Liên quan đến khu “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn, TP HCM:

Lộ rõ dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Thứ Hai, 28/05/2018, 09:03
Khẳng định có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong vụ việc này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm nhiều cá nhân, tập thể và đề nghị cần xử lý nghiêm túc.

Tìm hiểu về Công ty TNHH Hoa Tháng Năm, một DN tư nhân đang nắm giữ 30% vốn trong Công ty CP Đầu tư Lavenue - đơn vị được TP HCM giao làm chủ dự án xây dựng khách sạn cao cấp, thương mai dịch vụ và căn hộ cho thuê ở khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn, PV Báo CAND được biết DN này đăng ký địa chỉ trụ sở trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 và mới chỉ được cấp phép thành lập thời điểm thành phố chuẩn bị cho phép đầu tư dự án.

Việc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố cho phép Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn điều lệ; đồng thời tự làm giảm vốn góp của mình trong Công ty CP Đầu tư Lavenue từ 50% xuống còn 20%, thực tế là chuyển dịch quyền sử dụng đất từ vị trí trung tâm nhất của TP HCM từ DN nhà nước cho DN tư nhân. Việc làm này trái với chủ trương của TP HCM tại 3 văn bản được ban hành vào các năm 2009 và 2010.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này trái với quy định pháp luật về đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong việc giao khu “đất vàng” thuộc sở hữu Nhà nước trên vào tay các DN tư nhân cho thấy, thời điểm năm 2009-2010, khi TP HCM đang cân nhắc chủ trương đầu tư dự án Lavenue, thì ngoài Công ty  Hoa Tháng Năm và Công ty Kinh Đô muốn đầu tư vào dự án, còn có Công ty Sunwah Vietnam Real Estade Limited cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố đề nghị được thực hiện theo đúng quy hoạch kèm theo văn bản giới thiệu của Bộ KH&ĐT ngày 8-10-2009. 

Việc 3 nhà đầu tư muốn tham gia dự án đã có đủ yếu tố để UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng cho thẩm định để chọn ra nhà đầu tư có đủ tiềm lực thực hiện dự án. Sau đó các nhà đầu tư sẽ cùng nhau tham gia đấu giá đất, nhưng TP HCM đã không thực hiện như vậy.

Khu đất “vàng” ngay giữa trung tâm thành phố hiện vẫn còn để trống.

Căn cứ vào quyết định số 140 ngày 21-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã xác định Công ty CP Đầu tư Lavenue được thành lập bởi Công ty Quản lý kinh doanh nhà, 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương và Công ty Hoa Tháng Năm không phải là những tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản trên đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở, nhà đất đang thuê của đơn vị có chức năng cho thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Đã vậy, năng lực tài chính của các công ty được giao thực hiện dự án cũng không được thẩm định. 

Cụ thể, UBND thành phố chủ trương giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà nắm giữ tỷ lệ vốn góp điều lệ sáng lập là 50% là không khả thi. Bởi đối chiếu với quy chế quản lý tài chính tại Nghị định số 09 ngày 5-2-2009 của Chính phủ, Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh không phải là ngành nghề chính và tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không được vượt quá mức vốn điều lệ của công ty. 

Với mức vốn góp 50%, số tiền Công ty Quản lý kinh doanh nhà phải bỏ vào dự án này sẽ là hơn 1.300 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần vốn điều lệ của Công ty Quản lý kinh doanh nhà khi vốn của công ty này chỉ có vỏn vẹn 635,8 tỷ đồng. 

Do không đủ năng lực thực hiện dự án nên Công ty Quản lý kinh doanh nhà đã phải chuyển giao 30% vốn góp cho Công ty Hoa Tháng Năm. Cùng lúc, tỷ lệ vốn góp 50% còn lại thuộc về 4 DN của Bộ Công thương lại cũng không đủ năng lực tài chính. 

Từ đó, ngày 29-10-2010, cả 4 DN này đã đồng loạt chuyển cổ phần trong Công ty CP Đầu tư Lavenue cho Công ty TNHH Kinh Đô. Do đó việc UBND thành phố giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà và 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương tham gia dự án vượt quá khả năng tài chính của các DN là vi phạm quy chế quản lý tài chính công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác theo Nghị định số 09/2009 của Chính phủ.

Về đối tượng được giao và cho thuê đất, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, UBND thành phố ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất đối với 2 khu đất tại số 8 và 12 Lê Duẩn cho Công ty CP Đầu tư Lavenue vào thời điểm công ty này đã thay đổi cổ đông sáng lập. 

Hai trong số 3 cổ đông trong Lavenue là Công ty Kinh Đô và Công ty Hoa Tháng Năm chiếm cổ phần chi phối, ở mức 80% vốn góp nhưng 2 DN này lại không phải là tổ chức đang được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm. Do đó, việc TP HCM quyết định giao đất dự án cho các DN này là không đúng đối tượng, vi phạm quy định tại Nghi định số 121 ngày 30-12-2010 của Chính phủ và Quyết định số 140 ngày 21-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thậm chí, UBND TP HCM cũng không xin ý kiến của HĐND, không báo cáo HDND thành phố tại kỳ họp gần nhất trước khi quyết định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất với khu đất số 8 Lê Duẩn nên theo Thanh tra Chính phủ, việc này là trái với các quy định của Chính phủ.

Khẳng định có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong vụ việc này, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm nhiều cá nhân, tập thể và đề nghị cần xử lý nghiêm túc. 

Trách nhiệm cá nhân khi ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án cũng như trách nhiệm cá nhân về dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của nhà nước khi giảm phần vốn góp của nhà nước từ 50% xuống còn 20% tại dự án này được xác định rõ là ông Nguyễn Thành Tài, khi đó là Phó Chủ tịch UBND thành phố. 

Đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân tại Công ty Quản lý kinh doanh nhà của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty thời kỳ đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng ngoài những sai phạm trên, bà Thủy còn đồng tình ký vào biên bản chấp thuận cho 4 công ty của Bộ Công thương được chuyển nhượng vốn góp cho đối tác bên ngoài nhưng không kịp thời báo cáo UBND thành phố.

Với 4 công ty của Bộ Công thương (gồm Công ty CP Hóa chất vật liệu điện thành phố; Công ty CP Kim khí thành phố; Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco), Thanh tra Chính phủ xác định các DN này đã kê khai không trung thực để được UBND thành phố chấp thuận chủ trương ưu tiên cho góp vốn tham gia dự án. 

Nhưng các DN đã chuyển nhượng phần vốn góp của minh cho Công ty Kinh Đô để hưởng chênh lệch 50 tỷ đồng mỗi DN là làm trái với chủ trương của thành phố trước đó. Trách nhiệm này thuộc về 4 giám đốc và kế toán trưởng của các công ty thời điểm xảy ra sự việc. 

Ngoài ra, trách nhiệm cá nhân, tập thể trong tham mưu liên quan đến một loạt các tập, thể cá nhân thuộc các Sở Tài chính, KH&ĐT, Quy hoạch - Kiến trúc và Sở TN&MT cũng đã được Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc Giám đốc các Sở này thời kỳ đó.

Theo các chuyên gia, khu “đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn cạnh đó dù chỉ có diện tích 3.020m² với 2 mặt tiền nhưng đã đấu giá được 1.430 tỷ đồng, tương đương với 470 triệu đồng/m². Trong khi đó, khu đất số 8-12 Lê Duẩn có tới 3 mặt tiền, diện tích lên đến 4.896 m² nên chỉ cần đấu giá bằng mức trên, khu đất này đã cho thu về trên 2.000 tỷ đồng.

Đến nay, dự án gắn với khu “đất vàng” này chưa triển khai xây dựng, mới chỉ tiến hành đóng 2 cọc thăm dò địa chất nên việc thu hồi sẽ không khó khăn.

Mặt khác, việc thu hồi với dự án này còn giúp TP HCM có điều kiện sửa sai về quy hoạch tại đây nên theo nhiều người dân, việc kiên quyết thu hồi dự án này để đưa ra đấu giá công khai là cần thiết; là điều dư luận người dân thành phố đang trông chờ.
Bảo Sơn

.
.
.