Hàng nghìn hécta rừng bị tàn phá, không ai chịu trách nhiệm
- Nhiều công nhân được thuê “tàn phá” rừng Sơn Trà
- Tàn phá rừng trên đất giao khoán
- Ai đã tàn phá rừng phòng hộ Phú Ninh?
“Vô tư” rao bán đất rừng
Nhận được tin báo của người dân, từ đường Hồ Chí Minh lần theo con đường ngoằn ngoèo đầy sình lầy hơn 5km, chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Đắk Môl (huyện Đắk Song, nằm trong lâm phần quản lý của Công ty lâm nghiệp Đức Hòa). Những hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là dọc hai bên đường với hàng loạt tấm bảng rao bán đất công khai có kèm theo số điện thoại của chủ đất.
Theo người dân địa phương, trước đây, những mảnh đất này hầu hết là những cánh rừng già nhưng đã bị người dân tự ý lấn chiếm, chặt phá dần rồi đem ra rao bán công khai. Khi được hỏi vì sao cơ quan chức năng không xử lý, can thiệp thì một người dân nói: “Cán bộ quản lý rừng còn vô tư rao bán đất thì làm sao mà xử lý được!”.
Cảnh tượng rừng tại Tiểu khu 1122 bị chặt phá nham nhở. |
Tiếp tục tiến sâu vào Tiểu khu 1122 và 1330 thuộc địa phận giáp ranh giữa 3 xã Nam Bình, Đắk Hòa và Đắk Môl, chúng tôi mới cảm nhận phần nào thực trạng tàn phá rừng nơi đây. Tiến sâu vào bên trong, trên con đường đất sình lầy vẫn còn in hằn vết xe vận chuyển gỗ của “lâm tặc” là hàng loạt cây rừng đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang, nhiều cây vẫn còn ứa nhựa tươi mới chiếm hết cả lối đi. Men theo những con đường xương cá bên trong, chúng tôi phát hiện nhiều vạt rừng bị chặt phá trắng.
Tại hiện trường, cây lớn, cây nhỏ nằm ngổn ngang. Một số khu vực khác đã bị đốt, trơ lại những gốc cây hai, ba người ôm cháy xém đen. Trao đổi với chúng tôi, một chủ nhân rao bán đất rừng ở đây cho biết, những cây gỗ to, có giá trị về kinh tế thì đã được “lâm tặc” âm thầm đốn hạ mang đi từ lâu.
Cán bộ bảo vệ rừng “không nắm rõ”
Sau hơn một ngày lội rừng, chứng kiến cảnh tượng phá rừng nơi đây, nhóm phóng viên đem vấn đề trên trao đổi với những người có trách nhiệm thì lại nhận được những câu trả lời khá hời hợt và thờ ơ. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trạm trưởng Trạm quản lí bảo vệ rừng số 1 của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ tại trạm hơn một tháng nên chưa nắm bắt hết được tình hình. Theo anh em báo lại thì hầu hết rừng ở đây đều bị tàn phá vào ban đêm nên cán bộ rất “khó” phát hiện để bắt quả tang”.
Còn ông Nguyễn Văn Vinh, kiểm lâm phụ trách địa bàn (thuộc Hạt huyện Đắk Song) lại cho rằng, ông vẫn thường xuyên kiểm tra và đã phát hiện nhiều diện tích rừng bị chặt phá nhưng không thể bắt được đối tượng vì hầu hết họ phá rừng vào ban đêm.
Để chứng minh những câu trả lời vô trách nhiệm của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, đêm hôm sau, nhóm phóng viên đã nhờ một “thổ địa” dẫn đường mật phục cảnh “lâm tặc” ngang nhiên vận chuyển gỗ ra khỏi rừng nơi đây. Ngay tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, chúng tôi dễ dàng bắt gặp chiếc xe tải mang BKS 93C-005.00 chất đầy gỗ đang ì ạch bò ra khỏi rừng. Lúc này, trước Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 không một bóng người, chiếc xe tải “vô tư” vượt trạm rồi hướng ra đường Hồ Chí Minh mà không gặp bất cứ một sự kiểm tra nào từ phía cơ quan chức năng.
Khi đem câu chuyện việc xe tải chở gỗ ngang nhiên vượt trạm nhưng cán bộ quản lý, bảo vệ rừng không hề hay biết, ông Nguyễn Minh Hoàng chống chế: “Đêm đó, anh em chúng tôi nhận được tin báo một vụ phá rừng cách chốt khoảng 10km nên anh em được điều động vào hiện trường hết. Trạm có 10 cán bộ thì có tới 3 người xin nghỉ phép, 7 người còn lại cùng vào hiện trường đến hơn 3h sáng hôm sau mới về nên không thể nắm bắt hết mọi hoạt động của “lâm tặc” được”.
Có thể nói, việc rừng ở đây bị tàn phá trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, đơn vị được giao quyền quản lý nhưng đã không kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý. Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song là đơn vị được giao kiểm tra công tác quản lý rừng, nhưng lại không biết việc phá rừng kéo dài như vậy, cũng không thể vô can...