Phát hãi nguy cơ bà hỏa rình rập tại những công xưởng kiêm nhà ở

Thứ Tư, 02/08/2017, 15:23
Nhiều năm nay, số vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người vẫn liên tiếp xảy ra. Mới đây, vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, Hà Nội làm 8 người chết khiến người ta liên tưởng đến vụ cháy cách đây 6 năm ở xưởng sản xuất giày dép tại Hải Phòng. Hai vụ việc có nguyên nhân và hậu quả giống hệt nhau như được dựng sẵn kịch bản.


Nhìn lại những vụ cháy ở nơi nhà biến thành xưởng

Ngày 29-7, xưởng sản xuất bánh kẹo của Trần Văn Được ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội bùng phát đám cháy từ nơi hàn điện. Hậu quả vô cùng đau đớn khi có tới 8 người tử vong, đều là công nhân, người nhà làm tại đây. Xưởng sản xuất này cũng là nơi ở của chủ nhà. Xưởng sản xuất chỉ duy nhất một lối thoát hiểm lại là cửa ra vào.

Nhìn lại vụ cháy này, Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an, so sánh với vụ cháy xảy ra vào ngày 29-7-2011 ở xưởng sản xuất giày dép ở xã Tân Dân huyện An Lão, Hải Phòng.

Hai vụ việc ở hai thời điểm khác nhau, tại hai địa phương khách nhau nhưng lại giống hệt nhau. Các nạn nhân của vụ cháy ở Hải Phòng cũng là công nhân đang làm việc trong xưởng. Hôm đó chủ cơ sở thuê thợ hàn hàn cột chống sét, tia lửa hàn bắn sang đống mút xốp và cũng xảy ra cháy ngay lối cửa ra vào.

Xưởng sản xuất bị cháy chỉ có lối thoát nạn duy nhất là cửa vào.

Khi người dân đục được tường để cứu nạn thì 13 người đã tử vong. Cả hai vụ cháy trên đều có hiện trường là nhà xưởng kiểu nhà ống, duy nhất một cửa ra vào nên khi cửa bị cháy và bịt kín, người bên trong không thể thoát ra, mà lùi lại phía trong dẫn đến tử vong do ngạt khói.

Thượng tá Đỗ Thanh Hải đánh giá, thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ cháy trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nơi ở của hộ gia đình. Có hộ sử dụng nơi ở làm xưởng sản xuất, ở cùng nơi sản xuất hàng hóa hoặc kinh doanh hàng hóa tại tầng 1, chủ nhà ở tầng trên. Do hàng hóa xếp chật kín lối đi, hàng hóa dễ cháy để cùng nguồn điện nên luôn có nguy cơ xảy ra cháy.

Ngoài hai vụ việc kể trên, đã xảy ra nhiều vụ cháy ở các cửa hàng tạp hóa của gia đình. Cách đây mấy năm là vụ cháy của một cửa hàng tạp hóa ở quận Long Biên, Hà Nội khiến một cụ bà tử vong. Gần đây là vụ cháy ở cơ sở kinh doanh số 48, ngõ 41, phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) khiến 2 người tử vong vào sáng 19-7. Ngôi nhà bị cháy là nhà dạng ống, sử dụng làm nơi kinh doanh, bên trong chứa nhiều chất dễ cháy như giấy, nilon, nhựa…

Trong khi đó, mặt tiền toàn bộ 4 tầng của ngôi nhà lại đều hàn kín lồng sắt, không còn lối thoát nạn nào khác nên vô cùng khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Ở các vụ cháy này, lực lượng cứu hộ đều phải cắt, phá lồng sắt, phá cửa nên rất mất thời gian và không có hiệu quả cao trong cứu người.

Trước đó, vụ cháy xảy ra tại một nhà riêng ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội làm 4 người trong gia đình tử vong cũng là do lửa phát ra từ tầng 1 và ngôi nhà không có lối thoát nạn, các tầng trên đều bị hàn khung sắt kiểu “chuồng cọp”. Những trường hợp “phòng trộm quên phòng cháy” như thế đã được tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều nhưng hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra.

Nói về trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC, Thượng tá Đỗ Thanh Hải cho rằng, Cảnh sát PCCC không quản lý đến từng hộ gia đình. Mỗi địa bàn có hàng nghìn hộ gia đình nên việc phòng cháy phải do chính các hộ gia đình chủ động.

Nước xa không cứu được lửa gần

Lý giải về hậu quả đau lòng do nhận thức và ý thức chủ quan của người dân, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khẳng định, phần đa các vụ cháy đều xảy vào ban đêm, khi người dân ngủ ở tầng trên, trong phòng, nên thời điểm phát hiện cháy thì đám cháy đã lớn.

Tầng 1 thường để hàng hóa, xe máy, xe đạp điện. Xe máy dễ bị chuột cắn, rò rỉ xăng; xe đạp điện, điện thoại lại thường được sạc điện qua đêm nên nguy cơ phát ra tia lửa điện rất cao. Tại các cửa hàng phần lớn đều có bàn thờ thần tài được thắp điện, nến, hương suốt ngày đêm, là nguy cơ gây cháy. Trong khi đó, tại những ngôi nhà ống thường không có ban công hoặc ban công không có lối mở.

Để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, Thượng tá Đỗ Thanh Hải đưa ra lời khuyên: Các hộ gia đình phải tự rà soát, bố trí sắp xếp hàng hóa vật tư dễ cháy tránh xa nguồn phát điện, tối thiểu phải cách ổ điện 50cm. Trước khi đi ngủ, gia chủ phải sàng lọc loại bỏ các nguồn gây cháy như tắt điện, rút nguồn điện, không sạc điện qua đêm…

Đặc biệt, tại các cơ sở kinh doanh sản xuất, các nhà ống, buộc phải bố trí lối thoát hiểm phía sau hoặc bên trên. Nếu các ngôi nhà đã có khung sắt thì phải trổ cửa (có thể dùng khóa để đóng mở khi cần). Mỗi gia đình nên trang bị thiết bị báo cháy và mặt nạ phòng độc.

Những sản phẩm này dễ dàng mua được trên thị trường, giá thành cũng không quá cao. Việc phòng cháy chữa cháy phải được các gia đình tính đến để phòng ngừa trước, bởi nước xa không cứu được lửa gần.

Minh Phương
.
.
.