Vẫn còn 20 địa phương tái diễn tình trạng khai thác cát trái phép

Thứ Sáu, 18/08/2017, 07:56
Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố mà chưa được xử lý triệt để. Cá biệt, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc khơi thông luồng lạch để khai thác cát trái phép.

Theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã cấp 659 giấy phép thăm dò và 707 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Trong đó có 87 giấy phép khai thác cát, sỏi được cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tổng trữ lượng cát, sỏi đã phê duyệt là 691,516 triệu m3. 

Một số tỉnh có trữ lượng cát đã phê duyệt khá lớn như Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh, An Giang... 

Theo thống kê từ 40/63 địa phương, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi của 595 giấy phép khai thác và dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đã phê duyệt là 718,94 tỷ đồng. Các tỉnh có số tiến cấp quyền lớn như Thanh Hóa (104,32 tỷ đồng), Hà Nội (87,648 tỷ), An Giang (85,85 tỷ đồng), Thái Nguyên (82,09 tỷ đồng), Nghệ An (51,97 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (27,16 tỷ đồng), Lâm Đồng (26,08 tỷ đồng)... 

Thời gian qua, nhiều địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các dự án khai thác, nạo vét, vận chuyển cát, sỏi... Qua đó, các địa phương đã phát hiện và xử lý 2.705 trường hợp vi phạm, xử phạt 38,715 tỷ đồng; chuyển xử lý hình sự 7 vụ vi phạm (Bắc Ninh 1 vụ, Hà Nội 3 vụ, Vĩnh Phúc 3 vụ); thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác trái phép.

Hằng năm, ngành giao thông đều phải tiến hành khơi thông luồng lạch, cửa sông, cửa biển. Tuy nhiên, nhu cầu kinh phí để thực hiện khá lớn trong khi ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nên Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện nạo vét, khơi thông luồng hàng hải (do Bộ Giao thông Vận tải quản lý) kết hợp thu hồi sản phẩm (chủ yếu là cát) theo hình thức “xã hội hóa”. 

Tính đến nay đã có trên 90 dự án nạo vét cửa sông, cửa biển, khơi thông luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão...được chấp thuận cho thực hiện trên địa bàn gần 30 tỉnh, thành phố. Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng khối lượng sản phẩm thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nêu trên khoảng trên 200 triệu m3 cát (gồm cả cát sông, cát san lấp, cát nhiễm mặn).

Để quản lí chặt chẽ loại tài nguyên này, ông Thanh cho rằng cần thực hiện công tác điều tra, đánh giá tài nguyên cát, sỏi trên phạm vi toàn quốc để làm căn cứ lập quy hoạch quản lý chung dựa trên nguyên tắc lưu vực sông. Bộ Giao thông vận tải cần thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện các dự án nạo vét, khơi luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia để các cơ quan chức năng phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần cho dừng việc xuất khẩu cát sỏi lòng sông, không xuất khẩu cát nhiễm mặn để tập trung vật liệu cho các dự án lấn biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khánh Vy
.
.
.