Đi 50km phải qua 3 trạm BOT, Bộ GTVT quy trách nhiệm cho địa phương

Thứ Tư, 07/03/2018, 09:59
Thời gian gần đây, khi dư luận bức xúc, người dân phản ứng gây mất ANTT tại những dự án BOT đặt trạm thu phí bất hợp lý với mức phí quá cao trên các giao thông huyết mạch khiến nhiều địa phương và bộ ngành đã phải tìm cách cắt giảm trạm thu phí, giảm giá phí khi qua trạm thì tại Bình Phước, những tồn tại và hạn chế liên quan đến các dự án BOT cũ còn chưa được khắc phục, tỉnh này tiếp tục có quyết định đầu tư mới hoặc nâng cấp một số tuyến đường.

Liên quan đến việc đầu tư dự án BOT với tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương, cuối tháng 1 - 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã phải có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan cùng chủ đầu tư dự án BOT cầu 38 - Đồng Xoài trên QL14 về việc nghiên cứu phương án xử lý trạm thu phí dự án nâng cấp, mở rộng đoạn trên.

Tại văn bản này, lãnh đạo Bộ GTVT xác định, UBND tỉnh Bình Phước trong quá trình duyệt dự án chưa thỏa thuận với Bộ GTVT việc đấu nối với QL14 đoạn qua tỉnh Bình Phước và chưa đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng đến trạm thu phí của dự án BOT đoạn từ cầu 38 đến TP Đồng Xoài. Do đó, khi tuyến đường BOT Đồng Phú - Bình Dương hoàn thành xây dựng, lưu lượng xe qua trạm Km 957 + 400 trên QL14 có thể giảm đến 70 - 80% vào năm 2020. Điều này làm phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT cũ.

Dù vậy, phương án được đưa ra là di dời trạm thu phí vừa kể trên đến vị trí mới ở km 942 + 600 đã gặp phải khó khăn do UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt phương án đặt hai trạm thu giá hoàn vốn cho dự án BOT Đồng Phú - Bình Dương chỉ cách nhau hơn 40km và cách khoảng 8km so với vị trí điểm đấu nối giữa tuyến Đồng Phú - Bình Dương với QL14.

Đồng thời, với vị trí đặt trạm mới tại km 942 + 600 trên QL14, các phương tiện ôtô đi qua đây vào đường Đồng Phú - Bình Dương với chiều dài chưa đến 50km đã phải đi qua 3 trạm thu phí BOT.

Từ sự bất hợp lý này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Vụ kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư - Công ty CP Đức Thành Gia Lai cùng các cơ quan liên quan xem xét việc đấu nối theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước. Trong đó phải đề nghị tỉnh này có đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng đến phương án thu phí đang thực hiện tại trạm BOT đoạn cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài.

Trải thảm mặt đường ĐT 741 đoạn qua TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Trường hợp việc xây dựng tuyến Đồng Phú - Bình Dương đấu nối vào km 957- 400 của QL14 làm phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT trên, tỉnh Bình Phước phải có trách nhiệm chi trả bù khoản doanh thu thiếu hụt cho trạm BOT Cầu 38 - Đồng Xoài. Lý do,  chính tỉnh Bình Phước đã phê duyệt dự án và quyết định đặt 2 trạm thu phí này.

Những năm qua, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng kiến nghị về tình trạng trạm thu phí BOT dày đặc ở khu vực miền Đông Nam bộ và hướng đi Tây Nguyên, song đến nay vấn đề này vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, chỉ tính trên QL13 nối từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương đã có 3 trạm thu phí, trong đó có những trạm chỉ cách nhau từ 8 đến 16km. Từ TP Hồ Chí Minh đến Đắk Lắk, quãng đường chỉ dài 350km nhưng đã có tới 7 trạm thu phí…

Cùng với mật độ trạm thu phí dày đặc, mức thu phí cao đã đẩy giá cước vận tải tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, vấn đề đặt ra là nếu đường Đồng Phú - Bình Dương được đưa vào hoạt động, số lượng trạm thu phí các dự án BOT tại Bình Phước sẽ càng thêm dày.

Theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Bình Phước, đến cuối năm 2017,  tỉnh đã kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng năm dự án BOT cầu, đường. Năm dự án BOT đã được kêu gọi đầu tư tại Bình Phước tuy chỉ có chiều dài tổng cộng hơn 168km cầu, đường nhưng đã có đến 7 trạm thu phí. Như vậy, trên địa bàn này cứ hơn 24km có một trạm thu phí BOT.

Đây là những trục đường chính đi và đến tỉnh Bình Phước; các trạm thu phí BOT đều đặt trên những tuyến chính nên các loại phương tiện ôtô, xe vận chuyển hàng hóa, hành khách… mỗi khi đi qua địa bàn tỉnh này đều phải phải oằn mình “cõng” phí. Chỉ với việc đầu tư BOT cho 32,3km đường, nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước đã được phê duyệt đặt hai trạm thu phí.

Thông tin từ ông Võ Phi Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty này cho thấy, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 lượt xe đi qua hai trạm thu phí của DN này, trong đó loại xe có mức phí thấp nhất chiếm khoảng 30% và loại phí cao nhất chiếm chừng 20%.

Từ cách đây 3 năm, mức phí qua các trạm này đã được tăng lên với giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt và cao nhất là 90.000 đồng/lượt. Do đó, mặc cho người dân, DN thêm khó khăn, chủ đầu tư dự án BOT QL 13 đoạn từ cầu Tham Rớt đến An Lộc hàng ngày cứ ung dung “hốt” bạc.

Bảo Sơn
.
.
.