Thủ tục hành chính hay chính quyền máy móc, vô cảm?
- Người thương binh già và câu lạc bộ bóng đá đặc biệt
- Cải tạo, sửa chữa nhà tình nghĩa tặng thương binh
Nay đều đã bước qua tuổi 80 nhưng vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Đúng (SN 1934), Nguyễn Thị Trước (SN 1935), ngụ ấp Cống Tre, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, Kiên Giang, vẫn chật vật trong căn chòi tạm bợ tự tạo vì chưa có được căn nhà “tình nghĩa” đúng nghĩa dành cho đối tượng chính sách. Thật không thể ngờ khi được biết cả hai cụ phải mỏi mòn chờ nhà chỉ do nguyên nhân chẳng đáng có...
Nhà của hai vợ chồng ông Đúng, bà Trước, nói cho chính xác, chỉ là một căn chòi tạm bợ được dựng lên trên bờ kênh Lẩu Mắm, thuộc tổ 10, ấp Cống Tre, xã Kiên Bình. Cạnh chiếc giường đơn sơ nơi ông Đúng nằm liệt giường từ 5 năm nay vì chứng tai biến là bếp nấu ăn với tất cả nồi, chảo, tô, chén.
Ông Đúng, bà Trước có nhiều con, đều sống bằng nghề làm thuê, không có khả năng phụ giúp cha, mẹ. Chỉ có vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt, anh Lữ Văn Thiệu (rể) là tạm gọi đủ ăn. Vợ chồng chị Nguyệt tận dụng cây có sẵn và mua thiếc cũ về dựng chòi… cho cha mẹ ở. Mấy tháng nay, bệnh cũ của ông Đúng trở nặng nên bà Trước phải đưa ông vào Bệnh viện đa khoa huyện Kiên Lương điều trị.
Hình ảnh bà lão thương binh mang trong người 13 vết thương từ những năm chiến tranh với đôi tai điếc nặng, chăm sóc ông lão nằm liệt giường và không nói được, khiến chúng tôi nghẹn lòng. Nhiều người cũng rơm rớm nước mắt khi nghe bà Trước thủ thỉ với chồng rằng “mai mốt ông ra đi, tôi không biết làm ma chay cho ông ở đâu?”.
Bà Trước chăm sóc chồng mà lo không biết đến ngày ông qua đời, sẽ tổ chức ma chay ở đâu. |
Chị Ánh, con gái của hai ông bà dù chồng vừa bị bệnh, qua đời cũng đã có mặt tại bệnh viện để nuôi bệnh, cho biết: “Liên tục hơn tháng rồi, do phải thức đêm, thức hôm lo nuôi bệnh cho ba, má tôi giờ đã bị suy nhược rồi. Kêu bà về nhà đi để con cháu lo bà không chịu…”.
Năm 2007, Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Kiên Giang thông qua Ủy ban MTTQ xã Kiên Bình đã cất cho ông, bà căn nhà trị giá 22 triệu đồng. Lẽ ra gắn vào đấy là “nhà tình thương”, “nhà đồng đội” hay “nhà đại đoàn kết” gì đó, MTTQ xã lúc đó lại gắn biển “Nhà tình nghĩa”.
Điểm “sai một li” này đã đưa vợ chồng thương binh già “đi một dặm”. Sau thời gian sử dụng, căn nhà bị giông lốc gây hỏng nặng. Nhiều lần cầu cứu lên lãnh đạo địa phương mà chưa được hỗ trợ nên ông bà phải bỏ nhà để tránh tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Trả lời câu hỏi vì sao chậm sửa nhà cho vợ chồng thương binh già, ông Ngô Văn Nam, Chủ tịch UBND Kiên Bình cho biết: “Lúc đầu nghe báo là “nhà tình nghĩa” nên chờ kinh phí sửa chữa theo quy định. Gần đây khi làm việc với Thanh tra huyện mới phát hiện quyết định của UBMTTQ xã Kiên Bình sử dụng sai thuật ngữ; hơn nữa đất của hai ông bà lại đang bị tranh chấp”.
Thực tế không hẳn hoàn toàn đúng như vậy. Một người dân cho biết, có thể lãnh đạo xã chưa một lần vào đến đây chứ nếu đã đến rồi, nhìn căn nhà vợ chồng ông Đúng sẽ nhận ra ngay đây là loại nhà gì, “tình nghĩa”, “đồng đội” hay “tình thương”...
Và do căn nhà trước đây bị để tên không chuẩn xác nên đến giờ vợ chồng ông Đúng vẫn phải ở trong căn chòi tạm bợ trên bờ kênh Lẩu Mắm. |
Đúng là đất vợ chồng ông Đúng từng xảy ra tranh chấp. Thế nhưng từ tháng 8-2014, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương đã công nhận cho vợ chồng ông Đúng được quyền sử dụng 728,61m2. Điều này cũng đồng nghĩa vợ chồng ông Đúng đủ điều kiện để được xem xét, cấp “nhà tình nghĩa” dành cho người có công ngay từ khi quyết định được ban hành, có hiệu lực.
Trong thời gian đến Kiên Bình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều ý kiến của người dân địa phương, đồng lòng đề nghị chính quyền và ngành chức năng cần khẩn trương tự lược bỏ những rắc rối, rườm rà do chính mình tạo ra, xúc tiến việc cất “Nhà tình nghĩa” đúng nghĩa cho vợ chồng người thương binh nghèo càng sớm càng tốt.