Rừng chảy máu dữ dội do các cơ quan chức năng vô trách nhiệm
Bây giờ, đi về nơi những cánh rừng già ở Tây Nguyên chỉ còn xác xơ, trơ trụi; bao tiếng kêu cứu của rừng giường như vẫn còn vang vọng từng ngày... Thật đau xót, khi Vườn Quốc gia Yok Đôn, mệnh danh là khu rừng quý lớn nhất Tây Nguyên còn sót lại nhưng vẫn liên tiếp bị lâm tặc “xẻ thịt” gỗ quý. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đã phát hiện xử lý 204 vụ vi phạm lâm luật với hàng trăm phương tiện, tang vật bị thu giữ, đã có tới 441 cây gỗ quý bị cắt hạ trái phép.
Gỗ trong khu vực trung tâm của vườn bị mất, ngoài vùng đệm cũng bị xâu xé từng ngày. “Nóng” nhất là tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã, lấn chiếm rừng, mua bán tàng trữ trái phép lâm sản ở khu vực các trạm số 2,3, 5, 7, 8, 9 và 10 thuộc khu vực Đắk Na, Đrang Phốk và vùng giáp ranh các khu dân cư, bến sông, tuyến đường mòn, tỉnh lộ. Có những thời điểm “nóng” ở Vườn Quốc gia Yok Đôn như trong tháng 3-2016, lâm tặc đã đột nhập khai thác trái phép 117 cây gỗ quý gồm giáng hương, căm xe, cà chít… ở khu vực quản lý của các trạm số 5, 7, 11 và Đrang Phốk...
Tại vùng rừng quý ở Kbang, xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) có những công ty lâm nghiệp để mất rừng như vô tình. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Krông Pa đã mất 104 cây gỗ hương (nhóm I) nhưng không ai chịu trách nhiệm. Chính sự quản lý lỏng lẻo mà gỗ hương tiền tỷ ở rừng quý Kbang có chủ cũng giống như vô chủ. Tương tự, Công ty TNHH MTV Trạm Lập ở xã Sơn Lang, (Kbang, Gia Lai) cũng để mất hàng trăm cây gỗ dổi mà chưa tìm ra thủ phạm. Các chủ rừng lý giải vì rừng rộng, người thưa nên khó giám sát hết, việc mất từng cây gỗ trong rừng diễn ra nhiều nơi, nhiều địa bàn nên khó giám sát phát hiện kịp thời...
Còn rừng tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội (An Khê, Gia Lai), nhiều năm qua bị người dân ngang nhiên lấn chiếm đất rừng để trồng rừng, trồng cây nông nghiệp nhưng không ngăn chặn xử lý kịp thời với diện tích trên 590ha. Hiện UBND tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra xử lý theo quy định.
Hiện trường những vụ phá rừng ở Lâm Đồng và Gia Lai. |
Ở Kon Tum, trong 3 năm gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng với 6.382,8m3 gỗ trái phép và 185,6ha rừng bị thiệt hại. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận việc vi phạm lâm luật còn nhiều, các địa phương chưa quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy ổn định lâu dài cho dân, một số chủ rừng chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm những đối tượng phá rừng ở các khu vực giáp ranh...
Tây Nguyên đang “nóng” ở Đắk Nông và Lâm Đồng với những vụ phá rừng có tổ chức công khai mà cơ quan chức năng địa phương không phát hiện xử lý kịp thời, đợi khi lực lượng chức năng của Bộ Công an vào cuộc mới tiến hành điều tra. Điển hình như vụ khai thác gỗ quy mô lớn với khối lượng thu giữ trên 250m3, tập kết ở địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông).
Khi các trinh sát Phòng 6, Cục C46 (Bộ Công an) phía Nam vào cuộc thì mới lộ ra hàng chục mét khối gỗ tại xưởng gỗ của DNTN Quốc Triệu ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, không có dấu búa kiểm lâm. Mở rộng kiểm tra tại bãi đất trống thuộc thôn 3A, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm nhiều bãi gỗ mới khai thác tập kết với tổng khối lượng trên 216m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VII.
Tại Lâm Đồng, rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 5 (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), bị băng nhóm Hà “đen” (tên thật Nguyễn Văn Hà, 48 tuổi, quê Nghệ An) cầm đầu, đã tàn sát không thương tiếc, kéo dài gần 2 năm nhưng cơ quan chức năng địa phương không phát hiện. Khi cơ quan chức năng của Bộ Công an vào cuộc thì lộ mặt hàng loạt đối tượng lâm tặc và nhiều công ty, xưởng gỗ lớn ở vùng lân cận thuộc Lâm Đồng, Bình Phước có dấu hiệu tiêu thụ gỗ khai thác trái phép từ băng nhóm phá rừng quy mô lớn này.
Dư luận lấy làm khó hiểu là tại sao rừng phòng hộ quanh khu vực thủy điện Đồng Nai 5 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý nhưng lâm tặc triệt hạ gỗ nhiều năm, số lượng lớn mà không hay biết?