Đầu tư tiền tỷ xây chợ rồi… bỏ hoang
Tìm hiểu được biết, chợ Nghĩa Phương được triển khai xây dựng từ tháng 5-2016 và chính thức nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 7-2017. Công trình có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, với tổng diện tích gần 4.800m2, do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư. Công trình chợ Nghĩa Phương gồm các hạng mục, nhà lồng với 32 lô sạp, có diện tích khoảng 4m2/lô, 2 dãy nhà với gần 20 ki ốt và một số hạng mục khác như nhà vệ sinh, mương thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy...
Do đâu chợ mới xây dựng khang trang song tiểu thương không chịu vào, mà tập trung dựng lều tạm bợ tại khu vực gần đó để buôn bán?. Bà Nguyễn Thị T., chủ sạp trái cây tại chợ tạm cho biết, chợ Nghĩa Phương khi xây dựng đã không họp các tiểu thương lại để lấy kiến nên các hạng mục công trình không phù hợp, nhà lồng ở quá sâu, cách xa cổng vào; trong khi đó diện tích mỗi sạp lại quá nhỏ, chật chội, không đủ để bày hàng buôn bán.
Ngoài ra, các lô, ki ốt thì nằm rải rác không gần với nhau, không có cổng ra vào chợ gây bất lợi cho việc buôn của các tiểu thương. Đặc biệt, mức giá thuê kiốt và lô, sạp trong chợ Nghĩa Phương quá cao, không phù hợp với kinh phí của một chợ quê.
“Ở đây là chợ quê, chúng tôi chỉ buôn bán các mặt hàng vốn ít, mỗi ngày cao lắm cũng chỉ thu nhập từ 200-300 ngàn đồng. Họ xây chợ xong lại đưa ra giá cho thuê trong 20 năm, dãy kiốt ngoài cho thuê mỗi lô khoảng 230 triệu đồng; dãy ki ốt phía trong thì tầm 160 triệu đồng/lô; giá mỗi lô trong nhà lồng ở khoảng 37-38 triệu đồng. Mức giá này được bên đầu tư yêu cầu phải nộp hết một lần thì chúng tôi lấy tiền đâu mà nộp. Hơn nữa, họ xây kiốt chắn hết mặt tiền khu nhà lồng thì ở trong thế này ai biết mà vào chợ mua?”, bà T. bức xúc nói.
Bán một quầy trái cây nhỏ cạnh sạp bà T., bà Lê Thị N. cũng tỏ ra bất bình: “Chợ làm rồi mà ai lại muốn ra ngồi ngoài đây cho cực, ai cũng muốn có chỗ ổn định cho mình buôn bán, ngồi ngoài sợ đủ thứ lắm, sợ xe cộ, sợ mất đồ, hàng hóa cũng phải đi gửi nhà người ta, nhưng mà chợ xây dựng như thế thì làm sao buôn bán gì được”…
Theo quan sát của chúng tôi, mặt tiền chợ mới Nghĩa Phương bị một dãy kiốt đầu tiên (với 7 kiốt) hầu như che chắn toàn bộ bên trong của khu chợ. Khu nhà lồng nằm sâu phía trong, cách đó là một dãy kiốt khác. Giữa các hạng mục công trình này là những khoảng đất trống khiến cho tổng thể khu chợ trở nên rời rạc và thiếu liên kết. Tất cả kiốt đều đóng kín cửa, khu nhà lồng thì người dân tận dụng để phơi lông gà. Trong khi, “chợ cóc” các tiểu thương dựng tạm bợ ven Quốc lộ 1A, đường nông thôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.
Chợ Nghĩa Phương xây xong bỏ hoang gần một năm nay. |
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, việc xây dựng mới lại chợ Nghĩa Phương là do chợ cũ diện tích hẹp và nằm gần sát Quốc lộ 1A nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Huyện Tư Nghĩa đã đầu tư xây dựng chợ mới phía sâu bên trong đế phòng tránh tình trạng người mua bán đứng ngoài lề đường. Chợ Nghĩa Phương được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên phải thu một lần để hoàn trả lại cho chủ đầu tư.
“Mức giá chính quyền đưa ra mà các tiểu thương chợ Nghĩa Phương kiến nghị quá cao thì lãnh đạo huyện sẽ xem xét làm sao đưa ra giá phù hợp cho các tiểu thương ở đây. Ngoài ra, chính quyền huyện Tư Nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc họp tiểu thương để giải thích cho họ hiểu, đồng thời làm các tục hồ sơ đấu giá cho người có nhu cầu”, bà Lan giải thích.
Nói gì thì nói, xây chợ tiêu tốn tiền tỷ mà khánh thành đã hơn 1 năm vẫn phải đóng cửa im ỉm để tiểu thương tùy tiện họp “chợ cóc” ngoài đường không chỉ gây lãng phí, mất mĩ quan mà còn gây mất an toàn giao thông. Đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa sớm có biện pháp thiết thực giải quyết tình trạng này.