Ngăn chặn “cò” đặc sản Đà Lạt

Thứ Ba, 02/03/2021, 08:17
Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phối hợp chặt chẽ với Công an các phường trên địa bàn quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “cò” đặc sản Đà Lạt gây phiền toái cho khách du lịch. Lợi dụng lượng du khách đổ lên Đà Lạt tham quan, hàng chục đối tượng từ nhiều tỉnh, thành, nhất là các tỉnh phía Bắc và miền Trung lên thành phố này làm “cò” đặc sản.

Các đối tượng thường lén lút câu kết với cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” theo dạng ăn chia phần trăm. “Cò” dẫn khách tới mua sản phẩm tại những cơ sơ được chủ cơ sở kinh doanh chia từ 35-50% tổng số tiền du khách đã bỏ ra mua sản phẩm. Siêu lợi nhuận từ “nghề cò” đặc sản và bán sản phẩm đã khiến nhiều đối tượng bất chấp các hình thức, thủ đoạn để lừa gạt du khách, miễn sao bán được hàng để kiếm lời bất chính.

“Cò” đặc sản hoạt động thành từ tốp khoảng 4-5 người trước khu du lịch, các tuyến đường chính dẫn vào các điểm tham quan. Thấy xe biển số ngoài tỉnh Lâm Đồng, bất kể xe máy hay ôtô, các đối tượng lập tức phóng xe bám theo, mồi chài, níu kéo du khách đi tham quan vườn dâu tây. Đội ngũ “cò” thường giới thiệu với du khách đi “hái dâu, tham quan miễn phí tại vườn” nhưng thực tế lại dẫn khách tới cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt”, đề nghị mua sản phẩm sau đó sẽ dẫn đi tham quan vườn dâu tây. Trong lúc du khách đang mua “đặc sản”, đối tượng này nhanh chân chuồn thẳng. Khi thanh toán xong tiền, “cò” cũng đã lặn biệt tăm tích. Du khách bị lừa nhưng không biết kêu ai.

Công an làm việc với một “cò” đặc sản Đà Lạt.

Trong dịp Tết vừa qua, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Đà Lạt nhận được phản ánh của một du khách tới từ TP Hồ Chí Minh. Du khách này được một nam thanh niên đứng trước Vườn hoa Đà Lạt “mời” đi tham quan, mua dâu tây tươi tại vườn với giá 30.000 đồng/kg. Tin lời, hành khách này đi theo thanh niên trên nhưng bị dẫn đến một cơ sở kinh doanh “đặc sản” trên đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt. Tới đây, khách mới biết mình bị “cò” của cơ sở bán hàng đặc sản lừa. Thực tế, du khách trên phải mua dâu tây tươi ở đây với giá 150.000 đồng/kg.

Cũng trong thời gian trên, lực lượng chức năng phát hiện một “cò đặc sản” đang cặp kè xe khách 16 chỗ đến từ Tây Ninh. Phát hiện có Công an, đối tượng lập tức lên xe bỏ chạy. Làm việc với cơ quan chức năng, ông V.V.C (SN 1978), tài xế xe khách 16 chỗ trên cho biết, khi ông đang chở 10 người đi tham quan Vườn hoa Đà Lạt thì bị một thanh niên áp sát, đề nghị dẫn đường để đoàn khách đến mua dâu tây tươi với giá 20.000 đồng/kg.

Tưởng thật, ông C lái xe đi theo thanh niên này thì tới một cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt”, thanh niên trên đề nghị mua đặc sản sau đó sẽ dẫn đi vườn dâu tây. Khách của ông C đã mua trên 1 triệu tiền nước cốt dâu tằm, trà túi lọc... khi gặp Công an thì thanh niên trên bỏ chạy.

Liên quan đến những hành vi vi phạm trên, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ xử lý cơ sở kinh doanh đặc sản mứt Thuỳ Trang (đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt).

Theo Trung tá Nguyễn Thế Nhật, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Đà Lạt, những năm gần đây, mặc dù tình trạng “cò” đặc sản đã giảm nhưng thực tế, một số đối tượng “cò” và cơ sở kinh doanh hàng đặc sản trên địa bàn vẫn lén lút móc nối câu kết hoạt động, nhất là vào dịp lễ, Tết và cao điểm mùa du lịch của Đà Lạt.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công an TP Đà Lạt đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Công an các phường tăng cường nắm bắt địa bàn, kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng hành “nghề cò” và cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” có dấu hiệu móc nối với “cò” để kinh doanh bất chính.

Theo Công an TP Đà Lạt, thời gian qua đơn vị đã lập danh sách theo dõi hơn 10 đối tượng và 12 cơ sở kinh doanh đặc sản có dấu hiệu sử dụng “cò”. Cơ quan chức năng khuyến cáo du khách khi tới TP Đà Lạt tham quan, nếu có nhu cầu mua đặc sản hãy tìm tới những cơ sở kinh doanh uy tín, thương hiệu; tuyệt đối không tin và đi theo các đối tượng tiếp thị dưới dạng “cò” thường bắt gặp trên đường.

Khắc Lịch
.
.
.