Tái diễn tình trạng tài xế dùng giấy tờ giả qua mặt đăng kiểm xe ôtô
- Tài xế điều khiển xe hết hạn đăng kiểm chở khách
- Nhiều đơn vị đăng kiểm phương tiện còn lơi lỏng quy trình thực hiện
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-27D cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đăng kiểm do ông phụ trách đã từ chối kiểm định gần chục trường hợp xe ôtô do nghi ngờ dùng giấy đăng ký, giấy thế chấp ngân hàng giả.
Cụ thể như các ôtô mang BKS 30F-xx4.10, 30E-xx1.31, 30A-xx4.93, thậm chí là cả xe khách 16 chỗ BKS 29B- xx5.89… Nếu quan sát hình ảnh giấy tờ các xe trên mà đăng kiểm viên chụp lại, rất khó để phát hiện là giả. Bởi các giấy tờ chủ xe xuất trình đều có các chi tiết, màu sắc, chữ ký giống như giấy tờ thật.
"Với kinh nghiệm đăng kiểm lâu năm nên khi xem hồ sơ, chúng tôi thấy "gợn", nên đã đề nghị chủ xe cho giữ lại hồ sơ gốc để xác minh thêm. Nhưng sau đó, chủ xe đã từ chối và nhanh chóng rời đi" ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ. Ông cho biết thêm, nếu để lọt các trường hợp xe gian khi đăng kiểm, trách nhiệm sẽ là rất lớn.
Công đoạn đăng kiểm xe. |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-14D cũng thừa nhận, việc làm giả giấy tờ xe khá đa dạng. Có trường hợp xe giả toàn bộ các giấy tờ, có trường hợp chỉ giả giấy tờ ngân hàng và có khi dùng bộ giấy tờ thật của xe cũ giá trị thấp, xe thanh lý để tẩy xóa "hợp thức" cho xe khác.
"Thi thoảng chúng tôi cũng phát hiện các trường hợp xe có giấy tờ giả, giấy tờ không trùng khớp với các thông tin trên phương tiện. Vì thế, khi có xe sang, biển số đẹp đến đăng kiểm là phải chú ý, kiểm tra giấy tờ cẩn thận hơn", ông Thái cho hay.
Không riêng tại Hà Nội, tình trạng tương tự cũng từng diễn ra tại một số trung tâm đăng kiểm ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh... Theo các trung tâm đăng kiểm, việc xác định mục đích làm giả giấy tờ xe để đăng kiểm phải căn cứ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, song cũng có trường hợp xe có nguồn gốc bất hợp pháp dùng giấy tờ giả để lưu thông. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể do vấn đề nghĩa vụ tài chính giữa các bên liên quan đến chiếc xe.
Cụ thể, có thể có trường hợp thế chấp xe để vay tiền nhưng không trả được, cũng không trả xe mà bán cho người khác. Người mua có thể không biết hoặc ham rẻ, nhưng không có được giấy thế chấp ngân hàng nên làm giả, mua giấy tờ làm giả để đi đăng kiểm, lưu hành xe.
Mặt khác, trước đây, có thể so sánh cỡ chữ trên giấy đăng ký xe để nhận ra giấy giả, nhưng giờ việc làm giả ngày càng tinh vi. Trong khi đó, việc phát hiện chủ yếu bằng trực quan, kinh nghiệm chứ không có thiết bị, công cụ kiểm tra. Việc gia tăng các trường hợp chủ xe dùng giấy tờ giả gây áp lực khá lớn cho các đơn vị đăng kiểm, bởi trường hợp vô tình tiếp nhận, cấp chứng nhận kiểm định cho xe có giấy tờ giả có thể sẽ khiến trung tâm đăng kiểm bị liên lụy.
Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngoài hiện tượng xe dùng giấy tờ (đăng ký, giấy ngân hàng) giả để đăng kiểm xe, còn có hiện tượng dùng hồ sơ của xe thanh lý để hợp thức hóa cho xe đời cao, xe đắt tiền (làm giả giấy tờ trong quá trình làm các thủ tục chuyển quyền sở hữu xe). Do đó, thời gian qua Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên có văn bản chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm tuân thủ nghiêm quy trình kiểm định để phát hiện xe có giấy tờ không hợp pháp.
Mới đây, Cục có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm phối hợp với Phòng CSGT các địa phương để rà soát toàn bộ các xe ôtô được thanh lý trong vòng 5 năm gần đây để phục vụ quản lý, ngăn chặn xe "khoác áo" hồ sơ xe thanh lý. Theo ông Khanh, bất cập hiện nay là chưa có sự liên thông về dữ liệu đăng ký xe, dữ liệu xe thế chấp nên có thể dẫn đến một số trường hợp làm giả hồ sơ thanh lý xe giả và giấy chứng nhận ngân hàng giả, hoặc đăng ký giả, hoặc tẩy xóa để đi đăng kiểm.