Mỗi tàu hút cát kiếm cả trăm triệu đồng mỗi ngày

Thứ Tư, 03/05/2017, 09:24
Vì siêu lợi nhuận nên thời gian qua, tình trạng khai thác cát diễn ra khá phức tạp cả về mức độ lẫn tính chất. 

Tình trạng vi phạm càng trở nên phức tạp hơn khi một số cá nhân, “đầu nậu” núp bóng doanh nghiệp có giấy phép để tổ chức khai thác, tận thu nguồn tài nguyên cát, khiến công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Giáp mặt “đầu nậu” khai thác cát

Tiếp xúc với cá nhân, chủ doanh nghiệp khai thác cát trên các dòng sông, chúng tôi mới thấy hết được những chiêu thức tinh vi cũng như khoản siêu lợi nhuận thu về từ hoạt động khai thác cát. 

Thông qua một số mối quan hệ, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với D. “đen” - một trong những ông chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát trên tuyến sông Lô qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Theo D. cho biết, sông Lô, sông Hồng là những tuyến sông có trữ lượng cát nhiều và giá trị hơn cả. Thế nên, trên dọc những tuyến sông này thời gian qua, tình trạng khai thác cát diễn ra khá nhộn nhịp.

“Giá cát ở sông Lô thế nào?”, tôi hỏi. D. cho biết: “1m³ cát vàng có giá trên tàu là 200- 230 ngàn đồng và cát đen là 60- 80 ngàn đồng. Mức giá này sẽ tăng thêm 20-30 ngàn đồng/m³ khi chuyển lên bờ. Và giá nó càng được đẩy lên cao khi nơi nhập cát ở cách xa điểm hút”.

Để tận thu cát trên các dòng sông, chủ các doanh nghiệp, cá nhân thường sử dụng hai loại tàu thông dụng gồm: tàu trang bị vòi rồng và tàu gắn cẩu dây văng, gầu quăng. Loại tàu trang bị vòi rồng có trọng lượng 200- 300m³ có giá khoảng 1,7 tỷ đồng, còn tàu gắn cẩu dây văng, gầu quăng (gồm tàu chở cát và phao chở cẩu, gầu quăng) có giá khoảng 3,7 tỷ đồng. 

10h ngày 26-4, D dẫn chúng tôi ra khu vực xã Phượng Lâu - TP Việt Trì (Phú Thọ), khu vực giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây nơi có tuyến sông Lô chảy qua. Chỉ tay về trục cẩu có gắn gầu quăng đang múc cát dưới lòng sông ở phía xa, D. cho biết, số tàu trên thuộc loại tàu gắn cẩu dây văng, gầu quăng có công suất lớn. 

Đối với cách thức khai thác này luôn có sự xuất hiện của phao chở cẩu, gầu quăng và một tàu chứa, vận chuyển cát. Loại tàu có gắn dây văng, gầu quăng này có thể múc cát ở dưới lòng sông có độ sâu 10-15m. Và chỉ chưa đầy 40 giây, chiếc gầu sẽ múc được 2m³ cát từ dưới sông. Do vậy, chỉ khoảng 3 tiếng, con tàu chở cát có trọng lượng 300m³ sẽ đầy ắp cát. Để duy trì hoạt động của loại tàu này cần tới 8 nhân công. 

Cũng theo D., mỗi ngày chiếc tàu này chỉ cần làm 2 chuyến (với tổng trọng lượng 600m³) là chủ tàu đã đút túi cả một “đống” tiền. Lẽ bởi, nếu tính mức giá trung bình - 200 ngàn đồng/m3 cát vàng, thì đồng nghĩa với việc sau hai chuyến tận thu, số tiền thu về từ việc bán cát là 120 triệu đồng. 

“Khi trừ các chi phí phát sinh (dầu, nhân công…), chí ít nhất doanh nghiệp, chủ tàu sẽ thu về 90 triệu đồng/ngày. Tất nhiên, chỉ sau khoảng 2-3 tháng, doanh nghiệp sẽ bù lại được khoản tiền mà mình đã bỏ ra để sắm tàu trước đó”, D. tiết lộ thêm. 

Còn đối với tàu lắp vòi rồng có trọng tải 300m³, tuy có công suất nhỏ hơn (mỗi giờ hút được khoảng 20-30m³), song mỗi ngày chủ tàu làm một chuyến với trọng lượng 300m³ là cũng đủ thu về từ 30-40 triệu đồng/chuyến (đối với cát vàng), sau khi đã trừ chi phí (3 nhân công cùng số dầu tương ứng).

Ngàn lẻ chiêu thức “né” luật

Do khoản lợi nhuận kếch xù từ hoạt động khai thác cát nên nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp đã lao vào đầu tư trang thiết bị để tận thu cát từ các con sông. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, hiện trên nhiều tuyến sông xuất hiện hai nhóm khai thác cát. Nhóm thứ nhất là các cá nhân sắm tàu cuốc khai thác cát tự phát. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép (khai thác cát sỏi, khơi thông – nạo vét luồng lạch) đã tổ chức khai thác. 

Đối với nhóm khai thác là các đơn vị, doanh nghiệp được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, ở đây trực tiếp là UBND các tỉnh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. 

Căn nguyên cũng vì, theo như D. cho biết, lợi dụng việc được cấp giấy phép mỏ khai thác cát, sỏi, một số chủ doanh nghiệp đã biến tướng hoạt động khai thác cát của mình như: khai thác không đúng vị trí, ranh giới, trữ lượng cát, sỏi mà giấy phép đã quy định, nhất là trên các tuyến sông đi qua địa bàn nhiều tỉnh. 

Lợi dụng vị trí các con sông nằm giáp ranh giữa hai tỉnh, chủ một số tàu đã thả neo cả hai bên. Và chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, muốn khai thác ở địa giới tỉnh nào là chủ tàu sẽ bỏ neo bên tỉnh còn lại. Ví như: khi tàu bỏ neo bên phía địa giới tỉnh Vĩnh Phúc, tàu sẽ trôi về bên địa giới của tỉnh Phú Thọ và ngược lại. Lúc này để xác định đúng vị trí, thời điểm tàu khai thác không đúng phạm vi có trong giấy phép là rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng một số chủ doanh nghiệp khai thác cát đã lợi dụng địa giới hành chính giáp ranh trên các con sông để tận thu cát, khai thác cát không đúng quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, hiện các con sông chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có chung đường địa giới hành chính trên sông với các địa phương như: Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Các đối tượng thường lợi dụng ở các vị trí giữa sông, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh để thực hiện hành vi khai thác trộm tài nguyên cát, sỏi; thời điểm thường diễn ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ gây bức xúc trong nhân dân. Khi lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý thì các phương tiện chỉ trong thời gian ngắn đã di chuyển sang địa phận của tỉnh khác gây khó khăn cho việc bắt quả tang và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, việc xác định phương tiện khai thác trộm tài nguyên cát, sỏi tại các khu vực giáp ranh cần có thời gian như: định vị tọa độ, vị trí đối chiếu với hồ sơ địa chính… để khẳng định phương tiện khai thác cát không đúng quy định nằm ở địa phận tỉnh nào, làm cơ sở cho việc xử lý. Do vậy, nhiều trường hợp đã tận dụng triệt để điều này để tận thu tài nguyên cát, sỏi trên các dòng sông.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, các đối tượng khai thác cát trái phép luôn tỏ ra manh động, sẵn sàng điều khiển tàu đâm va tàu của lực lượng làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để đối phó lại lực lượng chức năng, các đối tượng thường khai thác vào ban đêm hoặc gần sáng, có tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, vượt công suất cho phép v.v…

Mới đây, sau một thời gian xác lập chuyên án đấu tranh, Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý đối với Công ty cổ phần Quảng Tây do có hành vi vi phạm liên quan đến khai thác cát trái phép. Công ty này do ông Nguyễn Thế Sang làm Giám đốc và được cấp phép khai thác cát san lấp tại khu vực bãi bồi thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Theo quy định, công ty không được phép dùng phương tiện thủy (tàu cuốc) để khai thác cát mà chỉ được khai thác theo phương pháp lộ thiên (dùng máy xúc), thế nhưng vì tư lợi, Công ty này đã “sắm” nhiều tàu cuốc có công suất lớn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trước đó, đêm 29 rạng sáng 30-3, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang 4 tàu cuốc có hành vi khai thác cát trái phép cùng 7 tàu chở cát có liên quan tới Công ty cổ phần Quảng Tây.

Nguyễn Hưng – Trần Huy
.
.
.