Bài 1: Ô nhiễm nặng và “cái chết” của sông Ngũ Huyện Khê Làng giấy trăm năm
Chúng tôi về Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh những ngày đầu tháng 10. Nắng vàng hanh hao trên những con đường làng làm giấy lâu đời ở miền Bắc. Khói, bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối… đã giảm khá nhiều so với những năm trước đây. Con sông Ngũ Huyện Khê vừa qua mùa lũ đỡ đục ngầu như trước, nước thải từ cống xả cũng không còn đen sì hay đỏ lựng, xanh đen nhiều màu. Sự quyết liệt của lực lượng chức năng đã bước đầu giúp nơi đây có diện mạo mới, phong quang, sạch sẽ hơn.
Không ai biết, nghề làm giấy ở Phong Khê bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng, nghề giấy ở đây đã có hàng trăm năm, trước đây phương pháp sản xuất thủ công (ngâm nước vôi, nấu, giã và seo giấy...) với hàng chục công đoạn khác nhau, chủ yếu sản xuất giấy dó in tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, nghề làm giấy dó vất vả, thu nhập thấp nên hiện còn rất ít gia đình làm loại giấy này. Từ làm giấy truyền thống cổ xưa, những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi hình thức sản xuất sang công nghiệp, nhiều cơ sở, doanh nghiệp ra đời đầu tư máy móc, dậy chuyền thiết bị sản xuất nhiều loại giấy khác nhau như: giấy Kraft, giấy vệ sinh, giấy vàng mã... Nguyên liệu sản xuất chính là giấy vụn, giấy lề, giấy phế liệu...
Theo rà soát của UBND TP Bắc Ninh, trên địa bàn phường Phong Khê có 324 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, sản xuất trên đất vi phạm. Ngành công nghiệp giấy tại Phong Khê cơ bản giải quyết việc làm thu nhập ổn định cho khoảng hơn 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Ngoài lao động trong tỉnh, lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 55%, đa số từ các tỉnh miền núi, trình độ nhận thức hạn chế, trình độ lạc hậu, làm các công việc lao động phổ thông.
Các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng lao động tự do và phần lớn không được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm theo quy định. Đa số các cơ sở sản xuất giấy đều sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước (chủ yếu sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc), dẫn đến hiệu quả, năng suất sản xuất thấp và gây ô nhiễm môi trường (môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn...). Trong đó, một số nhà máy tự mua riêng lẻ phụ kiện, linh kiện sau đó thuê thợ gia công lại và lắp ráp (tự đóng khung máy thủ công, nồi hơi, băng chuyền, quả lu...) và một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ mới, hiện đại, tuy nhiên hệ thống xử lý nước thải, khí thải... chưa đồng bộ. Sản lượng giấy trung bình đạt trên 400.000 tấn/năm và có xu hướng tăng hằng năm.
Ô nhiễm tăng, thuế nộp ngân sách giảm
Dù sản lượng giấy trung bình hằng năm tăng lên, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vô cùng nghiêm trọng. Dọc theo những con đường, ngõ xóm quanh làng nghề, đâu đâu cũng thấy các cống, rãnh mang dòng nước có màu sắc vàng óng hoặc đen ngòm chảy ra, bốc mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, nước thải chảy qua cống thoát nước mưa, đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê khiến con sông vốn đã ô nhiễm nhiều năm, nay càng thêm nghiêm trọng. Nước sông Ngũ Huyện Khê lại đổ thẳng ra sông Cầu (TP Bắc Ninh) khiến hàng nghìn người dân sống 2 ven bờ sông khốn khổ.
Theo đánh giá của UBND TP Bắc Ninh, nước thải và khí thải trong hoạt động sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực, sông Ngũ Huyện Khê (đoạn qua TP Bắc Ninh) ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu về sức khỏe của người dân, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường từ nhiều năm. Khối lượng rác thải từ sản xuất (rác lề thủy lực, bùn thải, đinh ghim, tạp chất...) còn tồn đọng với khối lượng lớn chưa được xử lý.
Khi trời mưa lớn, nước đen ngòm từ các cống rãnh tràn lên đường cộng với mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất giấy bốc ra khiến không khí ngột ngạt. Lúc cao điểm, cả phường có tới gần 300 nồi hơi hoạt động để phục vụ sản xuất giấy với công nghệ cũ kỹ, lạc hậu gây ô nhiễm nặng nề. Theo rà soát, tổng số trạm biến áp trên địa bàn phường Phong Khê là 109 trạm, phần lớn các trạm biến áp và cột truyền tải điện đến các cơ sở sản xuất đều được lắp đặt tại các vị trí chưa đúng theo quy hoạch, quy định, chủ yếu nằm trên hành lang giao thông, đất công trình thủy lợi, đất nông nghiệp...
Tại 2 cụm công nghiệp, một số cơ sở lấn chiếm hành lang giao thông, hành lang cây xanh để hoạt động sản xuất. Cụ thể, có tới 237/324 cơ sở vi phạm pháp luật về đất đai. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường..., một số cơ sở đã có ý thức xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, tuy nhiên không vận hành thường xuyên và các công trình xử lý môi trường chưa đảm bảo quy chuẩn theo quy định. Có tới 266/324 cơ sở không có giấy phép xây dựng; chỉ có 19/324 cơ sở có thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 135/324 cơ sở có hồ sơ quản lý phòng cháy, chữa cháy… Nói chung, hầu hết các cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê đều có vi phạm về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, đất sản xuất, xả thải…
Bà Hoàng Thị Minh ở TP Bắc Ninh cho biết, bà năm nay 80 tuổi, sông Ngũ Huyện Khê là cả tuổi thơ, ký ức của, là dòng sông phục vụ nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân sống hai ven bờ. “Lúc chúng tôi còn bé, thường tắm sông, nước trong xanh, các gia đình còn gánh nước về ăn, giặt giũ quần áo. Mới mấy chục năm thôi mà sông chỉ còn trong ký ức, cỏ cũng không còn mọc được nữa. Nước lúc thì đen sì, lúc đỏ lòm, lúc nâu đặc, mùi hôi thối không có bất cứ sinh vật gì sống được, sông Ngũ Huyện Khê đã “chết” hoàn toàn. Nếu Nhà nước không xử lý quyết liệt thì không chỉ thế hệ chúng tôi bị ảnh hưởng mà con cháu sau này cũng sẽ gánh chịu hậu quả” - bà Minh cho biết.
Theo báo cáo của TP Bắc Ninh thì mặc dù tình trạng ô nhiễm tăng lên, sản lượng giấy sản xuất hằng năm tăng lên nhưng đóng góp vào ngân sách lại giảm, không mang lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề Phong Khê là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền ở đây. Năm 2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và đã tập trung xử lý các vi phạm ở Phong Khê. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn.