Bệnh nhân chịu thiệt vì ngành y tế Phú Yên chậm trễ đấu thầu thuốc

Thứ Hai, 21/03/2022, 15:01

Do chậm trễ trong việc đấu thầu thuốc nên hơn một tháng qua người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đến các cơ sở y tế ở Phú Yên khám bệnh, nhưng không được cấp một số thuốc trước đó họ vẫn được nhận bình thường.

Làm việc với PV Báo CAND sáng 21/3, bà Lê Thị Anh Xuân – Trưởng phòng Giám định BHYT của BHXH tỉnh Phú Yên cho biết, thường thì đến tháng 11 là hoàn tất việc đấu thầu thuốc cho đợt mới, nhưng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho việc đấu thầu thuốc giai đoạn 2022-2023 chậm trễ, trong khi nguồn thuốc chữa bệnh của đợt đấu thầu trước đó gần như đã cạn, nên không đủ thuốc để cấp cho bệnh nhân có BHYT đến khám và điều trị ngoại trú.

Bệnh nhân chịu thiệt vì ngành y tế chậm trễ đấu thầu thuốc -0
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên - cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất ở Phú Yên.

Theo BHXH tỉnh Phú Yên, tháng 1/2022 đã thanh toán hơn 30,8 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 95.056 lượt người, so với cùng kỳ năm trước giảm 38,9% số người và 32% số tiền. Trong đó có hơn 12,4 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú cho 89.614 lượt người, so với cùng kỳ năm trước giảm 38,8% số người và 12,3% số tiền. Tháng 2/2022 đã thanh toán hơn 30 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 86.364 lượt người, so với cùng kỳ năm trước giảm 25,8% số người và 21,5% số tiền. Trong đó có hơn 10,8 tỷ đồng khám, chữa bệnh ngoại trú, so với cùng kỳ năm trước, giảm 26,5% số người, 31,7% số tiền.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ đấu thầu và thiếu nguồn thuốc cho bệnh nhân BHYT, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – chủ đầu tư đấu thầu thuốc y tế cho biết, nhân lực bệnh viện thiếu nhưng phải đảm nhiệm nhiều phần việc từ điều trị bệnh nhân nội trú, khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, vừa tập trung các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh nhân COVID-19, trong khi yêu cầu đấu thầu thuốc y tế phải được thực hiện trực tiếp, không đấu thầu qua mạng. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên trước đó nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính tiểu đường, huyết áp được cấp thuốc điều trị ngoại trú trong thời gian 2-3 tháng, nên nguồn thuốc dữ trữ thiếu hụt không đủ cấp cho bệnh nhân đến khám vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022.

Ông Trịnh Văn N, trú ở thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành, huyện Tây Hòa chia sẻ, tôi nhập viện khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên ngày 5/3. Mặc dù có thẻ BHYT những suốt 11 ngày điều trị, bệnh viện không có thuốc nên bác sĩ kê đơn cho tôi ra hiệu thuốc để mua vào viện điều trị.

PV đã liên lạc qua điện thoại với bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên đặt câu hỏi về việc nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT bức xúc khi bệnh viện thiếu thuốc chữa bệnh chỉ vì chậm trễ đấu thầu thuốc, lãnh đạo ngành y tế địa phương đã có động thái nào đối với bệnh nhân khám – chữa bệnh BHYT phải chịu thiệt thòi do thiếu thuốc? Tuy nhiên bà Ngọc không trả lời câu hỏi này mà đề nghị PV liên hệ Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Hữu.

Không ít người dân cho rằng việc chậm trễ đấu thầu thuốc ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của bệnh nhân có BHYT thuộc về trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Phú Yên nhưng rất tiếc là lãnh đạo ngành y tế tỉnh này không có động thái công khai xin lỗi người dân.

Được biết ngày 12/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đã chủ trì tổ chức đấu thầu thuốc y tế đã có kết quả và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trúng thầu để nhập thuốc về phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh.

Hữu Toàn
.
.
.