Nhiều nạn nhân vẫn mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 01/07/2019, 08:03
Cách đây ít ngày, Báo CAND có thông tin về việc Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo về việc lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Tuy nhiên, qua trao đổi mới nhất với PV, đại điện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động đang diễn ra ở nhiều thị trường, trong đó có những thị trường đang thu hút số đông người lao động.

Nhức nhối du học trá hình Nhật Bản

Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại Nhật Bản  Điều đáng quan ngại là trong những năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài và số thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn tại Nhật. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số công ty phái cử và công ty tư vấn du học lừa gạt người Việt Nam để thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học, vừa làm thu nhập cao. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người mang gánh nặng kinh tế khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp Nhật Bản không thực hiện đúng Luật Lao động đối với thực tập sinh như: không trả lương làm thêm cho người lao động và có những công ty môi giới dụ dỗ người lao động ra ngoài làm thêm được trả lương cao và để người lao động bỏ trốn.

“Hiện nay, rất nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản không vì mục đích học tập, mà vì mục đích kiếm tiền (du học trá hình), đây là hình thức phổ biến mà các du học sinh thường bị các công ty môi giới đưa ra để dụ dỗ người lao động như: vừa đi học, vừa đi làm sẽ kiếm được nhiều tiền, hay sẽ thu xếp để được sang Nhật sớm và bố trí công việc ổn định và phải đóng một khoản phí môi giới cao. Trên thực tế, các bạn không thể vừa đảm bảo thời gian học ở trường, lại vừa phải làm việc vào ban đêm, và nếu có thể làm được như vậy thì cũng không thể trả hết nợ”, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. 

Bà Hà khẳng định, đối với thực tập kỹ năng tư cách lưu trú cho phép vừa làm việc ở doanh nghiệp, vừa tiếp thu kỹ năng, thời gian lưu trú dài nhất là 5 năm. Kỹ sư hay các ngành nghề có trình độ chuyên môn cao: Yêu cầu tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành cần ứng tuyển và 3 năm kinh nghiệm thực tế; cần được doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng. 

Kỹ năng đặc biệt (bắt đầu áp dụng từ tháng 4-2019): Tiếp nhận những người đã hoàn thành 3 năm thực tập kỹ năng hoặc những người thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật và kỳ thi đánh giá kỹ năng tương đương 3 năm thực tập kỹ năng; thời gian lưu trú tối đa 5 năm; tư cách lưu trú nhằm mục đích du học không cho phép làm việc (riêng đối với trường hợp được cấp giấy phép làm việc chỉ được làm thêm 28 giờ/tuần); du học sinh không được phép chuyển đổi sang hình thức thực tập sinh kỹ năng.

Để tránh bị lừa đảo, bà Hà cho biết, đối với các thực tập sinh kỹ năng phải nắm rõ chi phí trước khi đi theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, chi phí mà thực tập sinh kỹ năng phải trả cho công ty phái cử bao gồm: phí dịch vụ không quá 3.600 USD/hợp đồng 3 năm và phí đào tạo không quá 5.900.000 đồng. 

Khi đóng các khoản chi phí này cần yêu cầu công ty phái cử lập phiếu thu theo đúng quy định. Pháp luật Nhật Bản nghiêm cấm việc thu tiền ký quỹ và tiền phạt vi phạm hợp đồng. Đồng thời không cho phép trung gian, môi giới thu phí môi giới của thực tập sinh.

Cẩn trọng tránh “sập bẫy” đi lao động tại thị trường Singapore

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một trong những thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. 

Hơn nữa, pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do đó, người lao động phải cảnh giác với các thông tin tuyển lao động sang Singapore làm việc. 

“Thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore, mà hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay.

Cảnh báo người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore là những người lao động được cấp 1 trong 3 loại visa sau: Work Permit - Giấy phép làm việc cho lao động phổ thông: người lao động làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ; không có quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động phổ thông là người nước ngoài; S Pass (visa S Pass) - Giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung: lao động kỹ thuật, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ  2.200 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng); E Pass (visa E Pass) - Giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù: lao động phải là chuyên gia, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ 3.300 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng). 

Hiện nay, lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapo không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit (Singapore chỉ cấp Work Permit cho phép lao động phổ thông đến từ Malaysia, Hong Kong, Macao, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái lan, Bangladesh, Myanmar, Philippines và Trung Quốc). 

Để được cấp S Pass hoặc E Pass sang Singapore làm việc, người lao động Việt Nam phải được chủ sử dụng lao động Singapo bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết như nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA - In Principal Approval). 

IPA thường có giá trị từ 2 đến 3 tháng. Người lao động nhập cảnh Singapore trong thời gian được bảo lãnh, sau đó phải hoàn tất các yêu cầu khác theo quy định của Singapore để chính thức được cấp visa S Pass hoặc E Pass. Lao động có thể kiểm tra xem IPA của mình có được cấp không và thời hạn trong bao lâu tại trang web của Bộ Nhân lực Singapore:http://www.mom.gov.sg.

“Những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng chỉ đăng ký đi tại các doanh nghiệp có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH và có đăng ký hợp đồng đi Singapore đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận”, bà Trần Thị Vân Hà cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.