Hoạt động từ thiện - căn chỉnh đạo đức và pháp lý

Bài 4: Từ thiện phải từ tâm

Thứ Ba, 28/12/2021, 08:40

Người làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm. Dù họ là ai, xuất phát ở vị trí nào, nhưng nếu có tấm lòng đều có thể cống hiến cho việc làm từ thiện. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người đều có cách làm từ thiện riêng để san sẻ cùng cộng đồng, mang hơi ấm của tình thương đến với những người gặp khó khăn trong xã hội. Bởi cho đi là nhận lại, với yêu thương đong đầy...

Hạnh phúc là được đem niềm vui đến với người nghèo

Có lẽ nhiều người dân Hà Nội đã quá quen thuộc với nhóm từ thiện “Mùa thu và những người bạn”. Mọi người còn trìu mến gọi họ là “nhóm cháo” hoặc “nhà cháo”, bởi từ nhiều năm nay, cứ thứ 3, 5, 7, các bạn trong nhóm lại nấu cháo phát cho người lao động nghèo và các bệnh nhân khó khăn ở 7 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Nhóm từ thiện “Mùa thu và những người bạn” đến nay đã có gần 200 thành viên. Họ đều xuất phát từ những người có thu nhập xã hội trung bình, thậm chí có bạn bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cảm động trước sư lan tỏa yêu thương của nhóm từ thiện, các thành viên đã tự nguyện xin tham gia, mỗi người một chân, một tay góp vào những nồi cháo yêu thương. Thành Thu Lương, thủ lĩnh của nhóm “Mùa thu và những người bạn”, vốn là một cán bộ của Tạp chí Nhân đạo.

Người phụ nữ giàu lòng nhân hậu ấy đã từng phải vay nợ ngân hàng 500 triệu đồng chỉ vì không thể cầm lòng trước cảnh các cháu học sinh vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang) nằm trên những tấm gỗ ghép lại thành giường, mái nhà thì dột nát được căng tạm bằng bạt: “Gọi là trường nhưng chẳng khác gì chuồng gà, chuồng ngựa”. Chị đã vay nợ ngân hàng gần 500 triệu đồng để xây thêm một điểm trường cho các em học sinh vùng cao. Dù khoác lên mình món nợ không hề nhỏ so với đồng lương công chức nhưng chị Lương vẫn rất vui khi thấy các con đã không phải sống và học tập ở môi trường tạm bợ. “Đó là mệnh lệnh từ trái tim” - chị Lương chia sẻ.

1.jpg -0
Đại diện đơn vị chức năng Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực và huyện Nậm Pồ bàn giao nhà tặng hộ nghèo tại bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Các thành viên trong nhóm “Mùa thu và những người bạn” đa phần đều là những người có thu nhập kinh tế trung bình, thậm chí ở mức khó khăn. Tuy nhiên, họ đã quy tụ với nhau bởi cái tâm thiện, có những người đã từng được nhóm giúp đỡ sau đó xin gia nhập nhóm để trả ơn cuộc đời và tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương. Để có tiền duy trì nồi cháo và các hoạt động thiện nguyện khác như xây trường cho trẻ vùng cao, giúp kinh phí chữa bệnh cho các hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho bà con vùng dịch..., các thành viên trong nhóm đã bán hàng online, bán tất cả các loại thực phẩm sạch từ các vùng quê, làm các sản phẩm từ lá bồ đề... để có lợi nhuận đưa vào quỹ làm từ thiện cho người nghèo. Khi có hàng về, các thành viên của nhóm tất bật, nỗ lực, người cân, người xếp túi, thậm chí họ làm shipper luôn để tiết kiệm tiền cho việc làm từ thiện. Mọi sự thu, chi từ thiện trong nhóm đều được chị Lương đưa rất rạch ròi trên trang Facebook cá nhân của mình.

“Mỗi người có một hạnh phúc riêng. Hạnh phúc của chị là làm cho người khác vui” - tâm sự từ trái tim nhân hậu của “thủ lĩnh” nhóm từ thiện “Mùa thu và những người bạn” chính là kim chỉ nam hoạt động của cả 200 thành viên. Họ làm từ thiện với mục đích rất giản đơn như vậy, từ chính sự thôi thúc của trái tim họ, để thấy rằng, cuộc sống vẫn rất nhiều yêu thương lan tỏa...

Của cho không bằng cách cho

Là người rất tích cực và có tâm với hoạt động xã hội từ thiện, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng, cho rằng: "Của cho không bằng cách cho" là câu ngạn ngữ rất hay. Thuở nhỏ, ông đã học được điều này từ cha mẹ. Rằng chính cách thể hiện sự chia sẻ giữa người với người mới là điều quan trọng nhất chứ, vì qua cách thể hiện sẽ giúp người nhận hiểu được tấm lòng của “người cho”, để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. "Cách cho" nhiều khi còn đáng quý hơn "của cho" nếu cho không đúng cách.

Bài 4: Từ thiện phải từ tâm -0
Ông Nguyễn Văn Hùng (bìa trái) thăm, tặng quà một hộ dân tại bản Pha Đón (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La; năm 2020).

Những năm qua, Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng thường dành kinh phí 40-50 tỷ đồng/năm để ủng hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Ninh và Sơn La - những nơi tập đoàn đặt cơ sở kinh doanh. Ông Hùng đã cùng cán bộ, nhân viên tập đoàn thường trực tiếp tổ chức các đoàn thăm, tặng quà thương, bệnh binh, người tàn tật, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn. Ngoài ra, ông dành khoản tiền lớn ủng hộ Câu lạc bộ hưu trí của ngành Công an - nơi ông từng cống hiến và trưởng thành; ủng hộ nạn nhân chất độc  da cam, người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; giúp các đơn vị tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao để thêm động lực, niềm vui, sống lâu, sống tốt, tiếp tục giúp ích cho xã hội...

"Hiện nay, một số người lợi dụng việc mình có tiền để muốn trao cho mọi người theo kiểu nào cũng được, hoặc khoán tiền cho đơn vị, tổ chức nào đó đi làm từ thiện. Còn tôi luôn suy nghĩ, số tiền này mình sẽ gửi cho ai, làm việc gì và cách làm như thế nào. Tôi chọn đến với mọi người bằng tình cảm, sự trân trọng và theo cách thoải mái nhất, không làm phiền hay gây ảnh hưởng đến đối tượng được trao", Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Hai năm qua, Tập đoàn Phượng Hoàng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 và phải rất vất vả chống chọi, quyết tâm gìn giữ và phát huy thương hiệu của mình. Tuy nhiên, như ông nói vui, do "trời thương" nên bù lại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện cho Tập đoàn được đón khách du lịch thực hiện cách ly an toàn và việc này đã giúp Tập đoàn bù những khoản lỗ khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, trong đại dịch, Tập đoàn vẫn dành mỗi năm 10-15 tỷ đồng để giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. "Dù trong điều kiện nào tôi vẫn dành kinh phí của Tập đoàn và cả tiền túi của mình để sẻ chia khó khăn với cộng đồng. Năm 2021, chúng tôi đã đến thăm, tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), ủng hộ bà con các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Mộc Châu (Sơn La)…", ông bày tỏ.

Ấm áp gần 7.000 căn nhà xây cho người nghèo

Cùng với các bộ, ngành khác, Bộ Công an luôn coi trọng hoạt động xã hội từ thiện, hướng về đồng bào nghèo, đồng bào vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa. Hưởng ứng Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và tiếp tục củng cố phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã có chủ trương kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, nhà ở bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp huy động được trên 500 tỷ đồng nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng, sữa chữa gần 7.000 căn nhà cho đồng bào và nhà bán trú cho học sinh tại Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa…

Trong đó, chỉ tính riêng tại tỉnh Điện Biên, Bộ Công an đã huy động kinh phí xây dựng, sửa chữa gần 1.800 căn nhà trên địa bàn các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ. Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện rẻo cao, nghèo khó bậc nhất dải đất hình chữ S - Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao tặng 55 tỷ đồng cho địa phương để sửa chữa, làm mới 1.100 căn nhà cho bà con thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng tạm bợ, rách nát. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn, giúp bà con nghèo an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống; được tổ chức chuyên nghiệp, lựa chọn đúng đối tượng thông qua sự trao đổi với chính quyền địa phương nên mang lại hiệu quả cao; đồng thời có tác dụng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng khi ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chung tay đồng hành cùng Bộ Công an thực hiện "chiến dịch" này.

Có thể nói, chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo và nhà ở bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn về kinh tế - xã hội, phức tạp về ANTT của Bộ Công an thời gian qua đã góp phần tích cực ổn định đời sống cho đồng bào, tạo chỗ ở ổn định để họ yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an...

Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, ngời sáng hình ảnh CBCS Công an giúp dân, chia sẻ khó khăn với người dân trong lúc nguy nan. Tại TP Hồ Chí Minh, từ chương trình "Hạt gạo nghĩa tình" đã có gần 2.500 tấn gạo nặng tình yêu thương và hàng triệu phần quà tổng trị giá hơn 400 tỷ đồng đến với bà con gặp khó khăn do COVID-19. Mô hình "Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi vì COVID-19" do Đoàn Thanh niên Công an TP Cần Thơ tổ chức đã kịp thời hỗ trợ hàng chục em nhỏ bị mất cha mẹ do đại dịch. Lực lượng Công an Đà Nẵng trực tiếp hỗ trợ, vận hành trên 30 container cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân trong giai đoạn khó khăn nhất. Hơn 3.000 đơn vị máu được CBCS Công an TP Hà Nội hiến tặng trong Hành trình "Giọt máu nghĩa tình - Chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19". Rồi hình ảnh lực lượng Công an các tỉnh, thành hỗ trợ hành trình hồi hương cho hơn 1,3 triệu lao động trong đợt dịch thứ tư...

Đang vào mùa đông giá lạnh, rét buốt của miền rẻo cao càng tê tái hơn. Song trong những ngôi nhà vừa được Bộ Công an phối hợp các cơ quan, đơn vị ủng hộ xây mới, sửa chữa; hay trong những ngôi trường, mái ấm tình thương được xây lên bởi tấm lòng của các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện, những bàn tay đã ấm dần hơn, những đôi môi đã không còn run rẩy vì gió lạnh. Tất cả đã viết nên một hành trình đẹp, ấm áp yêu thương. Chắc chắn, từ thiện từ tâm sẽ chạm đến trái tim của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, và cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương...

(Còn nữa)

Thu Hòa - Quỳnh Vinh
.
.
.