Loạn “ma trận” website kiếm tiền online lừa đảo

Thứ Bảy, 20/03/2021, 09:24
Nạp tiền thật mua các gói “VIP” ảo với hi vọng chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem video trên mạng là tiền triệu tự chảy về túi, hàng ngàn người đã tự đưa chân vào chiếc bẫy tinh vi mang tên “kiếm tiền online” được những kẻ trục lợi giăng sẵn trên mạng.

Xem video, like bài viết là nhận lương khủng?!

Gọi điện đến đường dây nóng Báo CAND với giọng bức xúc trưa 16/3, anh D., SN 1981, trú tại tỉnh Hải Dương, cho biết, mình và một vài người quen vừa trở thành nạn nhân của một trang web kiếm tiền online có địa chỉ tại imoney1.com, với số tiền thiệt hại lên đến hàng triệu đồng.

“Mình tạo tài khoản, làm nhiệm vụ (like, xem video trên mạng xã hội do trang web cung cấp-PV) vài ngày, nó (trang web-PV) cho mình rút tiền, nạp thêm 200.000 VND mua VIP, mình kiếm được thêm mấy trăm ngàn nữa, nhưng chưa được rút ngay về tài khoản. Sau vài ngày, web sập không vào được, nhóm chat của các thành viên tham gia bị xóa”, anh D. kể lại.

Dịch bệnh COVID-19 khiến công việc bị ảnh hưởng, anh D. và nhiều người hi vọng kiếm thêm chút thu nhập từ việc lướt web hàng ngày. “Hóa ra chúng nó toàn chỉ lừa mình”, anh D. tâm sự.  

Từ các thông tin do anh D. cung cấp, PV đã trực tiếp tham gia một nhóm chat trên mạng xã hội Zalo, nơi các thành viên đang bàn luận rôm rả về cách thức kiếm tiền dễ dàng từ một trang web có cách thức hoạt động tương tự trang imoney1.com, có địa chỉ truy cập là nhanvnd.com, được rêu rao là web “kiếm tiền online uy tín tốt nhất hiện nay” và chỉ vừa hoạt động được vài hôm. 

Theo hướng dẫn trên web này, kiếm tiền online quả thật đơn giản: Chỉ cần tạo tài khoản, làm các nhiệm vụ mà trang web đưa ra như bấm xem hoặc like vài video trên mạng là có tiền. Nếu chơi miễn phí, mỗi ngày một tài khoản được làm một nhiệm vụ, kiếm 10.000đ về ví ảo. Trang web quy định sau 21 ngày, làm đủ 21 nhiệm vụ, tương đương 210.000đ sẽ được rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Với những người muốn kiếm tiền nhanh hơn, “khủng” hơn thì cần nạp tiền bằng cách chuyển khoản đến tài khoản xxx999 của người mang tên P.A.T tại ngân hàng M**** để mua các gói “VIP”, trong đó gói VIP 1 giá 200.000đ, được làm 3 nhiệm vụ/ngày, tức có thể kiếm 600.000đ mỗi tháng; gói VIP 2 giá 450.000đ được làm 7 nhiệm vụ/ngày, tương đương thu nhập 2 triệu/ tháng, cứ như vậy, nếu nạp gói VIP 5 giá 3,5 triệu, một tài khoản được làm 60 nhiệm vụ/ngày, mỗi tháng có thể kiếm 18 triệu, tức hơn 200 triệu/năm – thu nhập trong mơ mà mỗi ngày chỉ mất vài phút làm việc!

Để lôi kéo thêm thành viên mới, trang web đề nghị người dùng mời thêm bạn để được hưởng phí hoa hồng rất cao theo hình thức đa cấp. Ai mời được càng nhiều người tham gia càng hưởng nhiều quyền lợi. Lướt qua các mạng xã hội Facebook, Youtube, PV cũng phát hiện nhiều đoạn video, mỗi video có từ vài trăm đến vài ngàn lượt xem, giới thiệu, quảng cáo cho nhanvnd.com.

Sau khi lập tài khoản, PV lập tức được đưa vào một nhóm chat kín khác trên Zalo, nơi các thành viên đang bàn tán, “người tung, kẻ hứng”, về các nhiệm vụ và cách kiếm tiền từ trang web. Đan xen giữa các comment trao đổi, hàng chục người thi nhau đăng ảnh chụp màn hình báo cáo mình đã nạp tiền mua VIP, có người khoe đã nạp VIP 1, nhưng cũng có người thông báo đã nạp tới tận VIP 5.

Qua trao đổi với một thành viên tích cực trong nhóm chat, tên H., người tự nhận mình là “phó nhóm” vì được “trưởng nhóm” (người lập ra nhóm chat của các thành viên tham gia nhanvnd.com) giao nhiệm vụ hướng dẫn các thành viên mới, PV được biết họ cũng là những người nạp VIP với ảo vọng kiếm tiền online dễ dàng. “Mình chơi từ đầu. Thấy nhóm tăng người nhanh nên mình tự xin làm phó nhóm. Tính làm hết tuần thì hỏi (tiền lương-PV)”, H. tiết lộ.

Tuy nhiên, chưa kịp để H. hỏi lương và người dùng được trả thù lao sau khi làm nhiệm vụ như họ trông đợi. Sau chừng 4 ngày hoạt động, trang web nhanvnd.com đã không thể truy cập từ ngày 17/3, các nhóm chat trên Zalo bị giải tán. Dò hỏi H. xem liệu cô có biết lí do, H. chỉ nói web đã sập. “Mình cũng mất tiền”, H nói. Khi được hỏi có nhiều người nạp tiền triệu không? H trả lời: “Nhiều lắm”.

Bằng một vài công cụ kiểm tra địa chỉ IP thông dụng trên Internet, PV được biết trang web nhanvnd.com được đăng kí dưới tên của một cá nhân ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, kèm SĐT 09xx930 và địa chỉ email anhxxx21@gmail.com. Tuy nhiên, PV không nhận được phản hồi nào khi liên hệ qua số điện thoại và email này. Cũng có thể những thông tin trên chỉ là “ảo”.

Người dùng Internet cần cẩn trọng trước những lời mời chào trên mạng, tránh sập bẫy lừa của những kẻ trục lợi.

Sập trang này, có ngay trang khác

Mỗi tuần, đường dây nóng Báo CAND nhận được hàng chục cuộc gọi từ nhiều cá nhân trên cả nước phản ánh về các chiêu trò lừa đảo mà họ gặp phải trên mạng, trong đó không ít người bày tỏ bức xúc với các trang web dạy cách kiếm tiền online, nhưng thực chất chỉ để lừa đảo tiền của người chơi.

Cách thức hoạt động cụ thể có khác nhau, nhưng những trang web dạng này luôn yêu cầu thành viên phải nạp số tiền ban đầu từ vài trăm ngàn/tháng đến hàng chục triệu đồng/năm với cam kết lợi nhuận thu được sẽ gấp nhiều lần vốn bỏ ra.  

Bằng những lời quảng cáo kiếm tiền dễ dàng, hoa hồng cao, “ngồi nhà lướt video Tiktok kiếm tiền triệu”, “kiếm tiền online ai cũng chơi được”, “bỏ túi 300-700k (300.000đ-700.000đ)/ngày chỉ vốn với 250k”…; cùng mánh khóe hút người chơi theo dạng đa cấp, chúng mau chóng thu nạp được hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn người tham gia trong vài ngày. Và sau ít lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh làm mờ mắt người dùng (có trang web thậm chí chưa từng trả thù lao), các đối tượng âm thầm xóa web và biến mất cùng hàng trăm triệu tiền thật do các “con mồi” nạp vào.

Điều đáng nói là, sau khi một trang web dạng này sập, trên mạng xã hội lại lập tức có thêm cả tá tài khoản “ảo” rêu rao về những trang web kiếm tiền online dễ dàng mới khác. 

Theo lời các chuyên gia, lập một website mới không khó. Chỉ cần vài chục phút, chủ trang web có thể lấy giao diện cũ, đổi hình ảnh, tên, logo và địa chỉ truy cập là có ngay một “cạm bẫy” mới, với những chiêu thức y hệt.

Một điểm chung dễ thấy ở các trang web nói trên, PV không cách nào tìm thấy địa chỉ, không thấy tên công ty và cũng không có cách nào liên hệ với chủ nhân đứng sau. Các nhóm chat trên mạng xã hội Zalo, Facebook thường do những tài khoản ảo mở ra, điều hành. Khi web sập, các nhóm chat lập tức biến mất, người dùng không biết khiếu nại với ai, bởi toàn bộ các trang web trên đều không đăng kí với cơ quan chức năng và việc kinh doanh, giao dịch, chuyển tiền cho các hệ thống này không được đảm bảo về mặt pháp luật.

Có thể khẳng định, không có công việc nhẹ nhàng nào lại mang lại thu nhập cao bất thường. Trước khi có ý định tham gia bất cứ công việc nào trên mạng, người dùng Internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo đứng sau chiếc bẫy “kiếm tiền online”.

Biết lừa đảo nhưng vẫn chơi

Vẫn theo tìm hiểu của PV, điều bất ngờ là không phải ai cũng mất tiền vì không biết các trang web này lừa đảo. Có một bộ phận người dùng trên mạng thừa hiểu những trang web này không bền vững, thiếu minh bạch, nhưng vì từng rút được tiền, nên vẫn ham. Thậm chí, có người đã lường trước được việc web sẽ sập bất cứ lúc nào, nhưng cố tham gia kiểu “được đồng nào, hay đồng ấy” và tranh thủ huy động bạn bè, người thân nạp tiền thật vào để chơi trong những ngày đầu.

“Mình chơi mấy web dạng này rồi. Cứ từ trang nọ bù cho trang kia thôi”, một tài khoản Zalo tên H. chia sẻ với PV. Nói về việc mất tiền nạp vào nhanvnd.com, H. trả lời “ai mà chả bị” và lập tức mời PV tham gia một trang web khác có cách thức hoạt động tương tự. “Tớ nạp một triệu rồi, ngày kiếm 60.000đ”, H. hào hứng chia sẻ.

Thiện Nhân
.
.
.