“Tan đàn xẻ nghé” đất trồng rừng 135

Thứ Sáu, 26/03/2021, 05:59
Hàng chục hécta đất rừng 135 (đất lâm nghiệp giao để trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ) mà Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) giao khoán cho các hộ trồng rừng đã bị “phù phép” thành đất sản xuất nông nghiệp từ khi nào không hay.


Khi sự việc được phát giác thì hoa màu trồng trái pháp luật trên diện tích đất rừng 135 đã cho thu hoạch cả chục năm qua. Việc thu hồi, giải tỏa lâm vào cảnh hết sức khó khăn. 

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, từ năm 2008 đến 2017, BQLRPH Phi Liêng đã lên phương án, lập kế hoạch, đồng thời giao hơn 79ha đất lâm nghiệp cho 29 hộ dân trên địa bàn nhận khoán trồng, bảo vệ và phát triển rừng 135.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao đất, các cơ quan chức năng đã không quản lý, giám sát chặt chẽ những gia đình được giao khoán để trồng rừng dẫn đến hàng chục hécta đất lâm nghiệp nay đã bị “phù phép” thành nương rẫy cà phê, cây dược liệu và các loại hoa màu khác.  Trong hơn 79ha đất lâm nghiệp được BQLRPH Phi Liêng giao cho các hộ nhận khoán trồng, bảo vệ và phát triển rừng chỉ có 30,5ha diện tích thành rừng. Và cho tới nay, chỉ còn 25ha là có rừng; hơn 49ha đất của dự án trồng rừng 135 đã bị các hộ chuyển thành rẫy cà phê và các loại cây hoa màu khác ngay từ khi được nhận bàn giao đất cho tới nay.

Ông Ninh Văn Chương (thôn Trung Tâm, xã Đạ KNàng, huyện Đam Rông) được BQLRPH Phi Liêng ký hợp đồng giao khoán 3,5ha đất lâm nghiệp tại khoảnh 1, lô d, tiểu khu 216. Không thực hiện đúng theo thỏa thuận (là sẽ quản lý, bảo vệ và trồng rừng trên diện tích được giao khoán), ông Chương lập tức chuyển hầu hết diện tích nhận khoán sang trồng cà phê. Điều kỳ lạ là đến nay, trên toàn bộ phần đất này, người trực tiếp canh tác, sản xuất lại là người khác - ông Vũ Đình Thi, ngụ tại xã Tân Hà, Lâm Hà (Lâm Đồng).

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Đạ KNàng, huyện Đam Rông) được BQLRPH Phi Liêng hợp đồng trồng, quản lý và bảo vệ rừng trên diện tích 1,2ha. Sau đó, toàn bộ diện tích đất này đã bị ông Quang chuyển nhượng cho người khác, hiện không trồng rừng mà sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ vậy, trên diện tích đất lâm nghiệp được BQLRPH Phi Liêng giao khoán cho các hộ này còn xuất hiện nhiều căn nhà, đường đi, sân phơi... Nhìn tổng thể không còn nhận ra đây là khu vực đất lâm nghiệp được giao khoán cho người dân để trồng rừng 135 mà thực chất là một vùng sản xuất nông nghiệp.

Theo BQLRPH Phi Liêng, trước việc đất lâm nghiệp được giao khoán để trồng rừng 135 bị sử dụng sai mục đích, đơn vị đã thanh lý hợp đồng trồng rừng đối với 18 hộ nhận đất trồng rừng trên diện tích 56,5ha.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Trưởng BQLRPH Phi Liêng cho biết, việc thực hiện dự án giao đất trồng rừng, BQLRPH Phi Liêng có lập biên bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu các trường hợp nhận khoán phải tổ chức trồng rừng chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo hợp đồng ký kết, không được lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê.

BQLRPH Phi Liêng cũng đã phối hợp với UBND xã vận động các hộ thực hiện trồng rừng, trồng bổ sung và các hộ cũng đã cam kết trồng rừng, trồng bổ sung đảm bảo mật độ thành rừng. Đối với diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân trồng cà phê và các loại cây hoa màu khác, đơn vị tiếp tục yêu cầu các hộ dân khẩn trương trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp theo đúng mật độ.

“Những trường hợp không thực hiện theo đúng phương án giao đất được duyệt và các nội dung cam kết thì chúng tôi đề xuất thu hồi, thanh lý hợp đồng để giao, khoán cho các hộ thật sự có nhu cầu trồng rừng hoặc đưa vào trồng rừng tập trung.Chủ trương của UBND huyện Đam Rông là nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng hoặc vi phạm hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý triệt để!..”, ông Giang cho biết.

Sự buông lỏng quản lý, giám sát sau khi bàn giao đất lâm nghiệp cho người dân trồng rừng 135 của BQLRPH Phi Liêng đã khiến phần lớn diện tích đất bị sử dụng sai mục đích, biến đất lâm nghiệp thành vùng sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích cà phê đã hình thành cách đây cả 10 năm trên đất lâm nghiệp của dự án trồng rừng 135. Điều này khiến cho công tác giải tỏa, trồng lại rừng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khắc Lịch
.
.
.