câu được quy hoạch là đất cảnh quan công viên và cây xanh nhưng đã bị đem ra sử dụng trái mục đích.

Theo Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng, tháng 8/2007, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng được cấp có thẩm quyền giao quản lý khai thác khu vực ốc đảo hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, bao gồm khu vực Vườn hoa Bích Câu cũ, đoạn từ hai cầu trở vào theo hình thức giao mặt bằng trong thời hạn 10 năm. Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm đầu tư vườn hoa, trồng cây xanh, tạo thành công viên mở kết hợp trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm sinh vật cảnh, trưng bày nghệ thuật.

thu-hoi-1.jpg -0
Ốc đảo Bích Câu bị biến thành địa điểm kinh doanh ăn uống.

Tháng 8/2017, sau 10 năm Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng quản lý sử dụng địa điểm này, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cho phép đơn vị này quản lý có thời hạn ốc đảo Bích Câu nhưng không quá 5 năm. Cùng với đó, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng phải lập thủ tục thuê đất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước (tiền thuê đất, thuế, phí…).

Ngày 3/9/2019, trong Văn bản 5559/UBND-ĐC, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chấp thuận việc để Hội Sinh vật cảnh tạm thời quản lý, sử dụng ốc đảo Bích Câu. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Hội Sinh vật cảnh quản lý, sử dụng diện tích đất tại ốc đảo Bích Câu theo đúng quy định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính có liên quan đến việc sử dụng đất, đồng thời bàn giao lại cho UBND TP Đà Lạt quản lý sau khi hết thời hạn (ngày 9/8/2022).

Điều đáng nói, khu vực ốc đảo Bích Câu được cấp có thẩm quyền quy hoạch là đất công viên cảnh quan, cây xanh. Trách nhiệm của Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng là đầu tư vườn hoa, trồng cây xanh, tạo thành công viên mở kết hợp trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm sinh vật cảnh, trưng bày nghệ thuật. Tuy nhiên, khoảng 10 năm qua, khu vực ốc đảo Bích Câu đã bị biến thành địa điểm kinh doanh ăn uống.

Tại đây đã được xây dựng một số căn nhà bằng gỗ cùng các khu vệ sinh, mái che mưa nắng. Một trong hai cây cầu dẫn vào ốc đảo này cũng đã bị rào lại. Vì có vị trí đắc địa, phong cảnh đẹp, được bao quanh là hồ Xuân Hương, hằng ngày địa điểm kinh doanh trên luôn thu hút được đông đảo thực khách. Có thời điểm còn tổ chức cả tiệc cưới. Vì ngỡ đây là địa điểm kinh doanh chứ không phải là công viên mở, người dân địa phương và du khách chẳng mấy ai dám bước vào ốc đảo này nếu không có nhu cầu về ăn uống.

Đặc biệt, dù được tạm giao khu vực ốc đảo Bích Câu từ năm 2007 và đã quá cả thời hạn cho thuê đất nhưng Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng đến nay vẫn chưa lập thủ tục thuê đất. Hiện UBND TP Đà Lạt đang phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai, tổ chức thực hiện nghĩa vụ tài chính với các trường hợp cho thuê hoa lợi công sản khác theo giá thị trường.

Khắc Lịch
.
.
.