Vướng mắc trong xử lý mại dâm biến tướng

Thứ Sáu, 03/07/2020, 08:20
Tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, thủ đoạn tinh vi và diễn biến khá phức tạp. Mặt khác do pháp luật chưa hoàn thiện nên hiện nay việc xử lý các đối tượng bán dâm gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, tình trạng mại dâm ở nơi công cộng có xu hướng giảm về bề nổi nhưng chuyển sang hoạt động bằng các hình thức trung gian thông qua mạng xã hội, đối tượng chăn dắt, bảo kê để móc nối giao dịch mua bán dâm; hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Khách sạn, nhà nghỉ, phòng cho thuê; phổ biến nhất là các hành vi khiêu dâm kích dục tại các quán cà phê đèn mờ, ở tiệm hớt tóc gội đầu, cơ sở chăm sóc sức khỏe (xông hơi, xoa bóp, y học cổ truyền day bấm huyệt, cạo gió giác hơi) hoặc một số nhà hàng, karaoke, vũ trường tổ chức ăn chơi thác loạn…

Hiện nay mại dâm nam, mại dâm đồng tính và mại dâm có yếu tố nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng, cá biệt tại một số cơ sở chăm sóc sức khỏe spa, massage do đối tượng mại dâm đồng tính hoạt động bằng các hình thức kích dục, nhằm mục đích thu hút câu kéo khách đến mua vui giải trí.

Phần lớn người bán dâm có trình độ thấp, không có nghề nghiệp, bỏ miền quê đến thành phố mưu sinh, tìm việc làm, vì cuộc sống họ chấp nhận làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ bị lôi kéo, ép buộc sa vào tệ nạn mại dâm. Đặc biệt là lối sống vật chất, thực dụng đã ảnh hưởng đến một bộ phận người, nhất là thanh niên, những người này hoạt động mại dâm không do hoàn cảnh khó khăn mà vì muốn có nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc để đáp ứng cuộc sống đua đòi của bản thân…

Cơ quan chức năng xử lý một tụ điểm tệ nạn xã hội.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, công tác xây dựng và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống mại dâm, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các mô hình hỗ trợ cho người bán dâm kết hợp với việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội đã có tác động tích cực đến người bán dâm mong muốn được hoàn lương hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác phòng chống mại dâm còn nhiều bất cập. Các chương trình can thiệp hỗ trợ cho người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng, chú trọng các hỗ trợ xã hội, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội…) còn đang trong giai đoạn thí điểm, triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực nên số người được tiếp cận dịch vụ chưa nhiều; các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm chưa bám sát vào chỉ tiêu, mục tiêu, nhất là việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc.

Theo quy định của pháp luật, bán dâm là một hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý hành chính nên người bán dâm chưa dám mạnh dạn trình báo với chính quyền địa phương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, do rào cản về tâm lý và sự kỳ thị nên khi tiếp nhận các dịch vụ hỗ trợ, đa phần chị em thường không khai đúng tên thật của mình, không có nơi cư trú ổn định, số điện thoại thay đổi thường xuyên nên việc liên hệ hỗ trợ giúp đỡ gặp nhiều khó khăn, nhất là giới thiệu và giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền ở một số địa phương còn coi nhiệm vụ hỗ trợ can thiệp người bán dâm là của ngành LĐ-TB&XH và của Hội Phụ nữ. Hiện cũng chưa nhiều địa phương sẵn sàng hỗ trợ những người bán dâm. Cũng có tình trạng người bán dâm được hỗ trợ vốn mở cơ sở kinh doanh buôn bán nhưng do bản thân vẫn “hái ra tiền” bằng “vốn tự có” nên hầu như không chuyển nghề, việc chuyển nghề hầu hết là người “hết đát” không còn cách nào khác.

Trong khi pháp luật chưa hoàn thiện nên hiện nay người bán dâm “nhan nhản” đứng công khai ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, nhưng cơ quan chức năng không thể làm gì được. Bởi không có lý do gì để xử lý, không có cơ sở chứng minh những người này “bán dâm”. Hiện nay, phòng chống mại dâm vẫn đang sử dụng Pháp lệnh từ 2003 đến nay đã 17 năm nhưng vẫn chưa thay đổi. “Các hành vi hiện nay biến tướng, ráp vào luật pháp thì không có chỗ nào để xử lý được những hành vi này. Cái khó nhất là hiện nay mại dâm nam, mại dâm đồng tính và mại dâm có yếu tố nước ngoài không đưa vào trong luật nên không thể xử lý”, ông Du cho biết.

Do đó, cơ quan chức năng chủ yếu là can thiệp để giảm hại trong mại dâm, tuyên truyền vận động để người bán dâm hiểu biết về pháp luật, bảo vệ sức khoẻ, khi bị áp bức bóc lột tình dục thì phải liên hệ với cơ quan nào… “Nếu quyết tâm phòng chống mại dâm thì buộc phải quản lý những người này. Không có cách nào khác là phải quản lý thì mới hạn chế được tình trạng mại dâm và kiểm soát được dịch bệnh, nếu không quản lý thì không thể phòng chống và không xử lý được”, ông Du chia sẻ. Chúng ta nói không với mại dâm nhưng hệ thống pháp luật không theo kịp sự biến tướng của mại dâm thì khó thể thực hiện được.

Theo Chi cục Phòng chống TNXH TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 9.018 cơ sở kinh doanh dịch vụ (gồm 5.512 cơ sở lưu trú, 1.008 cơ sở nhà hàng có tiếp viên nữ; 534 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau; 31 cơ sở vũ trường, quán bar, công ty giải trí biến tướng thành quán bar; 41 cơ sở beer Club; 677 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khát có tiếp viên nữ; 565 cơ sở massage, spa, day ấn huyệt, xông hơi - xoa bóp; 615 tiệm hớt tóc thanh nữ; 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác) với tổng số nhân viên tiếp viên làm việc tại các cơ sở dịch vụ này là 28.406 người.

Đến nay đã có 8.512/9.018 cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không hoạt động mại dâm, chiếm tỷ lệ 94,38%.

Nhân Sơn
.
.
.