Sớm làm rõ bất thường liên quan “khu đất vàng” nghìn tỷ ở TP Vũng Tàu

Thứ Tư, 27/11/2019, 08:50
Khu đất gần 13.000m2 đối diện chợ Vũng Tàu được xem là vị trí đắc địa nhất ở trung tâm TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT). Thế nhưng hơn 13 năm qua, kể từ khi chính quyền thu hồi để đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) Thái Dương, hiện “khu đất vàng” này vẫn là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm.


Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dấu hiệu trì hoãn và thực hiện không đúng bản án có hiệu lực từ hơn 6 năm trước (liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất này) từ phía chính quyền địa phương.

6 năm chưa thực hiện xong bản án

Tháng 5-1991, UBND đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo ban hành quyết định (QĐ) thu hồi 12.862m2 tại phường 3, TP Vũng Tàu để làm bãi đậu xe và các công trình khác. Đến tháng 10-1991, UBND đặc khu tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt thiết kế dự toán và cho phép xây dựng cụm ki-ốt tại bãi đậu xe. Dự toán kinh phí hơn 171 triệu đồng và giao cho UBND phường 3 làm chủ đầu tư, nguồn vốn do phường tự cân đối. Do không có nguồn vốn nên UBND phường 3 huy động tiền của các hộ dân trong đó có gia đình bà Trần Thị Hương.

Ngày 20-11-1991, UBND phường 3 giao quyền sử dụng ki-ốt số 17 cho bà Hương để kinh doanh mua bán, giải quyết khó khăn về đời sống. Bà Hương đã thực hiện đầy đủ việc góp vốn xây dựng công trình và nộp gần 3,5 triệu đồng để đền bù hoa màu, chi phí thiết kế và san lấp mặt bằng trên diện tích 147m2. Cuối tháng 12-1991, bà Hương nhận quyền sử dụng ki-ốt để kinh doanh.

Hơn 15 năm sau, ngày 18-10-2006, UBND tỉnh BR-VT ban hành QĐ thu hồi 12.862m2 nói trên để đầu tư xây dựng TTTM Thái Dương. Ngày 2-3-1999 và 5-1-2010, UBND TP Vũng Tàu lần lượt ban hành QĐ 958/QĐ-UBND và 10/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho bà Hương. Hai QĐ này xác định diện tích ki-ốt của bà Hương là 138m2 nhưng không chấp nhận bồi thường giá trị quyền sử dụng đất vì cho rằng đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý. Không chấp nhận, bà Hương khởi kiện hành chính hai quyết định này.

Bản án sơ thẩm số 05/2013/HCST ngày 29-1-2013 của TAND TP Vũng Tàu và bản án phúc thẩm số 16/2013/HCPT ngày 20-6-2013 của TAND tỉnh BR-VT đều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hương và đề nghị chủ tịch UBND TP Vũng Tàu giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tức bồi thường giá trị đất cho bà Hương. Bởi tài liệu mà tòa án thu thập được cho thấy, sau khi bỏ tiền ra xây dựng ki-ốt, bà Hương đã sử dụng ổn định liên tục cho một mục đích, không ai tranh chấp, đóng đầy đủ thuế cho Nhà nước từ năm 1993 đến lúc bị thu hồi.

“Khu đất vàng” hiện vẫn là một bãi cỏ um tùm.

Năm 1993, bà Hương đăng ký kê khai với UBND phường 3 tại sổ đăng ký đất là thửa 878, tờ bản đồ số 2 và năm 1994 được UBND TP Vũng Tàu, Ban Quản lý đất đai tỉnh BR-VT xác nhận. Do vậy mà bà Hương hoàn toàn đủ điều kiện để được bồi thường về đất.

Bản án có hiệu lực pháp luật, UBND TP Vũng Tàu không những không thi hành bản án mà còn tổ chức hàng chục cuộc họp với các ban ngành đoàn thể, ngụy tạo chứng cứ và ban hành khoảng… 50 văn bản để “xem xét lại bản án” của tòa. Đỉnh điểm là ngày 25-11-2016, ông Phạm Văn Ngọc, Phó trưởng phòng TN&MT TP Vũng Tàu còn đề xuất UBND TP Vũng Tàu kiến nghị Sở TN&MT xem xét, điều chỉnh tên sử dụng đất từ bà Trần Thị Hương thành UBND phường 3 cốt là để không bồi thường đất cho bà Hương.

Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian này, UBND tỉnh BR-VT, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT… cũng có hàng chục văn bản đề nghị chủ tịch UBND TP Vũng Tàu thực hiện theo đúng quy định pháp luật đã thể hiện rõ trong bản án phúc thẩm nhưng chẳng ăn thua gì.

Mãi đến tháng 9-2018, UBND TP Vũng Tàu mới ban hành quyết định phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ (bổ sung) cho bà Hương và chấp nhận đền bù giá trị đất. Thế nhưng, quyết định này lại tính giá đất của bà Hương là vị trí 5, đường loại 1 với mức giá gần 4,3 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trong tất cả các loại giấy tờ từ trước đến nay thì vị trí của toàn bộ khu đất 12.862m2 chỉ có vị trí 1 và 2, còn đất bà Hương thuộc vị trí 1.

Năm 2010, khi phê duyệt giá đất để tính tiền thuê đất cho chủ đầu tư dự án này, UBND tỉnh BR-VT cũng chỉ đưa ra 2 vị trí là vị trí 1 hơn 30 triệu đồng/m2 và vị trí 2 hơn 18 triệu đồng/m2. Bức xúc vì mình tiếp tục bị o ép, bà Hương khiếu nại. Một năm sau, UBND TP Vũng Tàu ban hành QĐ giải quyết khiếu nại và bác đơn của bà Hương. Và bà Hương tiếp tục kiện hành chính QĐ này tại TAND TP Vũng Tàu.

Tương tự như bà Hương là trường hợp của bà Nguyễn Thị Miều (86 tuổi), chủ ki-ốt số 14. “Tôi cũng đang khởi kiện quyết định của UBND TP Vũng Tàu tại TAND TP Vũng Tàu, nhưng đã ở tuổi gần đất xa trời, không biết có còn sống đến ngày được đền bù thỏa đáng”, bà Miều nói trong nước mắt. 

Ưu ái bất thường cho chủ đầu tư?

Từ tài liệu mà PV Báo CAND thu thập thể hiện, tháng 3-2006, UBND tỉnh BR-VT có văn bản thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Vui chơi giải trí và du lịch Thái Dương (trụ sở đóng tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do ông Zeng Fan Yu làm đại diện pháp luật) lập dự án đầu tư xây dựng TTTM Thái Dương tại khu đất 12.862m2. Đổi lại, doanh nghiệp này tạm thời ứng trước 2,5 tỷ đồng để làm kinh phí chi trả việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy việc bồi thường gặp khiếu nại từ bà Hương, bà Miều chưa được giải quyết dứt điểm nhưng ngày 15-6-2009, UBND TP Vũng Tàu có văn bản xác nhận khu đất nói trên là “đất sạch” vì đã giải tỏa, đền bù xong. Cùng ngày đó, Công ty Thái Dương có đơn xin thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê.

Ngày 29-7-2009, UBND tỉnh BR-VT ban hành QĐ chấp nhận cho thuê với thời hạn 49 năm, tiền thuê đất tính 1 lần. Ngày 28-10-2009 UBND TP Vũng Tàu tiến hành giao đất ngoài thực địa cho Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, do thấy trả tiền thuê đất 1 lần “nặng” quá nên chỉ hơn nửa tháng sau, Công ty Thái Dương xin được trả tiền thuê hàng năm. UBND tỉnh chiều theo bằng quyết định vào ngày 4-6-2010.

Đến tháng 12-2010, UBND tỉnh BR-VT phê duyệt giá đất để tính tiền thuê, theo đó, đất đường loại 1, vị trí 1 là hơn 30 triệu đồng/m2; đường loại 1, vị trí 2 là hơn 18 triệu đồng/m2.

Sau đó, Công ty Thái Dương tiếp tục có kiến nghị xin điều chỉnh giá đất và quay lại xin đóng tiền thuê đất… 1 lần. Và lần này, Công ty Thái Dương cũng được toại nguyện (?!). Có lẽ thấy chính quyền quá “ưu ái” mình nên ngày 20-8-2016, Công ty Thái Dương đề nghị được giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng dự án, đồng thời cho phép công ty được thay đổi quy hoạch, chuyển đổi chức năng của dự án thành “Trung tâm thương mại, căn hộ chung cư để bán”.

Với sự tham mưu của Sở TN&MT, ngày 30-8-2017, UBND tỉnh ban hành QĐ phê duyệt điều chỉnh để đáp ứng “nguyện vọng” của doanh nghiệp. Đáng nói hơn là 18 ngày sau khi có QĐ điều chỉnh này, UBND tỉnh BR-VT có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Vui chơi giải trí Thái Dương Vũng Tàu (do ông Nguyễn Tài Dương đại diện pháp luật) tách ra từ Công ty TNHH Vui chơi giải trí Thái Dương được kế thừa quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án. Sự trùng hợp khiến cho dư luận nghi ngờ rằng đây có thể là một hình thức “chuyển nhượng” dự án?

Điều đáng nói là sau khi đã biến “gạo thành cơm” rồi, từ tháng 7 đến tháng 9-2019, UBND tỉnh BR-VT và Sở TN&MT mới có văn bản hỏi Bộ TN&MT rằng địa phương làm vậy có đúng không?, nếu chưa đúng, giờ phải tiếp tục làm như thế nào. Hiện Bộ TN&MT chưa trả lời cụ thể các vấn đề này. Theo dư luận, trình tự thủ tục quá trình thu hồi, giao đất, chuyển đổi chức năng này của dự án này có đúng hay không có lẽ phải chờ kết quả thanh tra của cơ quan cấp Trung ương thì sẽ rõ.

Chỉ biết rằng đây là một trong 4 dự án mà bà Lê Thị Công (từng làm Giám đốc Sở TN&MT tỉnh BR-VT), trước khi xin nghỉ việc đã đề nghị thanh tra làm rõ. Bởi theo bà Công, khu đất này phải đấu giá quyền sử dụng đất để ngân sách không thất thu, để có sự minh bạch và chọn ra chủ đầu tư có đủ khả năng hoàn thành dự án đúng mục tiêu và chất lượng đề ra.

Mã Hải
.
.
.