Hoạt động từ thiện – căn chỉnh đạo đức và pháp lý

Bài cuối: Chống quan điểm sai trái, hoàn thiện pháp lý

Thứ Tư, 29/12/2021, 08:24

Khi hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đã có những quan điểm sai lệch phát biểu trên báo chí và mạng xã hội, ca ngợi thái quá. Ngược lại, coi nhẹ, thậm chí phủ nhận công tác từ thiện, an sinh xã hội, cứu trợ giúp dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng điều này tìm cách xuyên tạc, miệt thị chế độ, biến từ thiện thành “ngòi nổ” chống phá.

Biến vấn đề từ thiện thành “ngòi nổ” chống phá chế độ

Trước những ồn ào về từ thiện, đã có ý kiến phát biểu trên mạng xã hội rằng “chỉ nghệ sĩ mới làm tốt từ thiện”, “không có nghệ sĩ thì bà con vùng lũ chết đói”, “chỉ nghệ sĩ mới đem lại niềm tin từ thiện trong dân chúng”… Đáng nói, phát ngôn này lại do chính một số cá nhân nghệ sĩ có ảnh hưởng trong xã hội đưa lên hoặc tán phát, chia sẻ, cổ xúy trên trang mạng cá nhân, từ đó tạo hiệu ứng lan truyền chóng mặt. Các thế lực thù địch, phản động nhân cơ hội này “té nước theo mưa”, xuyên tạc công tác từ thiện, an sinh xã hội, tán dương vai trò, hiệu quả việc nghệ sĩ làm từ thiện lên “mây xanh”.

Bằng việc cóp nhặt một số vụ việc tiêu cực trong công tác cấp phát tiền từ thiện trước đây, các đối tượng tung ra các bài viết miệt thị Đảng, Nhà nước, cho rằng bộ máy chính trị ở Việt Nam “tham nhũng tràn lan”, quan chức tìm cách ăn chặn từ thiện, tấm lòng thiện nguyện của dân, vì thế người dân đã “hoàn toàn mất niềm tin”. Một số bài viết còn phủ nhận vai trò của các lực lượng Công an, Quân đội giúp dân phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, phủ nhận nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận. Khi trả lời phỏng vấn, có đối tượng còn xuyên tạc việc Công an, Quân đội giúp dân chằng chống nhà cửa, di dân chạy bão “chỉ là làm màu”!

Đáng nói, trước luận điệu sai trái, xuyên tạc nêu trên, một số người do nhận thức hoặc với động cơ khác nhau đã chia sẻ lên trang mạng cá nhân, có lời lẽ bình luận mang tính cổ xúy, kích động. 

Chúng ta thấy rằng, việc cá nhân, tổ chức tham gia làm từ thiện là rất đáng hoan nghênh, nhất là với vai trò của nghệ sĩ nổi tiếng, có khả năng quy tụ, thu hút sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên, phải đánh giá đúng tính chất, mức độ, đúng khả năng, vai trò chứ không vì một vài hiện tượng nổi lên trong dư luận mà thổi phồng, khuếch trương và hạ thấp vị trí, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận. Cần thận trọng, tỉnh táo không mắc mưu kẻ xấu lợi dụng vấn đề này để lập lờ đánh lận, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Thực tế, xã hội từ thiện là một trong những mảng quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, thể hiện tính nhân văn, nhân ái của dân tộc. Khi thiên tai, dịch bệnh, hoạn nạn xảy ra, không ai có thể thay thế các cấp ủy đảng, chính quyền tại địa bàn; không ai có thể thay thế lực lượng Công an, Quân đội, dân quân… giúp dân phòng ngừa và khắc phục hậu quả.

Hình ảnh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội dầm mình trong mưa bão, lũ lụt sơ tán dân, cứu dân vượt qua hoạn nạn, đối mặt với hiểm nguy, thách thức trong bão lụt cũng như trong cuộc chiến chống COVID-19 là những minh chứng sống động, khẳng định mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Cứu trợ đồng bào trong thiên tai, dịch bệnh, đó vừa là nhiệm vụ, vừa là tình cảm thiêng liêng của lực lượng vũ trang với nhân dân. 

Để giúp đồng bào vượt qua gian khó, việc quyên góp, ủng hộ tiền, vật chất của tổ chức, cá nhân là góp phần quan trọng chứ không phải mang tính quyết định. Hàng năm, Nhà nước đều dành khoản kinh phí lớn cùng việc xuất hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm để cứu trợ đồng bào vượt qua khó khăn và không ai khác ngoài hệ thống chính trị ở địa bàn nắm rõ đời sống từng khu vực, từng hộ dân để phân bổ, cứu trợ.

Theo báo cáo của 63 Sở LĐTB&XH, tính đến hết ngày 15/11/2021, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 27,29 nghìn tỷ đồng; 27,63 triệu lượt đối tượng đã được hỗ trợ (gồm 377.328 lượt đơn vị sử dụng lao động, 27,25 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Riêng TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 11,11 triệu lượt đối tượng với số tiền 11,92 nghìn tỷ đồng. Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện là 21,11 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 15,64 triệu đối tượng…

Như vậy, việc hỗ trợ, cứu trợ người dân trong thiên tai, dịch bệnh, vai trò của Nhà nước là trọng yếu và các gói này thông qua chính quyền cơ sở để được đảm bảo tính bao phủ, đúng đối tượng. Những gói cứu trợ đó bằng hoạt động thường ngày chứ không phải bằng các clip, mạng để tung hô. Do vậy, việc lợi dụng hình ảnh của cá nhân, của nghệ sĩ nổi tiếng để tán dương “lên mây” và hạ thấp, thậm chí phủ định vị trí, vai trò của các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang là cách nhìn hết sức sai lệch, thiển cận, cần phải tỉnh táo nhận diện để không mắc mưu kẻ xấu. 

tu-thien.jpg -0
Hoạt động thiện nguyện của cá nhân chính thức được điều chỉnh theo Nghị định 93 của Chính phủ.

Cá nhân làm từ thiện – cho phép và quản lý

Suốt thời gian dài, rất nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn bàn luận xung quanh câu hỏi “cá nhân có được làm từ thiện không”? Theo quy định của Nghị định 64 năm 2008thì chỉ có các quỹ tín dụng, quỹ từ thiện, Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ mới được phép kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phát hàng, quà từ thiện cho đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Ngoài các tổ chức này thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép thực hiện hoạt động kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện với bất cứ hình thức nào.

Tuy nhiên, pháp lý là như vậy nhưng trên thực tế, cá nhân vẫn làm từ thiện khá phổ biến và hoạt động từ thiện đó còn diễn ra sôi nổi trên mạng xã hội. Không chỉ là việc huy động từ thiện nhỏ lẻ, trong phạm vi hẹp, sự việc đẩy lên cao trào khi những lùm xùm liên quan một số nghệ sĩ với số tiền huy động lên tới hàng trăm tỉ đồng.  

Rõ ràng, muốn hay không muốn, hoạt động từ thiện của các cá nhân trong cộng đồng xã hội là một nhu cầu tự nhiên. Khi cơ quan quản lý Nhà nước không đưa phạm vi quản lý này vào các văn bản quy phạm pháp luật thì hiện thực đó vẫn diễn tiến sôi động và tạo ra sự lộn xộn, không có hành lang pháp lý điều chỉnh. Trước thực trạng đó, ngày 27/10/2021, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này thay thế Nghị định 64 năm 2008, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2021.

Nghị định 93 là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền, hàng từ thiện. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân bảo đảm hoạt động kêu gọi từ thiện được diễn ra kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, góp phần ngăn chặn hành vi trục lợi trong hoạt động từ thiện. 

Đặc biệt, để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định đã quy định cụ thể những điểm mới đáng chú ý:

Thứ nhất, khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này. Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Thứ hai, cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Thứ ba, cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên; cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó. Nếu số tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Thứ tư, cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Thứ năm, để đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày. Các nội dung công khai gồm: văn bản vận động cứu trợ; kết quả tiếp nhận (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận); kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Kết nối tấm chăn sưởi đắp…

Nghị định 93 được ban hành sẽ chấn chỉnh tình trạng hoạt động từ thiện tự phát, thiếu quản lý và ngăn ngừa nguy cơ tiêu cực, lợi dụng vận động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc “rút ruột”, bớt xén. Nghị định này cũng tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện được đóng góp sức mình, tránh được những tai tiếng không đáng có.  

Hành lang pháp lý tuy điều chỉnh muộn nhưng hết sức cần thiết để không lạc hậu, “đi ngoài” cuộc sống. Vấn đề tiếp theo là việc thực hiện, áp dụng những quy định mới để điều chỉnh những bất cập lâu nay, để hoạt động từ thiện được phát huy đúng nghĩa. Ở đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh triền miên, từ thiện là nhân nghĩa, là truyền thống thì từ thiện phải được khơi dậy từ mọi nguồn lực, mọi đối tượng trong xã hội. Và điều quan trọng nhất trong từ thiện, đó là làm sao “của cho” được đến đúng địa chỉ và được trọn vẹn, kịp thời. Nếu không ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực, bớt xén, biển thủ, lừa đảo trong hoạt động từ thiện thì lòng tin bị mai một, thậm chí bị mất đi, đó là điều rất nguy hiểm.  

Thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi mong muốn đóng góp thêm một góc nhìn, một thông điệp để có thể nhìn nhận hoạt động từ thiện một cách đầy đủ hơn; mong muốn “khơi thông” những điểm nghẽn, để mạch nguồn nhân nghĩa của con người Việt Nam được nhân lên, như những khâu chỉ kết nối tấm chăn sưởi đắp những mảnh đời giá lạnh…

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Tạo môi trường từ thiện minh bạch, rõ ràng

“Nghị định số 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực sẽ đưa hoạt động từ thiện vào khuôn khổ, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dân, góp phần hỗ trợ hoạt động thiện nguyện một cách hiệu quả, ý nghĩa, đúng luật thông qua các quy định cụ thể như: cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Những quy định mới này hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn tạo môi trường từ thiện minh bạch, rõ ràng, dựa trên các quy định của pháp luật, góp phần để công tác này đi vào nề nếp, hiệu quả, thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động từ thiện, cứu trợ…”.

Đăng Trường
.
.
.