Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Nếu chọn phương án 1 sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa?

Thứ Hai, 20/08/2018, 09:01
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồngcủa Quốc hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo,1 trong 8 tuyến thuộc dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội.

Trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án,trong đó, phương án 1 có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền Bà Kiệu.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các chuyên gia cho rằng nếu lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa trung tâm Thủ đô, nhưng chưa có báo cáo tác động. Thứ nhất, tuyến ngầm đi qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm TP, có 1 phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích. Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân tháp Bút chỉ có 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa, do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (tháp Bút hiện đang bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tácđộng do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết. Thứ hai, các nhà khoa học cũng cho rằng vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Kích thước, quy mô thân ga quá lớn so với diện tích mặt bằng khu vực;vị trí thân ga, cửa lên xuống được bố trí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm không hợp lý, do khu vực này vốn đã có mật độ giao thông lớn, với lưu lượng tăng thêm khoảng 6.700 người/ngày do ga ngầm tạo ra tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông và phát sinh các vấn đề an ninh, xã hội khác...

Ngoài ra, quá trình thi công dự kiến kéo dài hàng năm, chưa tính đến phát sinh chậm tiến độ, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và đời sống người dân khu vực trung tâm. Thứ ba là nguy cơ về sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ... chưa được tham vấn cơ quan chuyên ngành trong khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và chuyên gia.

Thực tế trên thế giới cho thấy các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm: sụt lún, thay đổi cấu trúc, thủy hệ... trong khi khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm và chuyên gia về xử lý sự cố đường sắt đô thị, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, thiếu chủ động trong việc xử lý tình huống xảy ra sự cố.

Với những lập luận nói trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, chọn hướng tuyến đường sắt theo phương án 1 cho thấy TP Hà Nội “chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa, văn hiến Thủ đô”.

Nhấn mạnh “hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu là di sản văn hóa đặc biệt và đặc sắc, nằm trong khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến nghìn năm của Thủ đô, không chỉ là di sản của TP Hà Nội mà là của quốc gia, là không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam cần được bảo vệ tuyệt đối theo Luật Di sản văn hóa”, Ủy ban đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Được biết, theo phương án được Hà Nội lựa chọn, tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 có tuyến hầm cách tâm tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp 1m (theo phương nằm ngang), đỉnh tuyến hầm cách mặt đất 12,3m. Thân ga chính nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới tháp Bút 36m, có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Cửa lên xuống số 1 và cụm công trình phụ trợ bố trí trong đất Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; cửa lên xuống số 2 và tháp thông gió 2 bố trí trong đất Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; cửa lên xuống số 3 bố trí cạnh thân ga, trên khuôn viên vườn hoa hồ Hoàn Kiếm; cửa lên xuống số 4 bố trí sau tượng đài Cảm tử, dưới đường Hàng Dầu.

Đặng Nhật
.
.
.