Chạnh lòng đứng giữa… Tràm Chim

Bất cập giữa quản lý, khai thác du lịch và bảo tồn (kỳ 1)

Thứ Năm, 21/01/2021, 08:56
Rất háo hức và cảm thấy thỏa mãn sau chuyến… phượt đầu năm về Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim (Đồng Tháp), nhóm bạn trẻ mà tôi quen “úp” ngay lên facebook nhiều hình ảnh rất đẹp do chính các bạn ghi được bằng điện thoại, thiết bị bay (flycam) của cá nhân. Một bạn còn xử lý hình ảnh thành video clip, lồng nhạc rất chuyên nghiệp càng làm cho hình ảnh rừng tràm, đồng cỏ, chim chóc… của miệt Đồng Tháp Mười càng sống động, khơi gợi sự… thèm thuồng cho những ai chưa một lần đặt chân đến đây.

Mấy ngày trước, từ TP Hồ Chí Minh, PV Báo CAND cũng vượt chặng đường hàng trăm cây số, cũng ngủ lại rừng tràm một đêm, sáng thức dậy trong rộn ràng tiếng chim hót; thỏa thích trước vẻ đẹp yên bình, thuần khiết, quyến rũ đến ngất ngây của Khu Ramsar thứ 2.000 thế giới… Thế nhưng, đằng sau cảm giác ấy là sự chạnh lòng khi biết thêm một vài thực tế nơi đây… 

Vừa đặt chân tới Tràm Chim, chúng tôi được một “thổ địa” thiết kế cho ngày đầu tiên khá hấp dẫn. Tờ mờ sáng hôm sau, thức dậy sớm hơn để ngắm bình minh, nghe tiếng chim hót… chúng tôi đi vào rừng. Không như nhóm anh em chúng tôi chọn xuồng kéo, có khá nhiều đoàn thuê hẳn một xuồng máy (tắc ráng), di chuyển tuyến dài nhất (khoảng 21km). Xuồng đưa chúng tôi theo những con kênh nước phèn trong vắt đi ngang qua khu vực có nhiều tràm mà chim chóc đổ về trú ngụ, làm tổ.

Chỉ tay về hướng cánh đồng xa xa phía trước khá rộng, một nhân viên nói đấy là khu vực Sếu đầu đỏ về ăn củ năng. Chúng tôi cũng được ngang qua khu vực có khá nhiều hoa nhĩ cán và sen trắng sinh sống, trổ bông, nơi mà khách trẻ rất thích chụp ảnh “tự sướng”. Chỉ tay về hướng cánh đồng có nhiều Hoàng đầu ấn, nhân viên cho biết, có năm loài cỏ này trổ ngay dịp Tết, vàng rực cả cánh đồng, kéo dài gần 2 tháng sau đó. “Mà năm nào loài này trổ bông là năm đó nắng gắt, phèn dữ dội à nghen”, anh bạn thổ địa chia sẻ kinh nghiệm.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên năm 2020 vừa qua, khách về Tràm Chim không nhiều. “Chứ những năm trước, phục vụ không kịp. Xuồng chẳng đủ để đưa khách vào rừng”, nhân viên cho biết. Để cảm giác một cách chân thật về công việc sinh kế miền sông nước, những năm trước, khách tới Tràm Chim rất thích trải nghiệm qua những công việc của nông dân, đặc biệt là ngư dân mùa nước nổi khi tự tay thả lưới, giăng câu, dùng nơm, đặt trúm, đặt lờ bắt lươn, cá.

Du lịch trong Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh DLTC.

Đến đây, khách còn được biết thực tế “muỗi kêu như sáo thổi”, tận mắt với rắn, rùa, chim, chuột. Chỉ riêng các loài chim chóc, Tràm Chim từng ghi nhận có gần 200 loài thuộc 49 họ, chiếm khoảng 1/4 số loài chim ở Việt Nam, trong đó có 16 loài đang bị đe dọa ở quy mô toàn cầu như Sếu đầu đỏ, Ngan cánh trắng, Ô tác, Choi choi lưng đen, Te vàng, Đại bàng, Điêng điểng, Cò trắng Trung Quốc, Diệc Sumatra, Cò lao Ấn Độ, Già đẫy Java…

Trong các quần thể đang được bảo vệ tại đây, tôi được nghe chuyện kể liên quan đến lúa trời, còn gọi là “lúa ma” - loài lúa rất đặc biệt gắn với cuộc sống xa xưa của cư dân Đồng Tháp Mười từ thuở cha ông đi khai hoang, mở cõi. Đó là vào mùa nước nổi, các loài thực vật thân cỏ khác sẽ bị nước nhấn chìm, chỉ riêng “lúa ma” là sinh sôi phát triển, nước dâng đến đâu, lúa vươn lên tới đó…

Để giữ vùng đất ngập nước rộng hơn 7.300ha có tầm quan trọng quốc tế, thời gian qua, VQG nỗ lực bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều phương án. Tuy nhiên, đây là một việc không đơn giản, nhất là khi chu vi vườn hơn 60km nhưng hiện lực lượng bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách chỉ 38 người, phải trực 24/24h ở 21 trạm/chốt và tuần tra cơ động.

“Cách nhau 4km, chịu trách nhiệm canh giữ 500ha nhưng mỗi trạm/chốt chỉ có một người. Thiếu nhưng tìm người không ra do lương, phụ cấp quá thấp”, Đội trưởng Đội BVR chuyên trách VQG Tràm Chim ông Đặng Tiên Khoa cho biết. Trong khi đó, không như nơi khác, VQG Tràm Chim lại không có vùng đệm, tiếp giáp với vùng lõi là đất của người dân nên tình trạng xâm nhập, săn bắt động vật rừng trái phép vẫn diễn ra; công tác bảo tồn đối mặt với nhiều thách thức.

VQG Tràm Chim thu hút hàng trăm ngàn lượt khách/năm, là một trong 7 điểm du lịch trọng điểm của Đồng Tháp nhưng ít ai biết rằng, công tác quản lý lại đang… được thực hiện không đúng pháp luật. Thừa nhận điều này với PV Báo CAND, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc khai thác các hoạt động du lịch sinh thái (DLST) hiện do Khu Du lịch Tràm Chim (thuộc Trung tâm Xúc tiến TM-DL&ĐT tỉnh) đảm trách; trong khi theo đúng pháp luật, “chủ công” của việc này phải là chủ rừng – tức VQG Tràm Chim. Chính do chưa thống nhất một đầu mối quản lý nên nhiệm vụ bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.

“Một bên thì luôn muốn chiều “thượng đế” đến cùng, trong khi một bên vì nhiệm vụ bảo tồn, luôn đi nhẹ, nói khẽ, giữ không gian yên bình cho nhiều loài. Mùa khô, nhìn thấy du khách cầm theo thuốc lá là chúng tôi lo đến mất ăn, mất ngủ. Đó là chưa kể sự ồn ào từ đám đông, từ động cơ của xuồng máy”, một nhân viên nói về sự bất cập do “vênh” về đầu mối quản lý, dù biết rằng điều ấy không phải diễn ra ở khu vực vùng lõi của rừng.

Thực tế hoạt động DLST tại các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên của cả nước mang tính đặc thù, liên ngành, đang được điều chỉnh cùng lúc bởi nhiều luật chuyên ngành như: Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Du lịch…; kèm đó là khá nhiều văn bản dưới luật. Theo Luật Lâm nghiệp, chủ rừng xây dựng đề án DLST trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bên nào đầu tư hoạt động DLST phải lập dự án phù hợp với đề án DLST.

Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh DLST bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn. Riêng với nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ hoạt động DLST, các văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định 141/2016/NĐ-CP thể hiện rất rõ. Không phải chỉ hỗ trợ đáng kể các khoản chi thường xuyên của VQG, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách; nguồn thu này còn rất có ý nghĩa cho tái bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái...

“Hiện hoạt động DLST đang được đơn vị khác thực hiện nên VQG gặp khó khăn trong quy hoạch, định hướng phát triển DLST, cũng như việc phối kết hợp trong đầu tư, khai thác các sản phẩm du lịch”, Giám đốc VQG Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết kiến nghị để tránh sự chồng chéo và đặc biệt là đảm bảo đúng pháp luật, một trong những phương án tốt nhất là sớm giao việc quản lý hoạt động du lịch về cho VQG Tràm Chim…

Nhìn nhận việc phát triển DLST hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của VQG Tràm Chim là do tồn tại nhiều bất cập, trong đó công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, chưa ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện phát triển DLST, một số tuyến tham quan có tiềm năng nhưng chưa được đầu tư khai thác hợp lý, công tác bảo tồn các loài động vật đặc hữu, đặc biệt là sếu đầu đỏ còn hạn chế..., lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác phối hợp trên tinh thần mọi sự phát triển hướng đến mục tiêu chung của tỉnh; khẩn trương xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện phát triển du lịch tại VQG Tràm Chim.

“Khai thác du lịch là nhằm nâng cao giá trị của VQG Tràm Chim. Nơi đây không những có ý nghĩa quan trọng đối với Đồng Tháp, cả nước mà còn là lá phổi xanh của cả thế giới. Đây là tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng hơn bất kỳ công trình nhà máy hay xí nghiệp nào. Do đó, nếu làm tốt công tác bảo tồn và phát huy tốt những giá trị tự nhiên của VQG Tràm Chim thì chính những giá trị tự nhiên đó sẽ mang lại giá trị về kinh tế nhiều hơn cho cộng đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nói.

Thái Bình
.
.
.