Liên tiếp ngộ độc methanol: Siết chặt rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc

Chủ Nhật, 18/10/2020, 09:15
3 thanh niên sau khi uống rượu tại một đám giỗ ở Bắc Ninh, về nhà xuất hiện tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn nhiều, đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, có dấu hiệu phù não. Trong đám giỗ có tới trên 20 người uống rượu có chứa methanol được chủ nhà mua trên mạng, ít nhất đã có 3 người bị ngộ độc.

Thời gian gần đây, ngộ độc rượu methanol đã xuất hiện trở lại và nhiều nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ 15-11, liệu có quản lý được rượu thủ công hay không?  

Hôn mê sau khi uống 10 chén rượu

Sáng 17-10, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc methanol nói trên. Đó là anh Ngô Duy H. (31 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh), nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Xét nghiệm thấy tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol trong máu là 79 mg/dL. Bệnh nhân được lọc máu, dùng thuốc giải độc, hồi sức cấp cứu… Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh trở lại, tự thở tốt và đang dần hồi phục.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Trần Văn S. (34 tuổi, ở Bắc Giang), cũng đến dự đám giỗ đó và có uống khoảng 300ml rượu (cùng với bệnh nhân Ngô Duy H). Trong ngày 14-10, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận thêm bệnh nhân thứ 3 được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol sau uống rượu cùng ở đám giỗ trên.

Mẫu rượu các bệnh nhân uống đã được mang tới Trung tâm Chống độc, kết quả xét nghiệm cho thấy loại rượu này chứa tới 26,16 độ là cồn công nghiệp methanol, trong khi đó thành phần rượu thông thường ethanol chỉ có 5,6 độ. Các bệnh nhân cho biết, loại rượu này được gia đình mua trên mạng Internet và trong đám giỗ có khoảng trên 20 người đã cùng uống loại rượu này.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Quản lý rượu thủ công thế nào?

Cách đây 3 năm, vụ ngộ độc methanol tại huyện Phong Thổ, Lai Châu đã gây tử vong gần chục người và nhiều người bị ngộ độc. Ở Hà Nội cũng đã có vụ ngộ độc do loại rượu giả “Duy Hảo” gây ngộ độc cho rất nhiều người và có người tử vong, có người di chứng mù mắt… Khi các lực lượng thực thi pháp luật đến kiểm tra xưởng sản xuất rượu thì toàn bộ kho chứa chỉ có các thùng phuy đựng hóa chất, chứ hoàn toàn không có hệ thống lên men, ủ, chưng cất rượu ở đâu cả.

Chia sẻ về 3 ca ngộ độc trên, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lo ngại: Đây là một vụ ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, rượu được pha chế hoặc đóng chai từ cồn công nghiệp methanol. Rượu uống nếu được nấu truyền thống từ ngũ cốc thì không bao giờ chứa lượng methanol gây ngộ độc. Người dân không có năng lực sản xuất ra methanol để bán ra thị trường. Methanol là một hóa chất độc.

Tất cả lượng methanol lưu hành trên thị trường hiện nay là từ sản xuất công nghiệp (cổ điển từ lên men gỗ) hoặc nhập khẩu cồn công nghiệp methanol cho các mục đích khác nhau không phải để uống, phần lớn sử dụng trong công nghiệp và pha với xăng tạo ra xăng E5. Đây vẫn là kẽ hở trong quản lý hóa chất độc hại, lượng cồn công nghiệp methanol đã được “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu để pha đóng chai thành rượu giả gây ngộ độc.

Sau các vụ ngộ độc, ngành Y tế cùng các ngành đã đưa ra các giải pháp, trong đó có việc đưa chất màu, ví dụ xanh methylen vào cồn công nghiệp methanol, để kẻ xấu không thể pha chế thành rượu rởm và người dân có thể nhận dạng cồn công nghiệp. Ngành Y tế, kể cả lực lượng Cảnh sát môi trường không thể làm được việc này và lâu nay thường xuyên phải chạy theo giải quyết hậu quả, truy tìm và bắt thủ phạm. Có thể nói các trường hợp ngộ độc methanol lẻ tẻ vẫn xuất hiện thường xuyên, thỉnh thoảng có các vụ ngộ độc rất đáng tiếc, gây tử vong cho nhiều người.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, thay thế Nghị định 176/NĐ-CP), có chấn chỉnh được việc quản lý rượu thủ công hay không? Ths.Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý, thông tin giáo dục truyền thông liên quan đến phòng, chống tác hại rượu bia trong phạm vi địa bàn quản lý. Muốn bán rượu thủ công, người sản xuất phải đăng ký kinh doanh. Với 80% dân số tiêu thụ rượu bia thì rượu thủ công vẫn là vấn đề chưa thể quản lý được.

Theo bà Trang, trong kinh doanh rượu thủ công, quy trình người dân sản xuất rượu thủ công làm nguyên liệu bán cho doanh nghiệp đã được quản lý tương đối tốt. Những cơ sở này có kê khai sản lượng, đăng ký với UBND cấp xã. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để quản lý sản phẩm rượu thủ công do người dân sản xuất để tự tiêu dùng, làm quà tặng và có cả bán ra thị trường?

Do đó, Luật và các Nghị định quy định họ phải kê khai sản lượng, bảo đảm về mặt chất lượng và không được đưa sản phẩm kinh doanh trực tiếp. Họ phải bán lại cho doanh nghiệp chế biến, còn nếu muốn trực tiếp bán phải có đăng ký kinh doanh. Đây là biện pháp quản lý mới của Luật và Nghị định nhằm quản lý hoạt động rượu thủ công. Trách nhiệm chính là giao cho UBND cấp xã. Chính quyền xã theo sát từng hộ gia đình, hướng dẫn, đôn đốc cách kê khai bảo đảm quản lý sản lượng rượu.

Hiện nay, chúng ta tiêu thụ rượu thủ công hơn 200 triệu lít/năm nên chúng ta cần phải kiên trì, thường xuyên kiểm tra giám sát đôn đốc, tuyên truyền để người dân tuân thủ dần dần. Từ quản lý sản lượng thì chúng ta sẽ quản lý được chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, tránh thất thu thuế, tránh bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh.

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, các chuyên gia kiến nghị, cần quản lý chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, quản lý các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường. Người dân thì nên hạn chế uống rượu, khi mua rượu cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả nơi bán cũng phải chính thức (có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng). Còn nếu người dân cứ mua bán rượu trôi nổi, không kiểm soát như hiện nay thì càng tạo điều kiện cho những người sản xuất và kinh doanh hàng giả và gây ngộ độc cho người mua.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu giả khiến người uống không biết là uống phải rượu độc, vì lúc đầu cũng gây say giống rượu uống, lại có biểu hiện chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt tử vong từ 30-50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt.
Trần Hằng
.
.
.