Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 81.000 tỷ đồng
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018. Báo cáo là tổng hợp kết quả chính từ 268 báo cáo kiểm toán của 213 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018. Qua đó, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 81.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật…
Nhiều địa phương còn lơ là trong việc quản lý tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản
Liên quan đến vấn đề chi ngân sách nhà nước, kết quả kiểm toán chỉ ra rằng vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định; 15/45 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng, còn 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến 31-12-2018 là 7.534 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 122 tỷ đồng; ngân sách địa phương tạm ứng từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi 5.059 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý tiền thuê, sử dụng đất, kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều địa phương chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với một số trường hợp hết thời gian ổn định tiền thuê đất. Cụ thể như: Hà Nội, Đồng Tháp, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Quảng Ninh, Bình Định.
Tỉnh chưa lập bộ quản lý thu tiền thuê đất các trường hợp đã có hợp đồng thuê đất như Thái Bình; chưa lập thủ tục cho thuê đất và thu tiền thuê đất đối với một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh như tỉnh Bình Thuận; Ghi chi bù trừ tiền sử dụng đất không bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo quy định như Quảng Nam ở công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 25,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó một số địa phương còn tình trạng khai thác khoáng sản không phép như tỉnh Bình Thuận: Công ty TNHH Thông Thuận trong năm 2017, 2018 đã tiến hành khai thác đất làm gạch không có giấy phép với tổng khối lượng khoáng sản khai thác trái phép trong 2 năm là 49.678m3 (theo số liệu Công ty kê khai, nộp thuế tài nguyên tại Cục Thuế) tương đương giá trị khoáng sản khai thác không phép KTNN tạm xác định 3,6 tỷ đồng, mặc dù trước đó KTNN đã phát hiện tình trạng khai thác trái phép trong các năm từ 2013 đến 2016 và có kiến nghị nhưng đến nay UBND tỉnh Bình Thuận chưa xử lý dứt điểm.
Cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa ký hợp đồng cho thuê đất dẫn đến chưa thu được tiền thuê như: Tỉnh Ninh Bình (14 mỏ khai thác khoáng sản), Nghệ An (15 đơn vị), Hà Tĩnh (20 đơn vị). Khai thác tài nguyên nước trước khi được cấp phép khai thác hoặc chưa được cấp phép; cơ quan chức năng chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản các mỏ đã được cấp phép khai thác như tỉnh Thái Bình.
Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiến nghị giảm thời gian thu phí. |
55/63 địa phương có dư nợ khó thu tăng
Về vấn đề quản lý nợ thuế, kết quả từ kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, nợ thuế do ngành thuế quản lý tính tổng đến ngày 31-12-2018 là 86.680 tỷ đồng, tăng 4,9% (4.021 tỷ đồng) so với năm 2017 (86.680/82.659 tỷ đồng). Trong đó: Nợ có khả năng thu giảm 4,7% (2.105 tỷ đồng); nợ khó thu tăng 17% (5.427 tỷ đồng); nợ đang xử lý tăng 13,7% (699 tỷ đồng).
Qua kiểm toán cho thấy, mặc dù tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) giảm so với các năm trước; song 55/63 địa phương có dư nợ khó thu tăng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao: Hà Nội tăng 35%; Đà Nẵng tăng 21%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 14%; Đồng Nai tăng 22%; Hà Giang tăng 28% (số tuyệt đối tăng 142,5 tỷ đồng)...
Trước kết quả trên, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2018 là 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 8.151 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.884 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 54.060 tỷ đồng...
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018, số tiền 5.370 tỷ đồng (nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2017 chuyển năm 2018 là 4.133 tỷ đồng; tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại năm 2018 là 1.237 tỷ đồng); điều chỉnh dự toán để quyết toán một số khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn dự toán chi thường xuyên 1.991 tỷ đồng (Tổng cục Thuế 1.419 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan 572 tỷ đồng) thuộc nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của ngành trong giai đoạn 2016-2018.
Ngoài ra, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định đối với các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu 790 tỷ đồng, gồm: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 số tiền 547 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020 số tiền 243 tỷ đồng; Tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, trong đó đã phân bổ kế hoạch vốn 11.568 tỷ đồng (năm 2016 là 3.866 tỷ đồng, năm 2017 là 5.338 tỷ đồng và năm 2018 là 2.364 tỷ đồng).