Nguy cơ gây mất ATGT thuỷ từ nhà hàng nổi tự phát trên sông Hồng

Thứ Tư, 07/08/2019, 09:07
Chỉ chưa đầy 2km nhưng trên tuyến sông Hồng từ đoạn Chương Dương đến Cầu Đuống (Hà Nội) có nhiều nhà hàng nổi tự phát. Tình trạng này đã và đang gây không ít khó khăn cho việc lưu thông tàu thuyền qua khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trong mùa mưa lũ.


Nhà hàng nổi tự phát ngang nhiên tồn tại

Một ngày cuối tháng 7, theo chân Đội thanh tra an toàn đường thuỷ số 2 (Chi cục đường thuỷ nội phía Bắc) đi thực tế một đoạn tuyến sông Hồng, phóng viên nhân thấy chỉ chưa đầy 2km có tới 5-6 cụm nhà hàng nổi “chênh vênh”. Điều đáng chú ý, hầu hết các nhà nổi này đang trong tình trạng “bỏ hoang”.

Đơn cử đoạn gần bến Chương Dương (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội), một ngôi nhà nổi 2 tầng, rộng khoảng 300m², với khá nhiều đồ đạc, bàn ghế sử dụng trong nhà hàng, có cả các chậu cây cảnh, không gian vui chơi, từ lâu đã dừng hoạt động, không có người ở song vẫn cứ neo đậu cố định ven sông.

Một trong những nhà hàng nổi “bỏ hoang” neo đậu trên sông Hồng.

Đại diện Đội Thanh tra - an toàn đường thủy số 2 cho biết, nhà nổi này có số đăng ký HN-0683 mang tên ông Trần Bảo Ngọc (phường Chương Dương), giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn từ năm 2013. Cách đó vài trăm mét, nhà hàng nổi 2 tầng Trường Thành có số đăng ký HN-1715 cũng nằm sát mép sông thuộc địa bàn phường Chương Dương và đang hoạt động, song giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn từ cuối năm 2018.

Chủ nhà nổi này đã đề nghị được đăng kiểm, song chưa thực hiện. Khảo sát thêm, phóng viên nhận thấy phía bờ phải sông Hồng đoạn gần cầu Long Biên cũng có nhiều nhà hàng, nhà nổi khác đang neo đậu. Một số nhà nổi thi thoảng hoạt động kinh doanh, kết hợp nuôi thủy sản.

Từ Km 183+600 - Km 183+800 còn hai nhà hàng nổi khác (kèm các kết cấu nổi nhỏ xung quanh) là Sông Hồng View, Phương Linh nằm khá gần phạm vi đi lại của phương tiện thủy. Các trường hợp này đều không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm phương tiện và không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước đối với vùng nước được phép neo đậu.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Đáng lưu ý, các trường hợp trên đều có khả năng ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Đầu tháng 7-2019, lực lượng liên ngành thanh tra, cảnh sát đường thủy đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, yêu cầu di dời khỏi phạm vi luồng. Tuy nhiên, thời điểm này tất cả vẫn vẫn “án binh bất động”.

Về phương án xử lý các nhà hàng nổi vi phạm thuộc địa bàn, lãnh đạo UBND phường Ngọc Thụy cho rằng: “Việc cưỡng chế, di dời phải do cơ quan quản lý đường thủy. Biên bản của phường chỉ yêu cầu dừng hoạt động trước 30-6, họ đã dừng hoạt động từ đầu tháng 7. Còn di dời hay không phải là quản lý đường sông. Ở trên chỉ đạo thế nào, phường sẽ làm như thế. Phường đang xin ý kiến của quận”.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, qua khảo sát đã xác định các nhà hàng nổi nói trên nằm ngoài phạm vi luồng, hành lang bảo vệ luồng, công trình đường thủy. Trong đó, các nhà hàng nổi thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã được chính quyền xác định nằm trong vi phạm hành lang bảo vệ đê điều nên thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.

“Chi cục đã có văn bản gửi Ban ATGT TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm. Trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết các trường hợp trên thuộc chính quyền địa phương”, ông Tuấn nói. Đồng thời cũng nhắc lại, trong biên bản kiểm tra của chính quyền phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đều yêu cầu các chủ nhà hàng nổi di dời nhà nổi ra khỏi khu vực trên trước 30-6-2019.

Về vấn đề này, ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết thêm: “Đối với các nhà nổi trên sông Hồng nằm ngoài phạm luồng, hành lang bảo vệ luồng, Đội tiếp tục làm việc với UBND quận Long Biên, có văn bản đề nghị UBND quận Long Biên tổ chức xử lý dứt điểm, di dời để phòng ngừa các nguy cơ gây mất ATGT đường thủy”.

Lo ngại nguy cơ các nhà hàng nổi nói trên chẳng may đứt neo đậu, bị thả trôi gây mất ATGT đường thuỷ, mới đây, Chi cục đường thuỷ nội địa phía Bắc vừa chỉ đạo các Đội Thanh tra - an toàn trực thuộc tổ chức tổng rà soát các nhà hàng, nhà nổi, bè nuôi trồng thủy, hải sản trên các tuyến đường thủy quốc gia khu vực phía Bắc.

Nội dung rà soát nhằm thống kê các trường hợp có phép, không phép hoạt động và mức độ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Chi cục sẽ đề nghị chính quyền địa phương di dời đối với các trường hợp nhà nổi, bè ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, thậm chí xử lý vi phạm hành chính.

Đặng Nhật
.
.
.