Xã tự phân lô đất trồng rừng thành đất nền
Quá trình này, xã thống nhất với người dân để lại một phần đất, khoảng 6ha, nằm hai bên tỉnh lộ từ Ái Tử đi Trừ Lấu, để quy hoạch khu dân cư. Đến năm 2014, UBND xã Triệu Ái cho san ủi mặt bằng khoảng 3ha tại khu vực quy hoạch đất ở này.
Tuy nhiên, sau thời gian dài địa phương không tiếp tục tiến hành các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất thổ cư để cấp cho người dân khó khăn về đất ở tại địa phương, nên trên đất này cây tràm tái sinh phát triển, một số hộ dân xâm lấn đất để trồng rừng.
Năm 2018, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có nhu cầu thuê mặt bằng làm bãi đổ thải của dự án làm đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, UBND huyện Triệu Phong và UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho đơn vị này thuê diện tích nói trên tại xã Triệu Ái. UBND xã Triệu Ái yêu cầu người dân thu hoạch cây tràm tái sinh và rừng trồng trên diện tích đất xâm lấn để bàn giao cho đơn vị trên thuê.
Tháng 9/2020, trong thời gian đất trên đang là bãi đổ thải, UBND xã Triệu Ái có tờ trình gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng NN&PTNT, UBND huyện Triệu Phong, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất này sang đất ở để giao cho 123 hộ dân được cho là khó khăn về đất ở trên địa bàn thôn Ái Tử, Triệu Ái. Gần một tháng sau đó, UBND huyện Triệu Phong có văn bản gửi Sở NN&PTNT, đề nghị được chuyển đổi diện tích đất rừng này sang đất thổ cư.
Khu đất trồng rừng đã bị UBND xã Triệu Ái san lấp mặt bằng, đóng cọc phân lô. |
Nhận được văn bản, Sở NN&PTNT Quảng Trị chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra thực địa khu đất nhằm hướng dẫn địa phương các thủ tục liên quan theo đúng pháp luật.
Điều đáng nói, vào đầu tháng 3/2021, khi việc đổ thải của dự án làm đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa kết thúc, thay vì tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ trình UBND huyện để tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật thì UBND xã Triệu Ái đã cho tiếp tục làm mặt bằng khu đất trên, rồi đóng cọc, phân lô thành 123 nền đất, di dời một số cột điện gần đó; nhận phí người dân 3,6 triệu đồng/hộ. Có 113 trường hợp nộp với tổng cộng hơn 400 triệu đồng.
Việc làm này khiến nảy sinh những nghi ngờ trong dư luận nhân dân, nhất là tại thời điểm đang lên cơn sốt đất nền trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, với mỗi ngày có cả hàng chục đoàn “cò đất” đổ về đây tìm kiếm, mua đất để buôn bán lại.
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã yêu cầu UBND xã Triệu Ái, UBND huyện Triệu Phong phải có phương án trồng rừng thay thế trên diện tích đất đề nghị được chuyển đổi. UBND huyện Triệu Phong yêu cầu UBND xã Triệu Ái phải hoàn thiện các thủ tục cần thiết liên quan nhằm đảm bảo việc chuyển đổi kể trên đúng pháp luật, sau đó mới trình phương án, kế hoạch cấp đất cho người dân thực sự khó khăn về đất ở trên địa bàn để xem xét, quyết định đúng pháp luật.