Phụ huynh bức xúc vì loạn phí đóng góp “tự nguyện” đầu năm

Thứ Năm, 15/10/2020, 00:59
Năm học mới 2020-2021 bắt đầu hơn một tháng nhưng những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp phản ánh về những khoản thu đầu năm, đặc biệt là khoản thu được cho là phí “tự nguyện”…


Nhiều khoản thu mang danh “tự nguyện”

Cầm tờ thông báo các khoản thu đầu năm học lên đến hơn 2,5 triệu đồng, chị N.T.Đ. có con mới bước vào lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, tại buổi họp phụ huynh đầu năm, cô chủ nhiệm thông báo một loạt khoản thu, trong đó có 140.000 đồng/1 tháng tiền học 2 buổi/ngày; 170.000 đồng/1 tháng tiền phục vụ; 400.000 đồng/1 tháng tiền Ismart (tiền học tiếng Anh tự nguyện-PV); 130.000 đồng mua sách học Ismart…

“Tôi không hiểu vì sao phải đóng tiền học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, theo quy định việc thu tiền học sinh 2 buổi/ngày chỉ áp dụng cho học sinh tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 theo nhu cầu của phụ huynh. Riêng lớp 1 học 2 buổi/ngày theo chương trình phổ thông mới trên địa bàn thành phố sẽ không thu tiền. Còn tiền học Ismart thì các cháu đã có trong chương trình học sao phải bắt phụ huynh đóng tiền…”, chị Đ. bức xúc nói.

Còn anh L.V.H. có con theo học tại Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm cho biết, con anh mới chỉ mới vào lớp 1 nhưng phải đóng tổng cộng các khoản thu đầu năm hơn 2 triệu đồng. Trong có có một số khoản thu như: 400.000 đồng tiền xã hội hóa (sơn quét phòng học), 540.000 đồng/học sinh/1 năm tiền học 2 buổi, 50.000 đồng/học sinh/1 năm tiền sổ liên lạc điện tử…

Cũng liên quan đến chuyện thu chi đầu năm học, nhiều phụ huynh có con mới vào học lớp 1 của Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột thì băn khoăn với số tiền 500.000 đồng “mua sắm cơ sở vật chất học sinh lớp 1” và 400.000 đồng tiền “xã hội hóa” (tiền sửa chữa phòng học và xây thêm nhà vệ sinh-PV). Theo các phụ huynh, mới vào lớp 1 đã đóng 500.000 đồng cái gọi là tiền “mua sắm cơ sở vật chất học sinh lớp 1” rồi nhưng lại bắt họ gánh thêm khoản 400.000 đồng tiền sửa chữa phòng học và xây thêm nhà vệ sinh là hết sức vô lý. 

"Các khoản này liệu có nằm trong danh mục quy định của ngành Giáo dục hay của UBND thành phố hay không thì chúng tôi đều không được giải thích thỏa đáng. Khi phản ánh thì nhà trường lại cho rằng “Ban đại diện cha mẹ học sinh” đã đồng ý trên tinh thần “tự nguyện” của các phụ huynh. Thực chất phụ huynh chúng tôi chỉ vì sợ liên lụy đến việc học của con cái tại trường mà không dám phản đối chứ làm gì có ai “tự nguyện” đâu”, một phụ huynh bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các khoản đóng mang tính “tự nguyện” nêu trên, hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đều phải đóng thêm một khoản gọi là “trả cho dịch vụ sổ liên lạc điện tử” (hình thức tin nhắn điện thoại) với số tiền dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/tháng/học sinh. 

Theo phụ huynh, số tiền phải đóng để hằng ngày nhận lại 1 tin nhắn thông báo với nội dung chung chung, viết tắt, viết không dấu khiến phụ huynh phải “đau đầu dịch” là quá đắt, không tương xứng. Trong khi đó, hiện nay lớp nào cũng lập nhóm trên Facebook, Zalo và nhiều mạng xã hội khác để tận dụng, duy trì liên lạc, kết nối giữa phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nhận được “gợi ý” của nhà trường để đăng ký việc nhận tin nhắn mất phí…

Trao đổi với phóng viên, hầu hết hiệu trưởng các trường trên đều cho rằng những khoản thu này đều được sự “đồng ý tự nguyện” của các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, khi trao đổi với các bậc phụ huynh học sinh thì hầu hết họ lại cho rằng, có nhiều khoản nhà trường bảo sao đóng vậy, họ không dám phản đối vì sợ con em mình theo học tại trường bị “liên lụy”.

Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nhà trường để xảy ra lạm thu

Câu chuyện lạm thu đầu năm học không phải là mới, mà năm nào cũng tái diễn. Năm học 2020-2021, để khắc phục tình trạng này, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Bộ cũng yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học mới.

Tuy nhiên, theo phụ huynh, nạn lạm thu vẫn tái diễn với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay, các trường không đứng ra thu các khoản tiền như: Xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khen thưởng thầy cô giáo, phí chăm sóc ngoài giờ, sổ liên lạc điện tử... mà mượn danh nghĩa của “Ban đại diện cha mẹ học sinh” để thu.

Dù theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, các khoản tiền nói trên Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được phép thu, nhưng quy định là một chuyện còn thực tế lại khác. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều khi trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường, tiếp tay cho lạm thu. Nếu khi phát hiện, thì chỉ cần xử lý theo cách trả lại tiền phụ huynh, không liên quan đến lãnh đạo nhà trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong cuộc họp với UBND TP Buôn Ma Thuột tới đây, phòng GD&ĐT sẽ có ý kiến và đề xuất có hướng dẫn cụ thể cho các trường thu như thế nào. “Vừa qua, sau khi nhận được phản ánh của một số phụ huynh học sinh, Phòng GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra. Qua đó, đã lập biên bản và có công văn chấn chỉnh một số trường thu sai quy định. Với những trường vi phạm, chúng tôi sẽ bị cắt hết tất cả thi đua của năm học 2020-2021. Phòng GD&ĐT sẽ báo cáo lên UBND TP và căn cứ mức độ vi phạm để đưa ra hình thức xử lý”, ông Thọ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với các khoản thu thỏa thuận phục vụ cho học sinh phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Chỉ thỏa thuận những khoản thu phục vụ chính cho học sinh, không phục vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhà trường. Từng khoản thu phải được sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh bằng văn bản trên tinh thần tự nguyện. Sở sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động thu, chi của các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. 

“Nếu như trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu hoặc không thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nhà trường, ở đây là hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ xử lý một cách nghiêm khắc nếu như trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu hay thu không đúng theo các quy định mà Sở đã hướng dẫn từ đầu năm học”, ông Khoa nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.
.