Những sai sót cần khắc phục ở “khu đất vàng” nghìn tỷ tại TP Vũng Tàu

Thứ Năm, 12/12/2019, 08:19
“Khu đất vàng” nghìn tỷ ở TP Vũng Tàu cho đến bây giờ vẫn chưa là “đất sạch”, thế nhưng ngày 15-6-2009 vì “nôn nóng” giao cho chủ đầu tư mà UBND TP Vũng Tàu đã xác nhận là khu “đất sạch” nên mới để lại hậu quả của ngày hôm nay.


Ngày 27-11-2019, Báo CAND có đăng bài “Sớm làm rõ bất thường liên quan “khu đất vàng” nghìn tỷ ở TP Vũng Tàu”, phản ánh việc chính quyền TP Vũng Tàu cố tình không thực hiện bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc bồi thường quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Hương, bà Nguyễn Thị Miều nằm trong dự án Trung tâm thương mại Thái Dương. 

Hơn 10 năm kể từ ngày UBND TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bàn giao khu đất 12.862m² cho Công ty TNHH Vui chơi giải trí và du lịch Thái Dương (trụ sở đóng tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do ông Zeng Fan Yu làm đại diện pháp luật) đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Thái Dương, dự án này vẫn còn nằm trên giấy.

Vị trí dự án Trung tâm Thương mại Thái Dương.

Cũng ngần ấy thời gian, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các sở, ngành có liên quan và UBND TP Vũng Tàu tổ chức hàng chục, hàng trăm buổi họp bàn để giải quyết vướng mắc quanh dự án này. Tuy nhiên, càng giải quyết càng rối rắm vì “nút thắt” của vướng mắc này cứ mãi bị… siết chặt.

Khu đất 12.862m² chưa bao giờ là “đất sạch”

Khái niệm “đất sạch” được các cơ quan chức năng sử dụng để chỉ phần diện tích đất không có tranh chấp, đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và đã sẵn sàng cho hoạt động đầu tư xây dựng công trình. 

Và khi đã có “đất sạch” rồi, theo quy định của pháp luật là phải được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Còn khu đất 12.862 m² cho đến bây giờ vẫn chưa là “đất sạch”, thế nhưng ngày 15-6-2009 vì “nôn nóng” giao cho chủ đầu tư mà UBND TP Vũng Tàu đã xác nhận là khu “đất sạch” nên mới để lại hậu quả của ngày hôm nay.

Cụ thể, sau khi nhận Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 2-3-2009 của UBND TP Vũng Tàu về việc duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà Trần Thị Hương nhưng không đền bù giá trị đất, bà Hương khiếu nại. 

Ngày 29-4-2009, UBND TP Vũng Tàu ban hành Quyết định 1976/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại và bác đơn của bà Hương. Quyết định này thể hiện, nếu trong vòng 45 ngày mà bà Hương không đồng ý với quyết định thì có quyền khởi kiện tại TAND. 

Thế nhưng chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 11-5-2009, UBND TP Vũng Tàu lại ban hành quyết định cưỡng chế đối với bà Hương. Ngay sau đó bà Hương khởi kiện hành chính hai quyết định của UBND TP Vũng Tàu và có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là ngưng thi hành quyết định cưỡng chế để chờ tòa án giải quyết. 

Thế nhưng, UBND TP Vũng Tàu đã không tuân thủ theo đúng quy định pháp luật mà vẫn tiến hành cưỡng chế phần đất của bà Hương và sau đó tuyên bố “đất sạch” như đã đề cập ở trên.

Vì đất đã “sạch” nên ngày 29-7-2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định cho Công ty Thái Dương thuê khu đất để xây Trung tâm thương mại, thời hạn thuê là 49 năm, hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê, số tiền mà Sở Tài chính tạm tính là khoảng trên 62 tỷ đồng. 

Ngày 28-10-2009, UBND TP Vũng Tàu bàn giao đất ngoài thực địa cho Công ty Thái Dương. Tuy nhiên, lúc này do Nghị định 69/2009 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-10-2009) nên số tiền thuê đất được áp dụng theo chính sách mới là hơn 200 tỷ đồng nên Công ty Thái Dương xin được thay đổi hình thức thanh toán sang trả hàng năm. 

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý, tuy nhiên, Công ty Thái Dương cho rằng do chính quyền bàn giao đất chậm so với quy định nên công ty phải chịu giá thuê cao nên xin xem xét lại. 

Mặc dù không thuộc thẩm quyền của mình nhưng Sở TN&MT đã “qua mặt” UBND tỉnh ký một phụ lục hợp đồng (ngày 18-5-2012) điều chỉnh thời điểm tính tiền thuê đất cho Công ty Thái Dương tính từ ngày 29-7-2009 thay vì ngày bàn giao đất tại thực địa là 28-10-2009. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền thuê đất cho suốt thời gian thuê được tính theo giá cũ, tức hơn 62 tỷ đồng. Có trong tay phụ lục này, Công ty Thái Dương lại xin được đổi trả tiền thuê đất 1 lần.

Sau khi tự ý điều chỉnh, Sở TN&MT lại sợ mình làm sai nên ngày 16-7-2012, Sở này có văn bản hỏi ý kiến của Bộ Tài chính và Tổng cục Quản lý Đất đai về vấn đề này. 

Hai nơi được hỏi đều trả lời “theo quy định của pháp luật, chính sách giá đất áp dụng tại thời điểm bàn giao đất thực tế. Tuy nhiên, nếu việc chậm bàn giao đất ngoài thực địa cho Công ty Thái Dương có nguyên nhân do phía cơ quan Nhà nước, do vậy đề nghị quý Sở báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết…”. 

Tuy nhiên do chênh lệch giá quá lớn (khoảng 140 tỷ đồng) nên sau đó UBND tỉnh không xem xét gì, dự án giẫm chân tại chỗ. Để “tự cứu mình”, ngày 18-9-2015, Sở TN&MT ra thông báo hủy phụ lục hợp đồng ký với Công ty Thái Dương.

Thấy khó có thể thay đổi giá thuê, Công ty Thái Dương đưa ra đề nghị chấp nhận đóng giá thuê cao nhưng cho công ty được điều chỉnh dự án từ Trung tâm thương mại thành Trung tâm thương mại và căn hộ để bán. Ngày 30-8-2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định điều chỉnh công năng của dự án theo yêu cầu của Công ty Thái Dương với mật độ xây dựng tối đa 40%, 36 tầng + tối thiểu 2 tầng hầm.

Nút thắt cần gỡ: Đấu giá quyền sử dụng đất

Từ ngày chuyển đổi công năng đến nay cũng đã hơn 2 năm nhưng dự án vẫn không thể triển khai được. Lý do đơn giản là vì khu đất này vẫn chưa phải là “đất sạch” vì hiện tại TAND TP Vũng Tàu vẫn đang thụ lý giải quyết vụ án theo đơn kiện của bà Trần Thị Hương và bà Nguyễn Thị Miều. 

Thế nhưng, từ hơn 10 năm qua, trong tất cả các lần họp bàn về vướng mắc của dự án, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần như không đoái hoài gì đến sự hiện diện của bà Hương, bà Miều mà liên tục o ép với mục đích duy nhất là không chấp nhận đền bù giá trị đất cho họ. 

Đến khi bị áp lực dư luận thì UBND TP Vũng Tàu mới chấp hành bản án phúc thẩm một cách miễn cưỡng, làm cho… có (như Báo CAND đã đề cập ở bài viết trước – PV).

Mãi đến tháng 9-2019, có lẽ đã biết sai và “bế tắc” trong việc giải quyết vướng mắc của dự án thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có văn bản “cầu cứu” Bộ TN&MT giúp tỉnh giải quyết. Đặc biệt là đến thời điểm này, UBND tỉnh mới nêu ra hai trường hợp của bà Hương, bà Miều mà trước đây đã “ém nhẹm”. 

Mặt khác, trong các văn bản gửi đến Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thừa nhận việc lập thủ tục giao đất và cho thuê khu đất 12.862m² nói trên chưa xem xét đến hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đây chính là mấu chốt của vấn đề mà nếu không giải quyết triệt để, dự án sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. 

Theo phân tích của một luật sư, muốn đấu giá phải là “đất sạch”. Điều này cũng có nghĩa việc giải quyết đền bù phải được dứt điểm…

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, bà Trần Thị Hương sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bà nội của bà Hương là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (cụ Phan Thị Dậy, quê quán huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Hai chú ruột của bà là liệt sĩ (liệt sĩ Trần Dượng và liệt sĩ Trần Dài). 

Cha mẹ bà đều được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bản thân bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. 

Dù đã cao tuổi (68 tuổi) nhưng hơn 10 năm qua, bà Hương phải ngược xuôi khắp nơi với xấp hồ sơ dày cộm để khiếu kiện đòi lại sự công bằng cho gia đình mình.

Mã Hải
.
.
.